Bắt đầu từ luận cứ
Xin mở đầu cuốn sách này bằng một “chấn thương tâm lý” tuổi thơ của tôi.
Năm 2005, khi tôi 16 tuổi, các gia đình ở Hải Phòng bắt đầu lắp Internet hộ gia đình. Hẳn các bạn cũng đoán được tôi như phát điên khi nhà mình mãi không lắp mạng. Dù tôi có van xin, khóc lóc, hờn dỗi, câu trả lời của bố mẹ tôi vẫn là: KHÔNG.
Bỗng một ngày, tôi thấy trên báo Thanh Niên, tờ báo bố vẫn đọc hằng ngày, có bài “Ích lợi của việc học tin học văn phòng sớm”. Với bằng chứng đích đáng này trong tay, tôi quyết tâm thuyết phục bố mẹ bằng lý lẽ: Nhà mình cần phải sớm lắp Internet để phục vụ tốt cho việc học tin học văn phòng của con.
Ảnh minh hoạ. Nguồnn: PNGkey. |
Tất nhiên, chỉ bằng một cú điện thoại, bố mẹ tôi đã biết là không có mối liên hệ chặt chẽ giữa việc lắp Internet và học tin học văn phòng. Vậy là lần tập thuyết phục trọng đại đầu tiên trong đời tôi đã thất bại.
Thuyết phục người khác bằng lý lẽ và bằng chứng (chứ không bằng đe dọa hoặc van nài) đôi khi là việc bình thường như hơi thở, nhưng đôi khi lại định đoạt cuộc đời một người. Hãy thử liệt kê:
- Khi viết một bài luận để tuyên bố mệnh đề A là đúng, bạn phải đọc nhiều sách để tìm những khoa học gia đã ủng hộ mệnh đề A, rồi bạn phải đưa thêm vào các lý lẽ cá nhân để thuyết phục thầy giáo rằng đây là một bài luận của mình chứ không phải bản tổng hợp quan điểm của các khoa học gia trong quá khứ.
- Khi bạn tuyên bố có một dự án cần đầu tư vốn lớn để thực hiện, bạn phải xem lại toàn bộ bằng chứng những dự án tương tự của các công ty khác đã được đầu tư lớn như thế nào; sau đó bạn phải tuyên bố rõ với sếp rằng dự án của chúng ta có nhiều điểm tương đồng với các dự án kể trên. Vì vậy, sếp cần phải đầu tư số vốn tương đương.
- Trước khi quyết định đưa bạn gái đi ăn ở nhà hàng nào, bạn phải lên Internet tìm kiếm thông tin về hàng tá cửa hàng, so sánh giá, đọc các bình luận, rồi cẩn thận kiểm tra lại một lần nữa bằng việc gọi điện thoại hỏi anh bạn sành ăn nhất. Sau đó, bạn phải tự thuyết phục bản thân (đang rất hoang mang vì sợ nữ thần sẽ không vừa lòng) rằng đây quả là một lựa chọn sáng suốt. Kết hợp lượng lớn bằng chứng thu thập được từ Internet với uy tín của người bạn kia để chọn nhà hàng chắc chắn là một phương pháp ra quyết định hoàn hảo.
Tuy vậy, đặc biệt là trên mạng xã hội, không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian chuẩn bị chỉn chu được như trên. Chúng ta nghĩ mình đang thuyết phục, nhưng thực tế là đang lao vào những cuộc tranh luận không dứt - đôi khi cả với những người chưa từng quen biết - bởi sự thiếu chuẩn bị này.
Tranh luận, rất nhanh thôi, sẽ biến thành tranh cãi khi ai cũng tuyên bố: Quan điểm của tôi là đúng (và ngầm ý rằng: Các quan điểm không giống với quan điểm của tôi thì sai hoặc có vấn đề) mà thiếu đi những lý lẽ & bằng chứng được xác định một cách rành mạch (ít nhất là từ phía người tuyên bố) nhằm bảo vệ quan điểm.
Bình luận