Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ nghĩ và làm gì?

Cách thể hiện mỗi thời mỗi khác, còn vòng đời vẫn thế, xoay tròn. Người trẻ Việt bây giờ “biết sống” hơn.

Người trẻ Việt bây giờ “biết sống” hơn. Đó là điều mà không ai có thể phủ nhận. Những trung tâm thương mại, các tòa nhà sang trọng và trung tâm giải trí đa năng luôn đông đúc người trẻ. Họ tạo ra một thế hệ tiêu thụ khổng lồ và sành sỏi.

Liên tục cập nhật những khuynh hướng mới

Các xưởng sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ không ngừng thực hiện những cuộc điều tra quy mô về nhu cầu của họ. Bởi, người trẻ cứ liên tục cập nhật những khuynh hướng mới, không phải là từng ngày mà là từng phút, từng giây.

Hôm nay mới mê trà sữa, kimbap, sushi, matcha, khúc bạch, hôm sau đã thấy họ điền vào chỗ trống những dãy bàn ghế của quán mì cay bảy cấp độ.

Nguoi tre thoi 4.0 anh 1

Phong cách thời trang của một số bạn trẻ thời nay.

Rồi thì bánh tráng mắm ruốc, bánh tráng trộn nhường chỗ cho xoài lắc; xoài lắc bất ngờ thua sút bánh mì nướng muối ớt và hiện giờ thì tất cả xúm xít vào tô mì bay thần thánh hay một ly sữa tươi trân châu đường đen.

Không ai đoán được sắp tới người trẻ thích ăn gì. Bổ dưỡng hay có nguồn gốc an toàn không hẳn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng là được ăn trong bầu khí quyển của trào lưu.

Người trẻ cũng chẳng còn nhất trí với những quan niệm ngỡ là Vạn Lý Trường Thành của bố mẹ.

Ngày xưa, bố mẹ nghĩ rằng nhà cửa phải “có chân” trên mặt đất. Những ai ở chung cư được xem như khúc xế chiều của thời bao cấp và đương nhiên không được tính là thành đạt.

Giờ thì người trẻ xem việc sở hữu một căn hộ trên không là chuẩn mực phong lưu. Mà họ cũng ngán ngại cảnh tam, tứ đại đồng đường, chỉ thích độc lập tự do.

Khi được tung hoành theo ý muốn rồi thì hôn nhân cũng chẳng phải là ưu tiên số một nữa. Ngày xưa, bố mẹ xem “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” là chân lý, giờ thì người trẻ không thể chờ đến lúc sống hết cho mọi người rồi mới sống cho mình. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.

Người trẻ nào giờ ra đường cũng xúng xính xe đời mới, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, thời trang hàng hiệu hoặc nếu là hàng may mặc nội địa thì phải được “mix” và có phong cách hẳn hòi, dù đằng sau sự hào nhoáng có khi là các hóa đơn trả góp.

Ngày xưa, bố mẹ dạy con cái phải khiêm tốn, nói ít nghe nhiều. Nhưng giờ ai biết tự thể hiện và chịu khó thi thố thì sẽ có cơ hội thành công hơn.

Những ngày cuối năm 2016, một nữ sinh viên gây xôn xao dư luận khi đặt câu hỏi với các nhà tuyển dụng rằng em phải học tập và làm việc như thế nào để lương khởi điểm 2.000 Mỹ kim.

Nhiều người trách em quá háo thắng và thiếu kinh nghiệm. Nhưng một bộ phận người trẻ lại thấy câu hỏi ấy vô cùng có lý mà cũng chẳng có gì quá đáng.

Tại sao cứ phải tuân thủ một công thức: Đầu tiên phải chấp nhận thiệt thòi, bị sai vặt, chịu mức lương làng nhàng rồi từ từ sẽ được nhìn nhận và thăng tiến? Nếu con đường của mọi người đều giống nhau thì đời này đã chẳng có vĩ nhân.

Cách thể hiện mỗi thời mỗi khác

Người trẻ bây giờ chắc chắn cũng hướng ngoại hơn. Việc sáng ở Sài Gòn mà tối đã “check-in” ở một đất nước xa xôi là điều vô cùng bình thường. Xách ba lô lên và đi đã trở thành một trào lưu ngót nghét mươi năm và chưa hề có dấu hiệu nguội đi.

Nguoi tre thoi 4.0 anh 2

Sách Người trẻ thời 4.0 - Uy quyền lộng lẫy. Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Công nghệ số khiến việc đi lại dễ dàng hơn bao giờ hết. Cả thế giới trong tầm tay, tội tình gì mà không thụ hưởng! Cái sự hướng ngoại ấy còn thể hiện ở những status, hình ảnh cùng những icon công khai trạng thái mọi lúc mọi nơi.

Cũng vì vậy mà người trẻ bị dán nhãn hời hợt, thiếu kín đáo, không ý tứ. Thật ra thì đó là một cách để họ “xả”, để thư thái hơn mà cũng chẳng hại ai trong nhịp đời huyên náo này.

Không ít người không trẻ và cả những người đang trẻ bày tỏ sự lo ngại về một thế hệ trẻ Việt lười nhác, ngổ ngáo, đua đòi, thực dụng, ích kỷ và sống ảo. Nhưng hãy nhìn lại quá khứ. Hình như thời nào thì người lớn cũng quanh đi quẩn lại có chừng ấy mối lo.

Đôi lúc, tôi cũng cho rằng thanh niên bây giờ nổi loạn và ngông nghênh, cho đến khi say sưa ngắm những người trẻ trong bộ áo tràng xám nhạt thướt tha đi lễ và làm việc thiện nguyện ở chùa.

Tôi sáng bừng đôi mắt khi đọc bài viết về con gái cô lao công mới 19 tuổi đã giành học bổng toàn phần ở Đại học Harvard và nói một câu dung dị mà đầy triết lý:

“Tập thể dục, có điều kiện thì đến phòng gym, không thì chạy bộ, đạp xe. Học cũng thế, có điều kiện thì tốt hơn nhưng nếu thật sự muốn làm điều gì đó thì trong hoàn cảnh nào cũng làm được”.

Vậy nên, người trẻ đâu cần phải “thanh niên nghiêm túc” như tiền bối. Cứ sành điệu và phong cách, cứ dại khờ và trải nghiệm, miễn trái tim không ngừng nâng cấp chất lượng và giàu lên mỗi ngày là được.

Và, nếu để ý, ta sẽ thấy giới trẻ Việt bây giờ tự giác hoài cổ. Họ sưu tầm những chiếc máy hát đĩa như hoa loa kèn, những chiếc ti vi có chân và cửa như cái tủ và sung sướng cưỡi lên chiếc xe Honda 67 như một chiến tích.

Họ mê mẩn hát dân ca, bolero và khao khát trở thành danh ca vọng cổ đâu thua gì thế kỷ trước. Thiếu điều gì họ sẽ tìm điều ấy. “Break the rules” - phá bỏ mọi giới hạn - đang là xu hướng và sẽ luôn là xu hướng của người trẻ.

Bên cạnh đó, “globalization” - từ vựng được truy cập 43 triệu lượt trên Google - cũng nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng người trẻ sẽ hội nhập thế giới cũng như tạo nên vị thế của đất nước thông qua nỗ lực của bản thân và sự chuyên nghiệp trong việc vươn lên những chuẩn mực toàn cầu, chứ không phải là làm sao cho giống ngày xưa.

Do đó, thay vì trách cứ và soi mói người trẻ, hãy giúp họ nhận thức sự thân thiện và sức sống của những giềng mối truyền thống.

Diễm Trang

Môn Văn ở đâu trong thời 4.0?

Thời đại thay đổi nên dù muốn hay không thì chúng tôi cũng phải chấp nhận một thực tế là vị thế của môn Văn đã không còn được coi trọng như thời xưa nữa.

Nhiều tác giả / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY