Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Kể xong rồi đi’ - gây tranh luận vẫn được yêu thích

Nhà văn Bảo Ninh không hiểu nhưng rất thích tác phẩm, BTV Diệu Thủy nói sách viết về cái chết còn nhà phê bình Đăng Khoa cho đó là chiêm nghiệm về sự sống.

Kể xong rồi đi là tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương. Nhân dịp ra mắt tác phẩm, một buổi tọa đàm có chủ đề “Chiêm nghiệm về cái chết” được thực hiện tối 3/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’espace.

Cuốn sách được mong đợi

Dù tác giả của cuốn sách vắng mặt trong buổi tọa đàm, song độc giả của anh lại tham dự khá đông. Ban đầu tọa đàm diễn ra ở thư viện của Trung tâm, nhưng lượng độc giả tham dự đông nên sau khi tiến hành được 20 phút, chương trình chuyển sang hội trường lớn để đảm bảo chỗ ngồi cho người tới dự.

Nguyen Binh Phuong,  Ke xong roi di,  Cai chet anh 1
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. 

Nguyễn Bình Phương không phải là một khuôn mặt “showbiz của văn chương”. Anh đại diện cho những người lặng lẽ viết, cẩn trọng với từng con chữ, lối đi riêng của mình. Nhà văn Bảo Ninh nhận định Nguyễn Bình Phương là cây bút hạng nhất của văn học Việt đương thời.

“Nhiều nhà văn hay được một cuốn, sau đó không viết được nữa, hoặc càng viết càng dở. Nhưng Nguyễn Bình Phương viết cuốn nào cũng hay, mỗi cuốn là một lối kể riêng, song vẫn toát lên phong cách chung của anh” - nhà văn Bảo Ninh nói.

Độc giả của Nguyễn Bình Phương không rầm rộ, nhưng luôn dõi theo từng bước đi của nhà văn. Họ tự lập nhóm để chia sẻ về trang viết của tác giả mà họ yêu thích. Và họ chờ đợi những tác phẩm mới của Nguyễn Bình Phương.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy – biên tập viên mảng sách văn học Việt của một công ty làm sách văn học hàng đầu hiện nay – thừa nhận chị đã phải chờ đợi khá lâu, thậm chí phải “giành giật” với nhà sách khác để có được bản thảo mới của Nguyễn Bình Phương.

“Có được bản thảo của Nguyễn Bình Phương là điều may mắn với bất kỳ biên tập viên nào” – Diệu Thủy nói.

Và sau những cuốn tiểu thuyết như Vào cõi, Ngồi, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Mình và họ, giờ đây Kể xong rồi đi ra đời.

Tiểu thuyết là lời kể của Phong - cậu cháu bồ côi bồ cút mắt lác của vị đại tá về hưu. Cậu kể chuyện với một con chó tên Phốc, về những sự kiện xảy ra từ khi đại tá đột quỵ, nằm viện, được đưa về nhà và đi tới cái chết. Lấy điểm nhìn từ góc độ cái chết, tiểu thuyết đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về cõi nhân quần bề bộn.

Sách ra đời chưa lâu, nhưng được các nhà phê bình, độc giả đón nhận, và mổ xẻ.

Nguyen Binh Phuong,  Ke xong roi di,  Cai chet anh 2
Tiểu thuyết Kể xong rồi đi.

Chiêm nghiệm về cái chết bằng lối viết tối giản

Tên của buổi tọa đàm “Chiêm nghiệm về cái chết” lấy ý từ một bài viết của biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Theo chị, nhân vật chính của tác phẩm chính là “cái chết”.

Quá trình kể về tuổi già của ông đại tá, cậu cháu nuôi liên tục liên hệ, mở rộng câu chuyện về những cái chết. Ở đó, các nhân vật chết theo nhiều cách khác nhau: vì chiến tranh, thù hận, tai nạn, bất đắc kỳ tử… Không chỉ con người, mà câu chuyện về cái chết của các con vật cũng xuất hiện.

Điều ấy cho thấy cái chết ở gần ta hơn ta tưởng, tham dự vào bàn tiệc cuộc sống nhiều hơn ta nghĩ. Có thể tìm thấy ở đó nhiều chuyến đi của những con người và số phận khác nhau, thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt, ngẫu nhiên hay tất nhiên, nhưng đều cùng một điểm đến. Hình dáng của cái chết được làm sáng rõ: vừa giản dị vừa quyền lực, vừa kinh dị lại siêu phàm.

Đưa người đọc vào những miên man chiêm nghiệm, nhưng tác giả Nguyễn Bình Phương lại tiết chế ngôn từ tới tối giản. Theo Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà văn hạn chế đưa vào đó kiến thức, hạn chế miêu tả tới mức tối đa, và kiểm soát từng câu, từng chữ trong tác phẩm.

“Giống như bạn bước vào một căn nhà không có gì, ta thấy chống chếnh không biết neo vào đâu. Nhưng dần dần quen với không gian ấy, ta bắt đầu đổ đầy cảm nhận, cảm xúc cá nhân vào đó, và thấy không gian trở nên quen thuộc” – Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nói.

Ban đầu bản thảo tác phẩm có tên Xuôi tay, sau đó, tác giả mất khoảng ba năm để chỉnh sửa lại thành Kể xong rồi đi. Từ Xuôi tay đến Kể xong rồi đi, Nguyễn Bình Phương đã viết lại gần như toàn bộ, gọt giũa, cắt hết đi những phần "lắm lời" của ngôn ngữ.

Có lẽ, bởi đẩy lối viết kiệm lời, kiệm kiến thức, miêu tả, tiết chế cảm xúc đến cực đoan như vậy, nên tác phẩm chỉ còn là lời kể, và người đọc tự mình chiêm nghiệm theo những lối khác nhau, do đó, mỗi người đọc lại có cách hiểu về Kể xong rồi đi khác nhau.

Nguyen Binh Phuong,  Ke xong roi di,  Cai chet anh 3
Dù tác giả là "người đi vắng", độc giả của anh lại tham dự tọa đàm khá đông và thảo luận sôi nổi.

Cõi nhân sinh nhàu nát và sự bèo bọt, phù du của kiếp người

Phản biện lại tên của buổi tọa đàm, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng, tác phẩm viết về cái chết, nhưng cái mà nó khiến người đọc chiêm nghiệm lại là sự sống.

Theo anh, nhà văn mượn cái chết để chiêm nghiệm về sự sống. Cái chết xuất hiện dầy đặc, để người đọc chiêm nghiệm về cõi nhân sinh nhàu nát. Qua những cái chết, nhà văn nói về sự bèo bọt, phù du, vô nghĩa lý của kiếp người.

Nguyễn Bình Phương lặp đi lặp lại chi tiết huân huy chương treo đầy tường nhà nhân vật đại tá, đối lập với hình ảnh vị đại tá thoi thóp trên giường, để cho thấy sự phù du, hư ảo của kiếp người.

Đồng tình với Hoàng Đăng Khoa, nhà phê bình Thanh Tâm phân tích sâu hơn về khía cạnh đời sống trong Kể xong rồi đi. Anh nói: “Tác phẩm sử dụng cái chết như một chiêu nghi binh, là cái cớ để chiêm nghiệm về đời sống”.

Cuốn sách này tách đời người ra ba phần: Thỉnh thì đến (sinh ra), Kể xong rồi đi (sống), Triệu thời về (cái chết). Nội dung sách nằm trong phần Kể xong rồi đi, chính là nói về phần “sống”.

Ở lời đề từ, tác giả viết “Chắc gì mây đã bay” toát lên sự hoài nghi. Lời đề từ đặt ngay đầu tác phẩm buộc người đọc hoài nghi tất cả câu chuyện được kể sau đó. Cuốn truyện là đối thoại của Phong với con chó, nhưng đó là một dụng ý của tác giả, khi nói về sự giao tiếp giữa con người đang mất đi.

Theo Thanh Tâm, Kể xong rồi đi khá dễ đọc so với những tiểu thuyết khác của Nguyễn Bình Phương. Ở đó có những con người, nhân vật cụ thể, bề mặt câu chuyện mạch lạc, nhưng đằng sau nó lại là sự bất định. Với giọng điệu, cách kể lạnh lùng, tác phẩm mang tới cảm giác vô cảm của đời sống.

Cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Bình Phương đã lược đi rất nhiều những kỳ bí, huyền ảo ở những cuốn trước, nhưng đằng sau đó khiến ta có nhiều thứ để chiêm nghiệm.

Nguyen Binh Phuong,  Ke xong roi di,  Cai chet anh 4
Nhà văn Bảo Ninh: Kể xong rồi đi thách đố các nhà phê bình thời đại mới.

Đối tượng cho một nền phê bình mới

Ngoài tạo ra ý kiến trái chiều về nội dung sách, lối viết của tác phẩm cũng khiến người đọc tranh luận. Nhiều người đọc như nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhà văn Uông Triều, biên tập viên Diệu Thủy đều nói đây không phải là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Nguyễn Bình Phương.

Nhưng nhà văn Bảo Ninh thì khác. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh đánh giá tiểu thuyết đã vượt qua lối nghĩ của thế hệ Bảo Ninh. Trong khi nhiều người nói đây là tác phẩm dể hiểu của Bình Phương, thì Bảo Ninh nói tiểu thuyết thực sự khó hiểu: “Thú thực, tôi đọc cuốn này không hiểu lắm, nhưng tôi thích, vì nó đưa tôi vào vô thức”.

Theo Bảo Ninh, tác phẩm của Nguyễn Bình Phương xứng đáng với sự tranh luận của người đọc. “Cuốn Kể xong rồi đi có thể là đối tượng cho một nền phê bình mới. Có thể nó là cái chết, hoặc bàn về cuộc sống từ điểm nhìn của cái chết. Nó như một sự thách đố nhà phê bình thời đại mới” – Bảo Ninh nói.

Đi sâu hơn về lối viết, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đánh giá Kể xong rồi đi có thay đổi trong lối kể, song nó vẫn mang những đặc điểm quen thuộc của văn chương Nguyễn Bình Phương. Nhà văn tạo được một không khí, khí hậu tiểu thuyết đặc biệt. Ở Nguyễn Bình Phương mỗi tiểu thuyết có một không khí riêng, nó quánh đặc, ma mị, hấp dụ chúng ta đi hết câu chuyện, khiến chúng ta không dừng lại được.

“Với tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, tôi có nhu cầu đọc để cảm hơn là đọc để hiểu. Tôi không có nhu cầu tìm hiểu mối liên hệ các nhân vật, kể lại câu chuyện. Mà đọc, để trải nghiệm cùng nhà văn trong một hành trình phiêu lưu chữ. Đọc để chiêm nghiệm cùng nhà văn về hành trình sống này” – Hoàng Đăng Khoa nói.

Kể xong rồi đi ra mắt chưa lâu, chắc chắn sẽ có những độc giả mới và những nhận định khác được đưa ra. Nhưng dù nhận định theo cách nào, với tâm thế ra sao, thì nói theo cách của cây bút trẻ Đinh Phương, Kể xong rồi đi là một tác phẩm mà người ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đọc lại thêm một cách hiểu, một khám phá mới.

Quyền năng của cái chết

Tiểu thuyết mới của Nguyễn Bình Phương đưa ra những chiêm nghiệm về cái chết: vẻ đẹp và quyền năng của nó, đồng thời chỉ ra sự hữu hạn của đời sống.

Nhan cach 'oc muon hon

Nhân cách 'ốc mượn hồn" là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm