“Người vạn năng”, “Don Quixote Trung Quốc”, “kẻ nổi loạn thông minh” là những gì người ta gọi Hàn Hàn. Đó là kẻ chưa bao giờ thôi khuấy đảo đời sống giải trí của đất nước tỷ dân.
Hàn Hàn viết cuốn tiểu thuyết đầu tay ở tuổi 17, bán được hơn 2 triệu bản, lập kỷ lục văn đàn Trung Quốc. Anh đam mê đua xe và trở thành tay đua chuyên nghiệp, không năm nào không tham dự một cuộc đua nào đó. Anh là hot blogger có lượng người theo dõi lớn nhất Đại lục với hơn 200 triệu người.
Anh tự tay sáng lập một tờ tạp chí, sáng tác ca khúc, sản xuất âm nhạc và gần đây lấn sân sang điện ảnh khi thị trường điện ảnh Trung Quốc bùng nổ. Hai bộ phim Hàn Hàn tự tay biên kịch và đạo diễn đều thu về hơn 100 triệu USD.
Hàn Hàn sinh năm 1982 ở Thượng Hải, con một gia đình trung lưu bình thường. Năm 1999, ở tuổi 17, cậu học sinh trung học cấp ba này đoạt giải nhất cuộc thi “Tác phẩm khái niệm mới” lần thứ nhất với cuốn tiểu thuyết có tên Triple Gate (Ba tầng cửa).
Cuốn sách kể về một thế hệ trẻ Trung Quốc vừa u sầu vừa mạnh mẽ, những kẻ muốn vượt thoát ra khỏi những hình mẫu già nua của đất nước này trong những năm nền kinh tế bắt đầu chuyển mình. Ba tầng cửa bán được hơn 2 triệu bản, một hiện tượng có một không hai. Hơn 20 năm rồi, chưa có một cuốn tiểu thuyết nào của Trung Quốc chạm đến con số đó.
Được xếp vào nhóm nhà văn trẻ 8X cùng với Quách Kính Minh và tiếp nối thế hệ các cây bút của phong trào văn học Linglei như Vệ Tuệ, Hàn Hàn luôn muốn thoát ra khỏi các phong trào và sự áp đặt của giới phê bình để xây dựng cho mình một vị trí độc tôn, “một mình một cõi”. Thành công quá lớn của Ba tầng cửa cũng khiến Hàn Hàn bỏ học, chuyên tâm vào sáng tác.
Một loạt tiểu thuyết sau đó của Hàn Hàn tiếp tục khẳng định văn tài của nhà văn trẻ này. Giọng văn phóng túng, trải đời, lối viết châm chích giễu nhại đầy hài hước nhưng gần gũi với công chúng luôn khiến những cuốn tiểu thuyết của anh được giới trẻ đặc biệt yêu thích.
Ở Việt Nam, bạn đọc có thể tìm đọc ba cuốn tiểu thuyết của Hàn Hàn được dịch là Trường An loạn, Thành phố trong mơ và 1988 - Tôi muốn trò chuyện với thế giới. Cả ba đều được dịch in ra nhiều thứ tiếng sau khi đã bán từ hàng trăm nghìn đến cả triệu bản ở đại lục.
Trường An loạn (bản dịch của Trần Quang Đức, Nhã Nam xuất bản) là một cuốn tiểu thuyết “giả võ hiệp”, hay nói cách khác là mượn phong cách truyện võ hiệp để giễu nhại, hoạt kê, ngẫu hứng với ý đồ “đặt lại vấn đề” về đạo lý hay cười cợt chuyện đời.
Những câu văn của Hàn Hàn có sức hấp dẫn, lôi cuốn bởi sự biến báo, bất ngờ, ví dụ như: “Từ nhỏ, sư phụ đã dạy tôi nhiều đạo lý, khiến tôi cảm thấy đạo lý thực ra đều vô lý, bất cứ câu nào cũng có thể là đạo lý cả, nếu như bạn muốn tìm đạo lý đến tận cùng”.
Hoặc một đoạn văn hài hước: “Trường An nổi tiếng ở sự phồn hoa diễm lệ, những người phụ nữ ra đường mà ta có thể trông thấy không phải bán rau thì bán thân. Cũng không phải cứ bán rau thì cao quý, bởi nếu đặt một số phụ nữ cạnh nhau, bạn sẽ cảm thấy vài người trong số đó chỉ có thể đi bán rau mà thôi”.
Viết tiểu thuyết thôi chưa đủ, Hàn Hàn là một hot blogger có lượng người đọc lớn nhất Trung Quốc và chạm mốc 300 triệu lượt người đọc. Trên blog, Hàn Hàn không ngại phản biện xã hội, phản biện chính trị, thời cuộc với những bài viết sắc sảo, lắm lúc kiêu ngạo và không ngại chọc ngoáy thế hệ đi trước, đòi “đào mồ chôn” những nhà văn của thế hệ già nua.
Tiểu luận của Hàn Hàn gây ra nhiều tranh cãi, nhiều cuộc bút chiến dữ dội giữa anh và thế hệ các nhà văn đi trước. Không ít scandal cũng bủa vây nhà văn thần tượng này khi một đối thủ tố cáo rằng Hàn Hàn chỉ đứng tên để bán những cuốn sách do người khác viết...
Bất chấp tất cả, anh vẫn là một thần tượng của giới trẻ, một kẻ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức tạp chí Time bình chọn anh là một trong 100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2010, bên cạnh những tên tuổi lớn như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Steve Jobs, Oprah Winfrey...
Hàn Hàn có dáng vẻ bề ngoài không mấy mạnh mẽ, thậm chí hơi “yếu”. Có lẽ đây là đặc điểm chung của những nhà văn thần tượng 8X Trung Quốc. Nhưng khác với Quách Kính Minh, đối thủ lớn nhất trên văn đàn, Hàn Hàn lại là một kẻ ngông ngạo và mạnh mẽ về ý chí.
Thành công nhờ viết văn, Hàn Hàn đổ tiền cho niềm đam mê lớn nhất của mình: đua xe. Từ năm 2003 đến 2014, Hàn Hàn luôn xuất hiện trong những cuộc đua xe công thức chuyên nghiệp diễn ra ở Trung Quốc và cả trên thế giới. Và anh luôn giữ nó như một niềm đam mê thuần khiết nhất của mình, không bị vướng bận bởi quảng cáo.
Hàn Hàn từng nói: “Thu nhập của tôi chủ yếu là từ bán sách. Tôi không có đầu óc làm kinh tế hay chứng khoán, tôi cũng không đầu tư vào các quỹ tín dụng. Đua xe là một hoạt động vô cùng đắt đỏ và gây ra khá nhiều khó khăn cho tài chính của gia đình tôi, nhưng tôi không bỏ được”.
“Tôi không tham gia vào các hoạt động tạo doanh thu khác, và tôi cũng từ chối nhiều chương trình mang lại lợi nhuận hàng năm từ đua xe. Tận dụng cơ hội quảng cáo có liên quan đến đua xe sẽ giúp tôi kiếm được hơn 3 triệu tệ mỗi năm, nhưng tôi sợ rằng khi tôi bắt đầu làm công việc này, tôi sẽ không dừng lại được”, anh khẳng định.
Hàn Hàn còn là một người sáng tác ca khúc và sản xuất âm nhạc. Bất cứ hoạt động nào anh đụng tay vào đều thành công lớn. Hơn 20 năm qua, thế hệ độc giả của Hàn Hàn cứ lớn dần theo anh và vẫn trung thành với một nhà văn thần tượng ngông ngạo, trải đời hay một nhà phản biện xã hội, một trí thức sắc sảo không ngại va chạm, hay một tay đua sống chết cho niềm đam mê của mình.
Cách đây vài năm, thị trường điện ảnh Trung Quốc bùng nổ và doanh thu từ phòng vé tăng vọt nhanh chóng. Các đạo diễn thế hệ trước như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca đã bắt đầu lỗi thời, đạo diễn thế hệ mới chưa có những tên tuổi xứng tầm.
Thế là một loạt các ngôi sao thần tượng chuyển sang làm đạo diễn. Triệu Vy đạo diễn bộ phim đầu tay Thời thanh xuân, thu được thành công vang dội. Quách Kính Minh cũng tự tay chuyển thể bộ tiểu thuyết Tiểu thời đại thành 4 tập phim, mang về không dưới 300 triệu USD. Hàn Hàn tất nhiên không đứng ngoài cuộc.
Bộ phim đầu tay Hàn Hàn tự tay biên kịch và đạo diễn có tên The Continent (Sau này không gặp lại - 2014). Đó là một bộ phim kiểu hành trình, kể về 3 người bạn rời bỏ hòn đảo cực đông quê hương buồn thảm của họ để thực hiện chuyến hành trình sang cực Tây dài hàng ngàn cây số. Và những người họ gặp trên đường đã làm thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi, cho dù sau này họ không còn gặp lại nhau.
The Continent là một bộ phim đầu tay nhiều ý vị, dù đôi chỗ, cách dàn dựng của Hàn Hàn còn vụng về và khá dài dòng. Sức hút từ tên tuổi của Hàn Hàn vẫn khiến khán giả đổ xô đến phòng vé và mang về khoản doanh thu hơn 100 triệu USD tại Trung Quốc.
Vào dịp Tết Nguyên đán 2017 vừa qua, Duckweed (Đạp gió rẽ sóng), bộ phim thứ hai của Hàn Hàn cũng với vai trò kép biên kịch và đạo diễn, tiếp tục thành công vang dội, thu về hơn 150 triệu USD.
Tờ Variety chuyên về điện ảnh của Mỹ đánh giá đây là một bộ phim giải trí nhẹ nhàng, hấp dẫn trong mùa phim Tết nhiều bom tấn nhưng rỗng tuếch và thậm chí đần độn của điện ảnh Trung Quốc. Kỹ năng đạo diễn của Hàn Hàn cũng được cải thiện nhiều phần với những màn dàn dựng và góc máy công phu về đua xe, vốn là niềm đam mê và sở trường của anh.
Nhưng yếu tố khiến khán giả yêu thích bộ phim là câu chuyện về tình cha con, cuộc du hành xuyên không về thập niên 90, một thời chưa xa nhưng hoàn toàn khác biệt với đời sống xã hội Trung Quốc bây giờ.
Hai ngôi sao chính của bộ phim là Đặng Siêu và Bành Vu Yến. Đặng Siêu vào vai A Lãng, một tay đua xe chuyên nghiệp và bằng mọi giá phải chiến thắng trong một cuộc đua để “báo đáp” cha anh. A Chính (Bành Vu Yến đóng) là người luôn ngăn cản, khích bác con trai của mình.
Sau khi chiến thắng trong một cuộc đua vào năm 2020, A Lãng chở ông bố A Chính của mình trên chiếc xe vừa vô địch và gặp một tai nạn thảm khốc. Và khi tỉnh lại, anh phát hiện ra vụ tai nạn đã đưa anh trở về Thượng Hải những năm 1990 và gặp lại phiên bản người cha thời trẻ của mình...
Đề tài xuyên không và những câu chuyện của thập niên 90 luôn hấp dẫn giới trẻ Trung Quốc, bởi những người sinh ra sau giai đoạn này hầu như khó hình dung nổi mới sau 20 năm mà cuộc sống của họ thay đổi nhiều đến vậy. Một trong những bộ phim thành công nhất của đề tài này là Goodbye, Mr. Loser (2015). Và Duckweek tiếp tục là một thành công lớn của Hàn Hàn.
Cũng giống như vị thế trong văn chương và trên mạng xã hội của mình, Hàn Hàn là một người nhiều trải nghiệm, hiểu đời và phần nào có nhân sinh quan sâu sắc của một nhà tư tưởng. Có nhà phê bình văn chương Trung Quốc từng so sánh Hàn Hàn với nhà văn kiệt xuất của nước này là Lỗ Tấn.
Khác với loạt phim Tiểu thời đại của Quách Kính Minh vừa phù phiếm hào nhoáng về hình thức và rỗng tuếch về mặt nội dung, nghệ thuật, bị giới phê bình chê bai không tiếc lời, hai bộ phim của Hàn Hàn đều nhận được những đánh giá tích cực.
Xem phim của anh, ta thấy dù chưa hoàn hảo, vẫn thể hiện một cái nhìn có tư tưởng về xã hội, về đời sống và con người Trung Quốc hiện đại. The Continent là chuyến hành trình đi xuyên qua đất nước để thay đổi nhân sinh quan, còn Duckweed là chuyến xuyên không để tìm lại những giá trị tinh thần của người Trung Hoa đã bị phai nhạt và cuốn trôi khi sự phát triển kinh tế đã kéo phăng đi tất cả.
Những câu chuyện về tình huynh đệ, tình yêu của thập niên 90 được tái hiện trong bộ phim đem lại cho người xem những cảm xúc nồng ấm, đồng thời cũng để lại ít nhiều suy nghĩ cho họ về thời cuộc.
Con đường điện ảnh của Hàn Hàn vẫn dài rộng sau hai bộ phim thu trên trăm triệu đô, sức sáng tạo văn chương vẫn chưa dừng lại, khả năng phản biện xã hội vẫn rất sắc sảo, niềm đam mê trên những chặng đua xe chuyên nghiệp vẫn còn cháy bỏng.
Hàn Hàn vẫn đang độc hành trên con đường sáng tạo của mình, một kẻ sinh ra để “khuấy đảo” giới giải trí và không tạo cơ hội cho họ quên mình.