Nếu ai theo dõi showbiz Việt đủ lâu sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, nhanh chóng và có phần quyết liệt của các thương hiệu hay nhà sản xuất trong bối cảnh nghệ sĩ vướng bê bối.
Khoảng 5 năm trước, khi một ngôi sao trẻ gặp ồn ào, bị khán giả chỉ trích, động thái thường thấy của các nhãn hàng là im lặng. Thậm chí, nhà sản xuất trong trường nhiều hợp vẫn ngó lơ phản ứng của khán giả, tiếp tục hợp tác với những nghệ sĩ này.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi.
"Làn sóng" tẩy chay của khán giả trên các nền tảng mạng xã hội đối với ngôi sao "dính phốt" trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lúc này, nhãn hàng, nhà sản xuất đã không thể ngồi yên.
Các nhãn hàng buộc phải có động thái
Vụ việc liên quan đến rapper Negav vừa qua là một ví dụ điển hình.
Chỉ vài ngày sau khi bê bối của Negav nổ ra, tất cả nhãn hàng, thương hiệu ngay lập tức có động thái. Cụ thể, một sàn thương mại điện tử khá nổi tiếng trước đó đăng poster của Negav cùng Bùi Công Nam, Gil Lê để quảng bá chiến dịch mới. Ở bài đăng, nhãn hàng cũng nhắc tên nam rapper. Sau khi Negav vướng ồn ào về phát ngôn bỏ học, bị khui lập nhóm kín có nội dung phản cảm, thậm chí quấy rối tình dục (trong quá khứ), hình ảnh của rapper bị xóa bỏ khỏi các nền tảng mạng xã hội của nhãn hàng này. Nội dung bài viết kể trên cũng được chỉnh sửa.
Tiếp đó, fanpage của một nhãn hàng thực phẩm cũng gỡ hình ảnh quảng cáo của Negav.
Negav bị nhiều nhãn hàng quay lưng sau ồn ào. |
Trong cơn bão khủng hoảng truyền thông liên quan đến rapper này, một loạt các chương trình, sự kiện khác cũng hủy bỏ hợp tác với Negav. Gần nhất, concert thứ hai của Anh trai "say hi" cũng không có sự xuất hiện của thành viên tổ đội Gerdnang.
Không chỉ Negav, thời gian qua, các nhà sản xuất cũng có động thái quyết liệt hơn đối với những nhân vật vấp phản ứng từ khán giả. Đơn cử, trong một tập của Anh trai "say hi", ê-kíp đã quyết định làm mờ mặt Xuân Ca và cắt bỏ một số cảnh liên quan đến TikToker có 2,6 triệu người theo dõi này vì vướng ồn ào đời tư.
Những động thái kể trên của nhãn hàng lẫn nhà sản xuất cho thấy các đơn vị này ngày càng quyết liệt, nhanh chóng trong tình huống những ngôi sao vướng bê bối, bị khán giả phản ứng.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên Cao cấp ngành Truyền thông Chuyên nghiệp, Đại học RMIT cho rằng việc thương hiệu nhanh chóng gỡ bỏ hình ảnh, dừng hợp tác cho thấy họ đã lường trước những rủi ro này và có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
"Với thương hiệu, uy tín và hình ảnh là tài sản vô giá. Thương hiệu cần cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn ngôi sao phù hợp, và có chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả để đạt được mục tiêu marketing. Khi nghệ sĩ dính scandal, hình ảnh của họ bị ảnh hưởng tiêu cực, điều này có thể lan sang thương hiệu mà họ đại diện. Do đó, các tiêu chí về đạo đức, lối sống, hình ảnh "sạch" được đặt lên hàng đầu khi lựa chọn nghệ sĩ và ký kết các hợp đồng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm", chuyên gia nói.
Theo chuyên gia, việc nhà sản xuất thay thế nghệ sĩ là động thái phù hợp để xoa dịu dư luận, bảo vệ uy tín, đảm bảo chất lượng nội dung, tránh để làn sóng tẩy chay lan rộng, gây ảnh hưởng đến rating và doanh thu của chương trình.
Ngoài ra, loại bỏ nghệ sĩ vướng scandal cũng là cách để nhà sản xuất thể hiện quan điểm và trách nhiệm xã hội của họ. Điều đó chứng minh là nhà sản xuất cũng góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, xây dựng hình ảnh đẹp cho nghệ sĩ, khuyến khích một môi trường giải trí văn minh, lành mạnh.
Săn đón, hợp tác với ngôi sao trẻ cũng có không ít rủi ro
Nhiều năm qua, những ngôi sao trẻ, bước ra từ các game show, cuộc thi âm nhạc, luôn được nhãn hàng trong nước săn đón.
Lý do, các ngôi sao trẻ thường có lượng người hâm mộ hùng hậu, trung thành và năng động trên mạng xã hội. Với thương hiệu có đối tượng khách hàng mục tiêu là giới trẻ, việc hợp tác với ngôi sao trẻ sẽ giúp hình ảnh thương hiệu được gắn kết với hình ảnh tích cực về phong cách sống, gu thẩm mĩ của ngôi sao đó, từ đó tạo dựng thiện cảm một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Đồng thời, với tốc độ chia sẻ tích cực của các fan trên các nền tảng mạng xã hội, hình ảnh thương hiệu được xuất hiện ngày càng nhiều hơn, giúp nâng cao độ nhận diện trên thị trường. Quan trọng hơn, sự yêu thích của fan đối với ngôi sao trẻ có thể chuyển hóa thành hành vi mua hàng, ủng hộ sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu đồng hành.
Song theo chuyên gia, việc hợp tác với các ngôi sao trẻ cũng có thể phát sinh các rủi ro cho thương hiệu.
Đầu tiên, chi phí hợp tác với các ngôi sao trẻ sẽ ngày càng cao do mức cát-xê sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xếp hạng nổi tiếng của nghệ sĩ đó. Điều đó khiến ngân sách marketing của thương hiệu bị đội lên đáng kể.
Hơn thế, việc hợp tác với các ngôi sao trẻ thường diễn ra trong thời gian ngắn, đặc biệt là khi chương trình có họ tham gia kết thúc. Điều này khiến hiệu quả hợp tác và tác động tới sự phát triển bền vững của thương hiệu thường không được lâu dài.
Ngoài ra, các ngôi sao trẻ khi nổi tiếng thường gặp phải nhiều vấn đề liên quan tới lối sống cá nhân, phát ngôn, các mối quan hệ, hay hành vi thiếu chuẩn mực cộng đồng (có thể trong hiện tại và trong quá khứ).
"Khi các ngôi sao bị dính phốt hay hành vi gây tranh cãi sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của thương hiệu mà họ hợp tác. Có nhiều trường hợp, ngôi sao tự ý thay đổi hoặc điều chỉnh hành vi, các hoạt động quảng bá đồng hành với thương hiệu theo ý của riêng mình, từ đó gây lệch lạc về hình ảnh thương hiệu, thông điệp truyền thông so với mục tiêu ban đầu", TS Nguyễn Văn Thăng Long trao đổi.
Chuyên gia cho rằng hình ảnh đẹp của các nghệ sĩ góp phần quyết định thành công của chương trình. |
Chương trình, nhãn hàng đều muốn nghệ sĩ hợp tác giữ gìn hình ảnh
Khi nghệ sĩ vấp phải scandal, các thương hiệu phải gánh chịu hậu quả, thiệt hại khủng khiếp. Việc dừng hợp tác, tìm kiếm người thay thế trong một thời gian ngắn, không phải là bài toán đơn giản cho nhãn hàng. Hơn thế, họ phải bỏ ra một mức chi phí lớn để thay đổi các TVC, key visual, nội dung quảng cáo cùng các khâu liên quan.
Nghiêm trọng hơn, khi thương hiệu bị "ghét lây" hay khán giả kêu gọi tẩy chay, hậu quả sụt giảm doanh thu cũng khó mà tránh khỏi. Nhà sản xuất cũng đối diện những thiệt hại tương tự.
Ở góc độ nhà sản xuất, bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc nội dung FPT Play - cho biết tất cả những nghệ sĩ, người chơi tham gia chương trình đều ràng buộc với đơn vị sản xuất bằng hợp đồng, trong đó có điều khoản đảm bảo về hình ảnh, hình tượng bản thân. Song giữa thời điểm ghi hình và phát sóng là một khoảng thời gian cách biệt, sẽ phát sinh những vấn đề cá nhân của nghệ sĩ.
Lúc này, nhà sản xuất phải gặp gỡ các cá nhân liên quan để làm việc, trực tiếp trao đổi, đánh giá mức độ của sự việc để đưa ra quyết định cuối cùng.
Sau sự việc của Negav hay những ngôi sao trẻ vướng ồn ào, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, nhà sản xuất gần đây, các chuyên gia cho rằng nhãn hàng nên cẩn trọng khi hợp tác với nghệ sĩ, xem xét kỹ lưỡng đạo đức, lối sống, lý lịch, đảm bảo họ phù hợp với giá trị cốt lõi và hình ảnh thương hiệu theo đuổi.
Với nhà sản xuất, các đơn vị này phải tập trung vào xây dựng chất lượng nội dung chương trình hấp dẫn, lành mạnh, tránh lạm dụng yếu tố giật gân, lựa chọn các nghệ sĩ có nhiều ồn ào, gây tranh cãi để câu khách. Việc lựa chọn người tham dự cũng nên lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả, nhằm kịp thời điều chỉnh nội dung hoặc cách thức thực hiện chương trình khi cần thiết.
"Trong thời đại mạng xã hội phát triển, mọi hành động, lời nói của nghệ sĩ đều bị đặt dưới con mắt soi mói của công chúng. Vì vậy, việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh sạch là điều quan trọng đối với sự nghiệp của nghệ sĩ cũng như thành công của các chương trình truyền hình, lẫn những dự án hợp tác", chuyên gia nhấn mạnh.
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý do GS Gianni Kriscak cùng Hiền Nguyễn Soprano (nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương), Trịnh Thị Oanh (giảng viên thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương) thực hiện. Sách ra mắt vào tháng 2 và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận.