Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ khủng bố ở Iraq 'có thể đe dọa toàn cầu'

Đại sứ Iraq tại Mỹ kêu gọi Washington sớm tăng cường hỗ trợ Baghdad chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan đồng thời cảnh báo mối nguy khủng bố có khả năng đe dọa toàn cầu.

Trong lúc trả lời phỏng vấn CNN, Đại sứ Iraq tại Mỹ, ông Lukman Faily, khẳng định: “Những gì các ngài đang làm ở Afghanistan với một Osama bin Laden sẽ tạo ra một nghìn bin Laden khác. Tình hình bất ổn ở Iraq là minh chứng cho thực tế đó”.

Chiến binh ISIL bắt các binh sĩ Iraq lên xe tải để đưa họ tới nơi mà chúng sẽ hành quyết họ. Ảnh: AFP

Nhóm phiến quân "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant" (ISIL) vừa giành quyền kiểm soát thành phố Tal Afar ở phía tây bắc Iraq. Họ bắt đầu xuất hiện ở Baquba, nơi cách thủ đô Baghdad 60 km. 

“Baghdad sẽ là phần thưởng quý giá dành cho chúng. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra”, Đại sứ Faily khẳng định.

Chính phủ Mỹ đang cân nhắc các phương án để đối phó với tình hình bất ổn ở Iraq, bao gồm đàm phán trực tiếp với chính quyền Iran. Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama bác phương án đưa binh trở lại Iraq nhưng Washington đang tăng cường hiện diện quân sự ở Vịnh Ba Tư.

Mỹ chuẩn bị đối thoại với Iran nhằm giúp Iraq

Giới chức Mỹ sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại với Iran để thảo luận các vấn đề an ninh và cách thức đối phó với nhóm phiến quân cực đoan dòng Sunni đang lộng hành tại Iraq.

Đại sứ Faily cho rằng Mỹ quá chậm trễ trong việc đưa ra quyết định. “Chúng tôi yêu cầu Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự với máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công Apache nhưng họ chưa hành động. Iraq không thể chờ đợi và Washington cần phải đưa ra quyết định sớm hơn. Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận nhưng những đe dọa hiện hữu không cho phép chúng ta chần chừ”, ông nói.

Trong cuộc phỏng vấn với Yahoo News, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại với chính phủ Iran để giúp chính quyền Iraq chống ISIL.

"Tuy Iran không phải là giải pháp cho toàn bộ vấn đề nhưng họ có thể là một trong những lựa chọn vô cùng quan trong. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Tehran nếu cuộc gặp mang tính xây dựng và Iran đảm bảo tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq", ông Kerry nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Yahoo News

“Khi những vụ giết người, ám sát và thảm sát hàng loạt xảy ra, chúng ta cần ngăn chặn nó từ trên không và sử dụng nhiều phương án khác”, ông Kerry cho hay.

Trước đó, một quan chức Mỹ cho rằng cuộc đàm phán song phương giữa Washington và Tehran về vấn đề Iraq có thể diễn ra bên lề các cuộc gặp ở Vienna trong tuần này. Ngoại trưởng Mỹ gọi Iraq là đối tác chiến lược ở Trung Đông, còn Iran muốn bảo vệ chính quyền của người Shiite cầm quyền ở Iraq.

Mỹ đã cắt quan hệ ngoại giao với Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, sau khi sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran và gây ra cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày. Mỹ dẫn đầu những nỗ lực quốc tế nhằm trừng phạt chương trình hạt nhân của Iran.

Các tay súng nổi dậy hành quyết '1.700 binh sĩ Iraq'

Lực lượng vũ trang tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant" (ISIL) tuyên bố xử tử 1.700 binh sĩ quân đội Iraq sau khi chiếm đóng các thành phố ở phía tây bắc đất nước.

Do hơn 95% dân số Iran là người Shiite nên dưới thời Saddam Hussein (người Hồi giáo dòng Sunni nắm quyền lãnh đạo Iraq), Iran và Iraq coi nhau là kẻ thù. Trong cuộc chiến tranh từ năm 1980 tới năm 1988, hai bên đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công nhau. Mỹ đứng về phía Iraq trong cuộc chiến ấy. Tuy nhiên, mối quan hệ đổi chiều khi Iraq xâm lược Kuwait năm 1990, dẫn tới cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên. Chính quyền Saddam Hussien sụp đổ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai vào năm 2003.

Khi người Hồi giáo dòng Shiite trở lại nắm quyền ở Iraq, Tehran và Baghdad thiết lập mối quan hệ đồng minh thân thiết. Lực lượng Quds hoạt động ở Iraq trong nhiều năm, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Shiite. Họ đang bảo vệ các thành phố Iraq trước những cuộc tấn công của ISIL.

Mỹ sơ tán sứ quán ở Iraq sau vụ hành quyết dã man

Phần lớn nhân viên của đại sứ quán Mỹ ở thành phố Baghdad sơ tán sau khi nhóm phiến quân "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant" (ISIL) hành quyết hàng chục binh sĩ.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm