Việc xem thất bại như người bạn của mình là đi ngược với trực giác, bởi thất bại có nghĩa là không chiến thắng. Bạn thua, đúng không? Chuyện không thành công. Bạn làm hỏng việc. Đó là quan điểm chung về thất bại. Đó là cách nhìn nhận về thất bại trong Cuộc đời Xám nhạt. Cứ hỏi một Người hay viện cớ mà xem.
Người hay viện cớ từ bỏ từ trước khi có bước tiến lớn. Họ đã đoán trước được kết quả. Họ thua trong cuộc đua trước khi tiếng súng khơi mào vang lên. Cũng giống như Người luôn chấp nhận, Người hay viện cớ sợ thất bại vì sợ bị đánh giá. Vì vậy, họ không đón nhận rủi ro hay bước ra khỏi vùng an toàn vì sợ bị chế giễu hay đánh giá.
Giờ hãy cùng xem xét thất bại trong Cuộc đời Rực rỡ nhé. Trong mắt của Người dám đổi mới, thất bại không phải là kết cục, mà là một con đường. Người dám đổi mới có những bước nhảy lớn là để phục vụ chính bản thân họ, chứ không phải để gây ấn tượng với người khác. Theo thời gian, chính tư duy độc lập đã làm gia tăng danh tiếng của họ. Tại sao? Người dám đổi mới sẵn lòng bước lên hàng đầu và bắt tay vào việc. Họ sẵn lòng chịu va vấp, bị trầy xước và mang thương tích. Người dám đổi mới cũng sợ thất bại. Dù sao họ cũng không phải siêu nhân. Việc sợ hãi những gì ta không biết là dễ hiểu thôi. Điểm khác nhau là ở chỗ này: Đối với Người dám đổi mới, nỗi sợ thất bại không cản trở họ tiến lên hoặc ngăn họ hành động. Người dám đổi mới hiểu rõ rằng có thất bại cũng không sao.
Thất bại là chấp nhận rủi ro ban đầu khi ở ngoài vùng an toàn, dù rằng kết quả có thể không phải như bạn mong muốn. Nếu bạn là một Người dám đổi mới, thất bại sẽ không thể làm bạn gục ngã. Thất bại sẽ giúp nâng bạn lên. Chúng ta hoàn toàn có thể thất bại trên con đường tìm kiếm thành công.
Điều quan trọng hơn là bạn đối mặt với thất bại như thế nào. Không như lối suy nghĩ thông thường, thất bại không tương phản với thành công, mà thất bại chính là một quá trình học hỏi và thử nghiệm.
Thất bại là một phần của thành công. Ảnh: Nataliya Vaitkevich/Pexels. |
Cứ hỏi James Dyson mà xem.
Nhà sáng chế đã thất bại 5.126 lần chỉ để tạo ra một chiếc máy hút bụi tốt hơn
James Dyson đã mất tới 15 năm và đã tạo ra 5.126 bản mẫu trước khi sáng chế ra được chiếc máy hút bụi khí cuốn không túi bán rất chạy.
Lúc đó, ý tưởng về một chiếc máy hút bụi không túi vẫn còn lạ lẫm. Làm thế nào mà một chiếc máy hút bụi không túi có thể hút được toàn bộ chỗ rác đó? Thế chỗ rác đó sẽ đi đâu? Hãy thử tưởng tượng tất cả những Người hay viện cớ đã cười vào ý tưởng của Dyson ra sao. Thời đó, chiếc máy hút bụi nào cũng có túi cả. Nhưng những giới hạn đó là do người khác đặt ra. Dyson không thử tạo ra một chiếc máy hút bụi tốt hơn. Ông muốn thay đổi khái niệm về máy hút bụi. Ông tập trung vào khả năng chứ không phải giới hạn.
Người dám đổi mới thúc đẩy sự sáng tạo, khuyến khích phát triển công nghệ, và tạo ra những sáng kiến mới giúp tái định hình cách sống. Khi những nhà sáng chế như Dyson mơ một giấc mơ lớn, họ thường mơ lớn hơn tất cả những kẻ mơ mộng khác. Điều này không có nghĩa là cứ mơ lớn là thắng lợi. Điều này nghĩa là họ có tầm nhìn xa về tương lai, chứ không phải là hiện tại đang ra sao.
Thường thì những giấc mơ lớn luôn đi kèm với con đường dài để hiện thực hóa chúng. Quá trình đó có thể bao gồm thử nghiệm và sai lầm, những bước lên voi xuống chó và thậm chí thất bại dập mặt. Mọi nhà sáng chế như Dyson đều biết, thất bại là một vòng xoáy trôn ốc. Thất bại sẽ đẩy bạn đi bước tiếp theo và làm tốt hơn - và làm khác đi.
Người dám đổi mới hiểu rằng thất bại sẽ dẫn tới điều gì đó. Thành công hiếm khi tới ngay hay không có va vấp. Nếu là như vậy thì tức là bạn chưa đặt ra những mục tiêu đủ lớn rồi.
Là một nhà sáng chế, Dyson đã thất bại cả đời. Giờ thì chúng ta đã biết tới ông như một tỷ phú được phong tước hiệp sĩ, và chúng ta ngưỡng mộ khả năng sáng tạo cũng như những thành công mà ông đã đạt được. Nhưng chính thất bại đã giúp ông tới được vị trí đó. Vì vậy mà những Người dám đổi mới có thể thất bại nhiều hơn là thành công.
Cũng như Dyson, thi thoảng làm gì đó theo cách không đúng sẽ giúp bạn phát hiện ra những thứ mà người khác chưa phát hiện. Chỉ có khi đó bạn mới có thể kiểm tra, thử thách và đặt câu hỏi tại sao việc gì đó lại thất bại. Chính câu hỏi “tại sao” sẽ dẫn bạn tới giải pháp. Thường thì thất bại không ngăn cản những cơ hội mới xuất hiện, mà sẽ là nấc thang dẫn tới điều gì đó tốt hơn. Những người không sợ thử thách và không sợ bị lấm bẩn sẽ luôn ở cơ trên.
Sẽ có những lúc bạn đã làm mọi việc phải làm nhưng vẫn thất bại. Không như Người hay viện cớ, Người dám đổi mới không lo lắng về chuyện liệu cuộc đời có công bằng không. Nếu mọi chuyện không diễn ra “như trông đợi”, cách mà Người dám đổi mới đối mặt với thất bại cũng khiến họ khác hẳn người khác.