Người trẻ 4.0 đang kết bạn với ai? |
Tôi đã lần khân rất lâu trước khi gõ những dòng đầu tiên trong bài viết của mình: “Làm thế nào để làm bạn với người trẻ thời 4.0?”
Có một thời, chúng tôi đặt bút viết bất cứ thứ gì cũng thật giản dị. Nhưng Google đã thay đổi khá nhiều thói quen viết lách.
Tôi có còn trẻ không? Một 8X đời giữa, đã bước qua ngưỡng cửa 30, tôi có còn được xem là “người trẻ” không?
Search Google “Thế hệ 8X”, tôi có sáu triệu hai trăm năm mươi ngàn kết quả trong 0,23 giây. Mọi điều về thế hệ của tôi nằm gọn ghẽ trong một cú enter máy tính. Nhưng lại không có câu trả lời thỏa đáng cho sự trẻ - hay - già?
Tôi nhìn vào đám 8X mà tôi biết, quen hoặc không quen. Một số bạn đã thành công, một số đang loay hoay start-up, một số dấn thân vào con đường học thức... Đám ấy, tôi gọi là “8X trẻ”, bởi vì dẫu thành công hay chưa, ở họ luôn hừng hực một sức sống từ những khát khao khẳng định mình.
Lại có những 8X mang khuôn mặt nhăn nhó của những lừng chừng cơm áo, gia đình và công việc, của những khát khao xếp chặt vào đáy tủ, phủ lên một màu buồn thảm: “Mình rất muốn, nhưng…”. Đám ấy, tôi tạm gọi là “8X già”.
Sách Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy. |
Tôi trẻ hay già? Tôi đã từng rất trẻ. Rồi cũng đã rất già.
Cuộc đời thật mênh mông mà chúng ta thật nhỏ bé và non trẻ, hầu như chả biết gì về con người, và mỗi ngày đều phải học kỹ năng sống.
Để có thể giao tiếp thành công, thì trước hết phải biết đối tượng thuộc nhóm tính cách nào. Mấy tỷ người trên hành tinh quanh đi quẩn lại có vài nhóm thôi. Nhóm A thì thế này, nhóm B thì thế kia, nhóm C thì thế nọ.
Ta phải quan sát biểu hiện để biết đích xác mà đối nhân xử thế cho đúng bài. Trên mạng có mênh mông bạt ngàn bài viết khuyên ta cách ứng xử với đời, chuyện của ta là đọc mà thực hành thôi!
Tôi search Google để tìm giải pháp mỗi lúc cãi vã với người thương, mỗi khi đám trẻ giở chứng, mỗi khi học trò hỏi tôi về những rắc rối tuổi dậy thì.
Tôi search Google trước mỗi giờ lên bục giảng, như thể sợ học trò sẽ search ra thứ gì đó nhiều hơn những điều mình đã nói trong trang giáo án cứ nở mình rộng mãi mỗi năm.
Cho đến ngày tôi thấy mình già quá, đời già quá, và trang giáo án mất hết cả sắc màu.
Tôi có khác gì một cái máy có trí tuệ nhân tạo đâu!
Tôi đã phân loại người tình theo biểu hiện để mà yêu theo công thức, phân loại trẻ con theo nhóm để mà dạy dỗ theo quy trình. Những lời thổ lộ của họ là dữ liệu tôi thu thập hằng ngày làm nên mớ “big data”, hỗ trợ tôi trong việc đưa ra quyết định.
Bằng cách phân loại đối phương, tôi lựa chọn cách nói chuyện, cách dạy dỗ, thậm chí cách làm bạn và yêu thương họ, hệt như nàng robot Sophia. Đó là một việc thật dễ dàng, nhưng, chao ôi, nhàm chán biết bao!
Trong mớ hỗn độn quá nhiều thông tin, tôi đã quên mất một điều, rằng khái quát hóa đối với cảm xúc và tính cách là điều tồi tệ nhất con người có thể nghĩ ra.
Vì mỗi chúng ta là một thực thể tinh vi biết bao, được hợp thành bởi muôn vàn sợi tơ đời khác biệt, chẳng có sợi nào lặp lại giữa bảy tỷ người trên thế gian.
Mỗi đứa trẻ tìm đến với tôi trong những băn khoăn từ tâm hồn dệt nên bởi muôn vàn trải nghiệm, chẳng đứa nào giống đứa nào trong cuộc đời.
Bọn chúng cần nơi người thầy không phải là ngồn ngộn thông tin (thứ ấy đầy trên mạng), mà là một cách giảng giải sao cho mớ thông tin ấy nở ra thành những đóa hoa hiểu biết. Cái mà người thầy cần trao cho chúng là khát vọng tri thức và con đường để “ngộ”.
Vậy là tôi thôi search Google. Để làm bạn với người trẻ, tôi bắt đầu từ việc lắng nghe.
Tôi chẳng liên kết những điều tôi nghe với bất cứ một “ca” tương tự nào để đưa ra lời khuyên cả. Nếu chỉ để đi tìm lời khuyên nên làm gì khi gặp hoàn cảnh tương tự, đám trẻ ấy sẽ search trên mạng chứ chẳng cần đến tôi.
Không một robot nào có thể nghe và chữa lành bằng sự thấu hiểu. Tôi làm điều đó. Và khi làm điều đó, tôi tìm thấy vị trí của mình trong thời 4.0. Tôi tự tin chẳng robot nào có thể thay thế tôi.
Vậy là tôi biết mình còn trẻ, rất trẻ, mãi mãi trẻ. Vậy thôi!
Vũ Thị Thanh Tâm