Từ nhiều năm nay, với những người yêu văn chương, Nguyễn Bình Phương đã trở thành nhà văn đáng đón đợi nhất. Tôi cũng đã chờ đợi mấy năm để có trong tay bản thảo này của anh, và vui sướng được là một người đọc đầu tiên.
Nếu như Thoạt kỳ thủy là cuốn tiểu thuyết đưa người ta vào cõi những kẻ điên, Những đứa trẻ chết già viết về thế giới những linh hồn, Người đi vắng khám phá nội tâm của những kẻ lạc hồn, Mình và họ chiêm nghiệm về bạo lực, thì Kể xong rồi đi, cuốn tiểu thuyết mới của Nguyễn Bình Phương, lại chiêm nghiệm về cái chết.
Tác phẩm Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương. |
Nguyễn Bình Phương là nhà văn luôn hứng thú khám phá phần âm của cuộc sống con người, cái phần âm u tối bí ẩn nhưng mênh mang hun hút, đầy quyền lực, và đấy là lý do mà chúng ta bằng cách này hay cách khác, lờ tịt, trốn tránh hoặc phủ nhận nó.
Kể xong rồi đi chọn nhân vật chính là cái chết. Nhìn cuộc sống từ góc độ cái chết, cuốn tiểu thuyết trưng bày một bức tranh đầy đủ hơn về cõi nhân quần bề bộn, cho thấy cái chết ở gần ta hơn ta tưởng, tham dự vào bàn tiệc cuộc sống nhiều hơn ta nghĩ.
Có thể tìm thấy trong đó nhiều chuyến đi của những con người và số phận khác nhau, thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt, ngẫu nhiên hay tất nhiên, nhưng tất cả đều cùng một điểm đến, và tất cả đều làm sáng rõ hơn dáng hình của cái chết: vừa giản dị, vừa quyền lực, vừa kinh dị và lại vừa mang vẻ đẹp siêu phàm.
Câu chuyện xoay quanh cái chết của một ông Đại tá về hưu. Đầu tác phẩm ông ta bị đột quỵ và ở cuối tác phẩm thì chết, hoặc sắp chết. Quá trình từ lúc Đại tá bị bệnh nằm viện cho đến khi được đưa trở về nhà là hành xử, tâm trạng của đám con cái của ông. Toàn bộ câu chuyện lại được kể lại qua “thằng hâm hấp, thằng cháu bồ côi bồ cút mắt lác” của Đại tá.
Nhưng đừng tưởng cậu ta kể với chúng ta, vì chắc gì chúng ta, những kẻ đang quay cuồng vì sống, đã lắng nghe - cậu ta kể với một con chó. Là người cháu mồ côi được Đại tá mang về nuôi, cậu ta có mặt trong gia đình đó ở vị trí của kẻ ăn nhờ ở đậu, không có tiếng nói, cậu ta vừa là người tham dự lại vừa là kẻ đứng ngoài.
Tất cả chúng ta đều có cảm giác xa lạ với cái chết, chúng ta chứng kiến những cái chết của người khác với đầy thương cảm nhưng lại tự nhủ “không liên quan gì tới tôi”. Nhưng gã trai mắt lác trong cuốn tiểu thuyết như đang thực hành một lối sống khác: anh ta luôn dành chỗ cho cái chết trong câu chuyện của mình.
Trong khi kể chuyện về đám con cái Đại tá, dòng suy nghĩ của cậu ta thường tạt ngang tạt ngửa, và mỗi khi có nhân vật, sự kiện nào xuất hiện trong dòng chảy đó thì luôn kèm theo cái chết: 64 tù binh bị “giải quyết”, bốn tay lính dù bị bắn trong ngôi miếu cổ, một tiểu đội trúng bom khi đang xả thịt một con nai, mẹ và em gái Phong chết cháy, gã Rồ chết mẹ chết vợ chết em, ông Khang, bà Ngải, ông Trinh tên lửa, chú Khoa, thằng Tuấn, anh Việt, con gái ông Lũy…
Người ta chết theo đủ cách khác nhau: chết vì chiến tranh, chết vì hận thù, chết vì ngu xuẩn, chết vì tai nạn, tự tử, chết trôi chết cháy, chết đường chết chợ, chết bất đắc kỳ tử… Và ông Đại tá, con người cương cường hào sảng, thì chết già. Gã trai đặt cái chết lên bàn tiệc ê hề của sự sống, nhắc chúng ta rằng nó luôn ở đó, và nó có thể đến với bất cứ ai trong chúng ta. Và vì thế mà cậu ta tuyệt đối cô đơn.
Cậu ta thậm chí có giao cảm với cái chết. Cậu ta luôn nghe thấy tiếng kẽo kẹt rờn rợn của chiếc xe vẽ rồng đến đón người chết. Cậu ta nghe thấy tiếng ai đó đòi “triệu” người trong ngôi miếu cổ, cậu ta mê lửa - thứ sức mạnh hủy diệt và lúc nào cũng muốn được bốc cháy.
Cậu ta thậm chí nhìn đời sống qua lăng kính của cái chết:
“Xem ra bà Lan ngạc nhiên ghê gớm vì mắt mở to hết cỡ, miệng há ra, vươn cổ về phía tớ. Khi tớ nói xong thì đã thấy hai tay bà ấy nối nhau vuốt ve mái tóc của mình từ lúc nào. Hai bàn tay thành hai cái lược, hai cái lược sừng loang lổ, cứ cào lên cào xuống cần mẫn trên mái tóc bạc man dại, tang tóc”.
Cậu ta kể chuyện cắt tiết gà, thản nhiên, nhẩn nha mà ghê rợn:
“Tớ bẻ ngược đầu nó ra sau, dùng dao cứa nhanh một vết từ mang tai xuống vòm cổ, nơi đã bị tớ vặt hết lông và đang ửng lên vì tụ máu. Tớ cảm nhận sức nóng rực của nó dưới tay tớ, cả những cơn co giật ấm ức cuồng loạn. Tiết trào ra, ấm, rạo rực. Tớ nhấc cao chân nó lên để đầu nó chúc xuống cho tiết chảy thẳng vào cái bát tô hứng bên dưới. Một dòng đỏ, một sợi dây đỏ trong vắt, tươi tắn".
Nhưng đám con cái của Đại tá thì khác, họ quan tâm đến những vấn đề thiết thân hơn, chuyện thăng tiến, chuyện mua bán đất đai, chuyện tương lai con cái, và chuyện chôn ông bố:
“Chôn là chôn, không một hai gì nữa. Vấn đề chỉ còn bàn là bàn chuyện chôn ở đâu để phát nhanh nhất, thế thôi. (…), nếu được phù hộ thì chắc chắn anh em mình không chỉ thế này.”
Tình cảnh khiến người đọc nhớ đến truyện ngắn Gia đình của Nguyễn Huy Thiệp. Thảnh, anh con trưởng, gợi liên tưởng tới Cấn, tính cách lưu manh, cơ hội: “Điên à. Cả đời biền biệt vác súng đi đánh nhau, chả giúp được gì cho gia đình này, giờ đến lúc phải cống hiến một tí chứ. Hỏa táng thì lấy ai phù hộ cho bọn trẻ con?”
Khuất gợi nhớ đến Đoài - mưu mẹo: “Gõ đúng cách thì cửa giời cũng mở". Hoành hao hao Khiêm - cục cằn: “Anh em mình sống trong thời xú uế, lết được đến đây là phúc bảy mươi đời rồi, thành con… gì mà chả được".
Nhưng nếu câu chuyện nổi bật lên trong truyện Nguyễn Huy Thiệp phản ánh xã hội đổi mới với sự lên ngôi của đồng tiền và sự suy đồi đạo đức, các quan hệ đều quy về hai chữ lợi ích, thì ở Kể xong rồi đi vấn đề là “không chỉ thế này”, tức là nhiều tiền hơn nữa. Nhưng sâu xa hơn, vấn đề dường như còn là sự hư vô trống rỗng mà chính họ không nhìn ra.
Họ cùng bỏ tiền cho ông cụ nằm viện đàng hoàng, nhưng chăm sóc ông với sự dửng dưng, dường như không có một sợi dây tình cảm nào, sự hiểu biết nào về người đang nằm lịm trên giường bệnh kia. Giữa họ với nhau cũng là những đứt gãy. Và sâu thẳm trong lòng họ là một nỗi bất an, thấp thỏm nào đó không nói được ra lời.
Và đấy phải chăng là cái thời “xú uế” mà Hoành ám chỉ? Vậy cái thời nào mới là không xú uế? Thời của Đại tá, với các huân chương chiến công? Thời của đứa con gái mà Hoành “may mà” đã “lẳng” được sang Úc du học, với các giá trị ngoại?
Cái chết tiến đến với Đại tá, chậm rãi, nhẩn nha, nhưng không khoan nhượng. Và hơi lạnh nó tỏa ra xung quanh khiến những cái đầu đang phát sốt vì dục vọng bỗng dưng chùng lại. Sự hủy hoại dần dần của Đại tá là một sự làm nhục khủng khiếp đối với đám con cháu nói riêng, và với con người nói chung: nó chỉ ra một sự thật bẽ bàng rằng cuộc sống là hữu hạn, và rằng tất cả những nỗ lực để trở nên giàu có thành công hay khác biệt đều trở thành vô nghĩa.
Bởi vậy những giây phút mọi người ngồi quây lại với nhau bên cái thân thể lìm lịm, tất cả bỗng trở nên lặng lẽ kính cẩn, đón đợi từng bước chân của cái chết: “Này, lạ chưa kìa, chẳng ai bảo ai, tự nhiên mọi người cứ thế lẳng lặng ngồi quây lại với nhau”. Nguyễn Bình Phương không chỉ chỉ ra quyền năng của cái chết, anh còn gợi ra điều này: Vẻ đẹp của cái chết.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. |
Kể xong rồi đi không đơn giản là chuyện Phong kể về Đại tá, đến lúc Đại tá chết thì hết chuyện, và cậu ta không còn lý do gì để ở lại căn nhà đó nữa. Với tất cả những vang động ở đây, tôi nhìn thấy một ám dụ: mỗi con người xuất hiện trong cuộc đời này, là để kể câu chuyện của mình, và kể xong thì đi, theo những cách khác nhau do sắp xếp bí mật hoặc ngẫu nhiên của định mệnh.
Trịnh Công Sơn cũng từng diễn đạt ý này trong một câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”
Chiêm nghiệm về một điều cốt tử của đời sống con người, câu chuyện thấp thoáng bóng dáng của một triết gia. Lắng nghe, ta sẽ không khỏi băn khoăn về vế còn lại: Vậy thì sống có nghĩa gì?
Vẫn như mọi lần, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có một cấu trúc chắc chắn. Và anh kiểm soát đến từng con chữ. Những câu thoại sắc gọn đắt giá. Những miêu tả kiệm lời nhưng vào đúng trọng tâm.
Cuốn tiểu thuyết không để lại cảm giác nặng nề. Nó như một tiếng thở dài man mác, “vừa uể oải, vừa như rất hài lòng, lại vừa như cho xong đi.” “Triệu thời về”, vậy thôi. Đây không phải là cuốn tiểu thuyết tôi thích nhất của Nguyễn Bình Phương, nhưng chắc chắn là cuốn tiểu thuyết bạn yêu văn chương không thể bỏ lỡ.