Tiểu Giang (Nguyễn Đặng Tiểu Giang, sinh năm 1993) là gương mặt đình đám trong hội con nhà giàu Việt |
Cái chơi của người trẻ ngày nay không chỉ đơn giản gói gọn trong việc tìm kiếm niềm vui, để được giải trí, thư giãn sau những ngày làm việc và học hành căng thẳng.
Người trẻ ngày nay chơi gì?
Vẫn có những thú vui khiến người khác sẽ ngạc nhiên vì độ “điên” và nhọc nhằn như trekking đường dài, như tập một môn thể thao hay mày mò tự học đàn guitar.
Và có một thực tế khác là, những thú vui này đôi khi chỉ nổi lên thành trào lưu trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Nhiều người thường lầm tưởng thú chơi của giới trẻ ngày nay chỉ nhằm để thỏa mãn nhu cầu hưởng lạc - ăn ngon, mặc đẹp.
Nhiều người cũng vội vã kết luận việc giới trẻ thích mặc hàng hiệu, ăn đồ ngon, thích đi du lịch, thích sắm sửa các thiết bị đắt tiền, thích đi “quẫy” trong bar, pub là sa đọa, trụy lạc.
Nhiều người vì thế mà phán xét họ là “thế hệ tiêu thụ”, những người chưa làm ra tiền (hoặc làm chưa nhiều tiền) đã chơi bời, hoang phí, hoang phí cả thời gian, hoang phí cả tâm trí, hoang phí cả thanh xuân của mình cho những trò vô bổ.
Nhiều người nhân đó mà “tỏ ra quan ngại sâu sắc” trước tình hình đất nước tương lai, khi những người trẻ hôm nay thay cha anh mình điều hành, xây dựng đất nước.
Tôi cũng thường xuyên có cảm giác này, khi nhìn tụi nhỏ so nhau giá của những đôi giày hàng hiệu có giá đôi khi bằng học phí hai năm học ở trường, khi bạn bè mình kể vừa mất hơn hai triệu đồng cho một kiểu tóc mới.
Nhưng, từ chính trải nghiệm của mình, cá nhân tôi cho rằng, không chỉ có những rich kid mới chơi, những bạn không may mắn là rich kid vẫn có cách chơi riêng của mình.
Sách Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy. Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM. |
Người trẻ chơi để làm gì?
Cái chơi của người trẻ, trong mắt những người không còn trẻ, thường bị quy chụp là chỉ biết đốt tiền vào game, vào quần áo, vào ăn uống, vào nhậu nhẹt, nhảy nhót, thậm chí là cờ bạc, hút chích.
Điều này có phần đúng, nhưng không phải là tất cả, và nó chỉ xuất hiện ở một bộ phận người trẻ đã sa đà, đã có nhận thức lệch lạc về chính mình, về cuộc sống xung quanh.
“Chơi” của người trẻ, theo tôi, nên hiểu là tất cả những hoạt động bên ngoài trường học và có khả năng đem lại cho họ niềm vui.
Đó là niềm vui được kết nối khi đi trà sữa cùng bạn bè, khi cùng bạn bè du lịch khắp đó đây.
Đó là niềm vui được giải trí sau những áp lực, căng thẳng từ cuộc sống khi tạm quên đi lịch học, lịch làm việc dày đặc.
Đó là niềm vui được khẳng định mình, khi họ có cơ hội làm những điều mình thích, sống theo cách mình lựa chọn mà có thể không bận tâm đến nguyên tắc, đến ánh nhìn từ những người xung quanh.
Từ vị trí của một người thường xuyên tiếp xúc với các bạn nhỏ trong độ tuổi 14-18, tôi luôn thấy mình thích thú trò chuyện với các em, để nghe các em kể về sở thích, về thú vui, về những điều khiến các em tò mò và say mê.
Có em thích Harry Potter đến cuồng nhiệt và sưu tầm đầy đủ cả bản tiếng Việt và tiếng Anh của bộ truyện này. Có em là fan cuồng của một nhóm nhạc K-pop và có thể kể vanh vách các thông tin về thần tượng của mình.
Có em mê truyện tranh đến độ có hẳn một “thư viện” manga các kiểu cho riêng mình.
Nghĩa là, bên cạnh những nhóm rich kid đắp lên mình cả cây hàng hiệu gần một trăm triệu đồng, vẫn có những bạn nhỏ chọn cho mình niềm vui nhỏ bé, đơn giản, vừa sức với các em.
Vừa sức mình, miễn là mình thấy vui là được, là quan điểm chơi của những người trẻ.
Nhưng lấy đó làm lý do để cho rằng người trẻ hời hợt, vội vàng, chỉ thích chạy theo hình thức bên ngoài thì có lẽ oan cho người trẻ quá!
Và chính tôi, tôi cũng dồn tiền đi dạy cả học kỳ vào một chiếc máy ảnh kèm ống kính, trang bị chụp ảnh đắt đỏ, khi dùng tiền để du lịch thay vì tiết kiệm mua nhà, mua xe…
Tôi nhận ra, mình cũng đang chơi, nhưng chơi theo cách riêng của mình.
Vì mỗi người có một sở thích, một thú vui, một tính cách riêng, nên lựa chọn chơi cũng là hoàn toàn khác biệt.
Thay vì cho rằng học trò tiêu hoang vào mấy đôi giày, khi hỏi kỹ, tôi biết có em ăn sáng ở nhà thay vì ăn sáng ở căn tin và để dành hai năm trời cho đôi giày mà mình ao ước.
Đằng sau những biểu hiện tiêu xài bên ngoài là những câu chuyện bên trong mà chỉ người đó mới hiểu rõ.
Họ đã chọn cách chơi dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh và điều kiện riêng của bản thân mình.
Khi gọi người trẻ là “thế hệ tiêu thụ”, đã có ai từng thắc mắc vì sao người trẻ ngày nay lại có những biểu hiện này?
Vì sao người trẻ ngày nay thích du lịch, thích mua sắm, thích ăn uống thay vì dồn tiền tiết kiệm để mua nhà, để mua bảo hiểm, để dành dụm khi về nhà?
Vì sao người trẻ ngày nay không học được cách sống cần kiệm như cha mẹ mình ngày trước? Vì sao người trẻ ngày nay lựa chọn “chơi” để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình?
***
Tôi không có ý định thuyết giáo điều gì. Tôi cũng không phủ nhận những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc trong một bộ phận giới trẻ.
Là một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và cũng còn đủ trẻ để nói lên tiếng nói của “thế hệ tiêu thụ”, tôi chỉ muốn bày tỏ những trăn trở, băn khoăn của mình khi tìm hiểu về vấn đề này.
Bản thân tôi cũng nhận ra mình không thể kết thúc bài viết một cách trọn vẹn bằng một giải pháp cụ thể.
Nhưng vấn đề còn bỏ ngỏ cũng chính là câu hỏi mà người trẻ tiếp tục đặt ra cho cuộc đời trước mắt họ: Chúng tôi chỉ là thế hệ tiêu thụ hay là những người trẻ thiếu vắng lý tưởng?
Kim Loan