Nguyễn Bình Phương là cái tên nổi bật trong văn chương đương đại Việt Nam. Anh thầm lặng viết, nghiêm cẩn tới mức kiểm soát từng con chữ mà mình viết ra; nhưng lại bỏ mặc, không quan tâm tới việc quảng bá tác phẩm khi nó phát hành tới công chúng. Hiếm hoi lắm, nhà văn mới đồng ý trả lời phỏng vấn, bởi "Cứ tưởng tượng mình đứng trước đám đông, cầm micro nói về tác phẩm của mình, điều đó thật không đúng".
Hà Nội một sáng mùa thu, anh đồng ý trò chuyện với độc giả Zing.vn về văn chương và lao động chữ nghĩa.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. |
Loay hoay kể chuyện cũng là một khoái cảm
- Từ đâu mà người ta gọi anh là “nhà văn quân đội”?
- Học hết phổ thông thì tôi đi bộ đội, ở bộ đội đến giờ luôn, 34 năm quân ngũ rồi. Đại khái thế, từ khi trưởng thành đến giờ, tôi chỉ có môi trường bộ đội.
- Rồi anh đến với văn chương như thế nào?
- Hồi xưa, khi còn là học sinh, tôi yêu hội họa. Nhưng vào bộ đội, chẳng hiểu loay hoay thế nào, có lẽ do nhàn rỗi, thì xoay sang viết văn. Từ Quân khu 1, tôi xuống thi, rồi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4. Học xong rồi thì về Tổng cục chính trị, làm ở đoàn kịch quân đội một năm, rồi làm ở nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội.
- Môi trường quân ngũ tạo điều kiện thuận lợi gì cho anh viết văn?
- Cũng khó để nói nó tạo điều kiện gì hơn những môi trường khác. Với người không có đòi hỏi quá cao, thì đời sống quân ngũ thời bình có độ ổn định, mức độ cạnh tranh không khắc nghiệt. Ở ngoài có những cạnh tranh hà khắc đôi khi làm thay đổi tâm tính.
- Được yên ổn, nhưng bù lại anh có phải viết về đề tài người lính?
- Nhiều người nghĩ trong quân đội viết có gò bó, viết theo mệnh lệnh, nhưng không có. Vấn đề là ở nhà văn ấy. Anh có mệnh lệnh gì trong đầu anh thôi.
Nhà văn thì có nhiều dạng. Tôi không biết mình thuộc dạng nào, nhưng chắc tôi không phải là người viết theo sự chỉ đạo.
- Nhà văn kể cả không đưa ra nguyên tắc, nhưng luôn có chủ đích nào đấy khi viết lách. Anh có lựa chọn lối viết, lối kể nào không trước khi bắt tay vào tác phẩm?
- Có chứ. Khi mình viết tiểu thuyết về một vấn đề, thì vấn đề đó là cái mà nhà văn phải nung nấu thường xuyên, thậm chí còn nghĩ về nhiều vấn đề trong cùng thời điểm.
Nhưng khi bắt tay vào viết một tác phẩm cụ thể, nan giải nhất, thiết thực nhất là anh phải tìm được cái giọng trong cuốn sách đó. Cái loay hoay, cái khó chính ở đó.
Nhà văn thì gần như có một cái tạng rồi, ít ai chạy ra khỏi được cái tạng đó. Nhưng trong cái tạng chung, mỗi tác phẩm lại có một giọng, cách viết thể nào để cho hợp với nội dung.
- Cụ thể, giọng kể đó khác nhau như thế nào trong các tác phẩm của anh?
- Ví dụ ở Ngồi thì điểm nhìn của tôi khác, cái nhìn của tác giả toàn tri với nhân vật, nhân vật chính được miêu tả từ bên ngoài, nhà văn nhìn vào nó. Ở Mình và họ thì giọng độc thoại, tự độc thoại.
Đến Kể xong rồi đi có tính chất tâm sự, đối thoại, nhân vật chính kể, nó kể chuyện với một con chó.
- Khi đã xác định được giọng kể rồi, nhà văn có còn gặp khó khăn để điều chỉnh trang viết đi theo giọng đó không?
- Cũng có. Chuyện bếp núc đôi khi thường đi trệch ra định hướng. Viết văn đôi khi là chữa, là sự điều chỉnh. Khi viết thì cứ viết ầm ầm là nó ra. Sau đó thì mình chỉnh lại, chẳng ai viết một lèo mà nó ra cả.
Nhà văn trong quá trình viết nó cũng lảo đảo. Tự anh phải điều chỉnh lại.
- Quá trình chỉnh sửa thường chiếm bao lâu trong thời gian sáng tác của anh?
- Tôi nghĩ nó phải khoảng 2/3 thời gian. Một cuốn sách viết trong 3 năm, thì mất hơn 2 năm chỉnh sửa.
- Bạn đọc nói tác phẩm của anh khó hiểu. Anh nghĩ sao?
- Chịu thôi. Cái đó thật khó nói. Cũng có lúc ngồi với bạn bè, nghe họ nói khó hiểu, tôi cũng nghĩ “thôi viết dễ hiểu một chút”, nhưng không hiểu sao lúc viết lại chẳng khác đi được. Vì lúc viết tôi thấy nó rất bình thường. Tôi viết rồi đọc lại tác phẩm thấy chỗ nào cũng dễ hiểu cả.
Tất nhiên đó là chủ quan của tôi.
Một số tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. |
- Có khi nào anh chủ đích viết một cái gì đó theo trật tự tuyến tính cho bạn đọc dễ hiểu?
-Tôi từng viết. Ở những cuốn đầu đã viết như vậy. Sau rồi tôi nghĩ khác đi. Người ta loay hoay tìm cách kể. Có người chọn cách kể đơn giản, đi thẳng vào độc giả. Cũng có người chọn cách kể khác. Tôi nghĩ cái đó là phong cách.
- Anh có loay hoay chọn cách kể?
- Tôi cũng loay hoay. Cách đây khoảng hai năm, tôi có viết một bài tiểu luận cho Viện văn về quan điểm sáng tác. Đại khái, tôi nói, đôi khi với nhà văn, cấu trúc tác phẩm quan trọng lắm. Nhà văn cứ loay hoay với cấu trúc. Cấu trúc cũng là một dạng cách kể. Có dạng cấu trúc đi thẳng, có dạng đi vòng. Thế thì mới ra được từng người một.
Tôi nghĩ tác phẩm của tôi nếu nhìn tổng thể cũng là sự loay hoay.
- Đến giờ thì sao ạ?
- Vẫn thế thôi. Khi nào nhà văn dừng lại, thì mới hết cái loay hoay. Có những tác phẩm, tôi từng viết nghiêm ngắn. Như cuốn đầu Bả giời viết rất hồn nhiền, rồi Những đứa trẻ chết già…
Có những cuốn tôi băm nát cấu trúc, như Người đi vắng. Xong rồi những cuốn sau lại cảm giác sự băm nát ấy bất nhã quá, thì lại xin lỗi bằng cách viết khác, điều chỉnh lại, nghiêm ngắn hơn.
Tôi nghĩ nhà văn cứ loay hoay như thế. Cả đời nhà văn loay hoay vì những thứ như thế.
- Ngoài loay hoay, thì nhà văn phải có cái thú nào đó trong lao động chữ nghĩa chứ?
- Loay hoay cũng là cái khoái cảm. Khoái chứ. Chọn được một cách kể, một cấu trúc rất khổ sở, nhưng đấy là khoái cảm. Khoái cảm làm việc. Đôi khi có khoái cảm gọi là “tự gây khó khăn cho mình”.
Nói một cách gan ruột, tôi thích thơ hơn
- Có lúc tác phẩm của anh phải chờ đợi để được phép xuất bản. Cảm xúc của anh lúc ấy ra sao?
- Tôi không nặng nề đâu. Đã viết xong mà tự mình thấy cái bản thảo ấy khép lại được, thì mình hết nghĩa vụ. Tôi chỉ dằn vặt, day dứt khi viết. Còn khi đặt dấu chấm cuối cùng cho tác phẩm, là tôi hết trách nhiệm.
- Anh dằn vặt, băn khoăn như nào trên bản thảo?
- Ý tôi nói day dứt, là day dứt về nghề thôi. Nếu viết rồi đọc lại thấy không hay, chi tiết này hơi quá về mặt thẩm mỹ, hoặc đuối, thì có thể gây phản cảm... Tôi băn khoăn nhất ở đó, chứ không day dứt về những thứ khác.
- Anh có theo dõi lượng sách của mình ra thị trường không, và xem phản hồi của người đọc?
- Không. Thực ra ở góc nào đó, tôi là người vô trách nhiệm với chính mình. Khi viết xong tôi thây kệ mọi chuyện cho người khác.
Quan điểm đó có thể ảnh hưởng từ môi trường bộ đội, mỗi người có một trách nhiệm, làm hết trách nhiệm của mình thì thôi. Tôi nghĩ số lượng in ấn là việc của người khác. Còn tôi khi viết thì làm hết trách nhiệm của tôi, lương tâm của tôi.
Thường tôi đưa bản thảo đến cho đơn vị làm sách, họ in cho mình, họ bảo in số lượng này cũng được, in số lượng kia cũng được. Thậm chí đôi khi cũng xấu hổ vì qua một thời gian, vài năm, người ta thông báo vẫn còn sách của mình thì rất ngượng.
- Nhưng ít ra anh cũng băn khoăn về độc giả chứ, xem họ nghĩ sao về tác phẩm của mình?
- Thâm tâm ai cũng muốn mình có nhiều độc giả. Điều mình viết, trình bày ra càng đông người biết, chia sẻ, đến với đông người, thì đó là cái ao ước thờ ơ thôi, không ráo riết.
- Ao ước ráo riết của anh là gì?
- Là tôi viết một cuốn sách mà 10 năm đọc lại vẫn thấy ổn. Vì tôi viết cuốn sách rồi sau một thời gian đọc lại, vẫn thấy nó thế nọ, thế kia, lẽ ra phải thế này, lẽ ra phải thế kia.
- Bây giờ đã có cuốn nào anh đọc lại thấy tạm thời không có gợn gì?
-Chưa. Cái gì cũng có gợn. Nhưng có thể đó cũng là thứ viển vông đó. Tôi nghĩ nghệ thuật chẳng có thứ gì hoàn mỹ. Nó sống được nhờ những khiếm khuyết. Vì tác phẩm này có hạn chế này, khiếm khuyết này, đó là nguyên nhân nuôi cái tay nhà văn viết tiếp.
Không thì viết một cuốn mà xong rồi thì chẳng còn gì mà viết nữa. Viết là sửa.
- Với thơ ca thì sao, thơ có vị trí như nào với anh?
-Nói một cách gan ruột thì tôi thích thơ hơn.
- Nhưng anh viết văn nhiều hơn chứ?
- Nhiều hơn về số trang.
- Sao anh không viết nhiều thơ theo ruột gan của mình nhỉ?
- Tôi có viết, nhưng nhu cầu in không cao.
- Thơ và văn đều là công việc chữ nghĩa, vì sao anh yêu thích thơ hơn?
- Không hiểu. Đến giờ phút này tôi vẫn thuộc bài thơ đầu tiên cho tới bài thơ mới nhất, tôi thuộc hết. Đôi khi tôi thấy tự hào, tôi không quên thơ của tôi.
Có thể do tôi viết kỹ… Nhưng văn xuôi thì viết chẳng nhớ được.
- Nếu xét trên khía cạnh ngôn ngữ bày tỏ điều nhà văn muốn nói, thơ vốn kiệm lời hơn văn xuôi, như vậy anh ít có cơ hội giãi bày hơn chứ?
- Không hẳn đâu. Thậm chí thơ còn giãi bày cá nhân dễ hơn văn xuôi. Vì, với thơ, xét cho cùng, nhà thơ tự phân giải mình, tự mổ xẻ mình, tự phân tích mình. Còn văn xuôi, thì ngược lại, ông phân tích thiên hạ là chính. Thơ từ bên trong đi ra, trong khi văn xuôi từ ngoài đi vào.
- Anh thích bài nào trong gia tài thơ của mình?
- Tôi hài lòng với thơ. Một thực tế là mình nhìn thấy sự hoàn hảo ở những bài thơ. Khi đọc lại, có những bài thơ tôi không thêm bất cứ thứ gì vào nữa, còn tiểu thuyết thì tôi vẫn thấy tiếc, còn cái này cái kia, vẫn còn cái giá mà, giá như.
Thơ đạt đến độ hoàn chỉnh dễ hơn văn xuôi.
Với tiểu thuyết Kể xong rồi đi, Nguyễn Bình Phương muốn bạn đọc khám phá câu chuyện theo cách của họ. |
Tôi không muốn áp đặt cảm xúc lên người đọc
- Trong tiểu thuyết, anh có kiệm lời, tiết chế ngôn từ?
- Có. Cuốn tiểu thuyết mới nhất Kể xong rồi đi khi trên bản thảo đã có những đoạn tôi viết rất cảm xúc, sau đó tôi bỏ, viết lại. Tôi cố gắng hạn chế bộc lộ cảm xúc, chỉ thể hiện điểm nhìn thôi. Cả cuốn sách tôi chủ định tiết chế cảm xúc, không rao giảng như một số cuốn.
- Anh chủ định kiệm lời, kiệm cảm xúc, miêu tả để mong đạt được gì?
Cũng không rạch ròi được. Khi tiết chế mọi thứ, thì nó cho phép ta tiếp cận nhiều thứ cảm xúc khác hơn. Người ta chỉ kêu một tiếng là “ôi” chẳng hạn. Nếu kêu quá to thì là thảng thốt, nếu quá nhỏ thì sợ hãi. Nhưng kêu ở mức trung bình, tiết chế cảm xúc khi nói chữ “ôi” thì mỗi người có quyền tiếp cận nó theo một cách.
Tức là tiểu thuyết không áp đặt cảm xúc. Tôi muốn tự người đọc hiểu nó theo cách của họ. Đó là ý đồ thôi, còn đạt được hay không thì tôi không khẳng định.
- Tại buổi tọa đàm về “Kể xong rồi đi”, có những ý kiến nhấn mạnh tác phẩm là sự chiêm nghiệm về cái chết. Anh nghĩa sao về điều đó?
- Mỗi người có một quan điểm tiếp nhận. Có thể cách đặt vấn đề đó chính là kết quả của việc tôi tiết chế cảm xúc. Thì chắc những người làm tọa đàm cảm nhận như vậy về sách. Tôi không nghĩ đó là đúng hay sai, mà tôn trọng cách hiểu đó. Tôi nghĩ rồi sẽ có những người có cách tiếp cận khác, chứ không hẳn là chiêm nghiệm về cái chết.
Cái chết là cách cảm nhận riêng, và tôi tôn trọng cách nghĩ đó.
Với Nguyễn Bình Phương, lời khen như tảng đá đeo vào chân nhà văn. |
- Có người nói “Kể xong rồi đi” hay nhất trong các cuốn của anh, nhưng có người lại bảo nó không bằng những cuốn trước. Anh nghĩ sao?
- Cuốn này tôi nhận được sự phản hồi trái chiều.
Cá nhân tôi, tôi thích cuốn này, bởi tôi đã kiểm soát từng câu trong đó. Cuốn này tôi không khoe kiến thức, khoe cảm xúc hay thứ nọ, thứ kia…
- Cuốn này cũng như các cuốn sách trước của anh luôn có gì đó âm u, ma quái. Tại sao tác phẩm của anh luôn gợi ra điều gì đó rờn rợn?
- Đó là tạng người thôi. Tôi từng nghĩ, trong cả thơ và văn của tôi dường như có một con ma nào đó.
Tôi đang ngồi nói chuyện với bạn đây, tôi tự nhận tôi là con người khác, một công chức tươi tỉnh. Nhưng viết thì khác. Tôi chìm vào một cõi khác.
Lúc viết tôi chìm vào góc cảm xúc không lý giải được. Lúc đó chỉ có tôi với tôi. Tôi không diễn kịch. Tôi cứ ngồi với trang giấy viết… Viết như thằng rồ.
Khi viết thì con người nó chạy đi đâu ai biết. Chỉ có một thằng u u ám ám ấy nó ngồi viết.
- Trong buổi tọa đàm về “Kể xong rồi đi”, một số nhà văn nổi tiếng, nhà phê bình nói văn chương Việt sau Nguyễn Huy Thiệp, nay có Nguyễn Bình Phương. Anh cảm thấy thế nào?
- Tôi lo lắng.
- Lo lắng trước một lời khen ngợi ư?
- Nói ra khó nhỉ. Tại những lời khen chính là đá đeo vào người ta. Có thể những lời khen ở khía cạnh nào đó là tai họa. Bởi ông nhà văn chỉ là người thường, người trần mắt thịt thôi, cũng mang đủ thói thường vậy. Trước một lời khen, ông tự chịu trách nhiệm sao cho xứng với lời khen đó. Không có lời khen thì cứ như thằng bé đi tung tăng vậy.
- Vậy, chê thì sao? Lời chê có đáng sợ với nhà văn?
- Lời chê rất cần thiết. Nhưng cái chê vô lối cũng đáng sợ. Tất nhiên cái chê vô lối chỉ có tác động với nhà văn không có bản lĩnh. Còn với bọn ghê gớm, lời khen chê không có giá trị.
Nhà văn viết như định mệnh, cống hiến, như một mũi tên đi thẳng tới đích rồi thôi, thì chẳng có khen chê nào tác động cả. Tôi đã thấy Nguyễn Huy Thiệp là người như vậy.
- Nhà văn hay kêu viết văn khổ. Anh thì sao?
- Không, với tôi mọi việc đều bình thường.
- Có vui thú chứ?
- Viết văn thì thích, có vất vả, nhưng không khổ. Nếu khổ thì đừng viết. Một lúc nào đó anh cảm thấy viết văn như cái gì đó tội nợ, thì thôi. Có ai gí súng vào cổ bắt viết đâu.
Phải thấy vui thì viết, khoái cảm thì viết.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Anh tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, bắt đầu viết từ năm 1986. Hiện Nguyễn Bình Phương là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nguyễn Bình Phương có một khối tác phẩm lớn, với các tiểu thuyết gây tiếng vang như Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004), Mình và họ (2014), Kể xong rồi đi (2017)…
Thơ ca là mảng đề tài quan trọng và có ý nghĩa lớn với Nguyễn Bình Phương, với các tập như Buổi câu hờ hững, Lam chướng, Từ chết sang trời biếc, Xa xăm gõ cửa…