|
Đại dịch đã khiến nhiều người bắt đầu chú trọng giữ gìn sức khỏe, tìm đến thói quen sống lành mạnh. Những thay đổi ngoài ý muốn chốn làm việc cũng được các bạn trẻ thích nghi nhanh chóng.
5 bạn trẻ ở TP.HCM chia sẻ với Zing những câu chuyện của họ khi trở lại guồng quay công việc trong điều kiện "bình thường mới".
Đeo khẩu trang suốt ngày dài
Nguyễn Yến Thi (23 tuổi, MC tự do)
Vì đặc thù công việc, Yến Thi đeo khẩu trang suốt nhiều giờ liền. Ảnh: NVCC. |
Suốt thời gian giãn cách xã hội, phần lớn mọi người làm tại nhà, nhưng vì đặc thù công việc, tôi vẫn đến cơ quan, đi hiện dẫn ở nhiều nơi. Mọi thứ trong cuộc sống, cách làm việc của tôi cũng thay đổi từ thời điểm đó.
Bây giờ, hai vật được xem là "bất ly thân" của tôi chính là khẩu trang và chai xịt khuẩn. Vì đi dẫn nhiều nơi, tôi luôn cố gắng hạn chế việc trò chuyện, tiếp xúc với nhiều người nhất có thể.
Ban đầu, khi mới đeo khẩu trang N95 để dẫn chương trình, tôi có gặp đôi chút khó khăn trong việc thở hay phát âm đủ to. Tuy nhiên, giờ đây khi đã quen với chiếc khẩu trang, có cách luyện giọng cũng như ổn định hơi thở, công việc của tôi cũng thuận lợi hơn.
Thời gian này, vì cơ quan cũng đang giới hạn số lượng người lên làm việc, mọi người cũng rất hạn chế việc tiếp xúc, nên không khí làm việc cũng có phần khác so với trước đây. Tôi nghĩ mọi người cũng phải tập dần thói quen thích nghi với điều kiện mới. Riêng tôi đã trải qua 4 tháng giãn cách có phần khác biệt hơn nên sự thay đổi với tôi phần nào dễ dàng hơn.
Chia giờ ăn uống, nghỉ ngơi
Đặng Hoàng Vi (22 tuổi, Content Writer)
Suốt thời gian 4 tháng giãn cách, tôi háo hức được đi làm trở lại để gặp gỡ đồng nghiệp, bạn bè. Dù công ty có nhiều quy định chặt chẽ mới để đảm bảo làm việc an toàn khi phòng dịch, tôi vẫn rất vui khi được trở lại guồng quay hối hả như ngày nào.
Điều khác biệt đầu tiên khi làm việc trong lúc này chính là giao tiếp nhưng không thấy mặt nhau vì quy định đeo khẩu trang xuyên suốt trong giờ làm việc. Ngoài chuyện tôi không được nhìn thấy mọi người cười đùa thì cũng sợ mặt mình bí bách quá mà lên mụn. Nhưng không sao, phải giữ gìn sức khỏe rồi mới tính được những vấn đề khác.
Công ty của Hoàng Vi có nhiều quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: NVCC. |
Có một điểm khác biệt nữa khiến tôi hơi buồn đó là việc ăn trưa, nghỉ ngơi chia theo ca. Thay vì cùng nhau ăn uống, bây giờ để tránh việc tụ tập đông, hạn chế tiếp xúc, chúng tôi phải chia giờ ra để ăn, nghỉ ngơi buổi trưa cũng không đồng loạt.
Bình thường vào những lúc xế chiều, công ty cũng hay đặt trà sữa uống, nhưng việc này cũng hạn chế dần, bảo vệ công ty chỉ nhận đồ ăn trưa thôi. Nghe thì có vẻ khắt khe nhưng thật ra vì tôi làm việc tại cơ sở y tế, việc đảm bảo an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu.
Dậy sớm và tự nấu cơm mang đi làm
Lý Mạnh Luông (28 tuổi, Chuyên viên tư vấn pháp lý)
Vì thời gian giãn cách xã hội khá lâu, lại không thể làm gián đoạn hoạt động nên toàn bộ công việc của tôi đều chuyển hết lên quy trình online. Ngày đầu trở lại công ty cũng có phần ngỡ ngàng, giống như rất lâu rồi mới được cảm nhận không khí làm việc tại văn phòng cùng với đồng nghiệp.
Mạnh Luông vui khi được trở lại văn phòng làm việc cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Dù nhân viên công ty chưa đi làm lại toàn bộ, xen kẽ làm việc tại nhà, tôi vẫn rất vui được gặp lại mọi người sau quãng dài xa cách.
Trước đây, vì bận rộn và muốn thuận tiện, tôi thường xuyên ăn ngoài. Nhưng từ lúc đại dịch bất ngờ ập đến, tôi tự nấu ăn cho mình và thành quen. Đến giờ, dù hàng quán mở cửa lại, tôi vẫn tự dậy sớm, chuẩn bị đồ ăn trưa cho mình mang đến công ty.
Ngày trước, thời gian ăn trưa thường là lúc mọi người cùng ngồi với nhau, chia sẻ đồ ăn như một gia đình lớn. Bây giờ, vì hạn chế tụ tập nên mỗi người lại ăn ở một phòng riêng khiến tôi cũng hơi buồn vì buổi ăn trưa của mình trở nên cô đơn hơn chút.
"Cả văn phòng chỉ có vài người"
Văn Minh Hằng (24 tuổi, phóng viên)
Sau quãng thời gian chỉ làm việc tại nhà một mình, tôi rất vui khi được gặp lại đồng nghiệp. Ở nhà nhiều, không giao tiếp hay gặp gỡ mọi người khiến tôi có phần hơi khó chịu, bức bối, năng suất làm việc cũng không được như trước.
Minh Hằng vẫn mong chờ được đi du lịch cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Hiện, công ty tôi có rất nhiều quy định để đảm bảo hoạt động an toàn trong dịch nên cả văn phòng cũng chỉ có vài người. Một số kẹt ở quê, một số chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, những anh chị có con nhỏ cũng được ưu tiên ở nhà, nên không khí ở văn phòng khác trước khá nhiều.
Mặt khác, vì ít người, chúng tôi sinh hoạt theo giãn cách, hạn chế tiếp xúc cũng có phần dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa gặp được đầy đủ mọi người khiến tôi có phần buồn một chút.
Cả công ty trước đó hẹn nhau sẽ có một chuyến đi biển vào mùa hè, nhưng rồi dịch đến bất ngờ, cái hẹn đó không biết phải hoãn đến bao giờ. Hiện chỉ nóng lòng nhất là được gặp đầy đủ mọi người, trò chuyện tâm sự là tôi cũng vui rồi.
Chỉ một mình ở tiệm
Trịnh Khánh Linh (21 tuổi, quản lý quán cà phê)
Ngay khi các hàng quán được cho phép bán trở lại, tôi cùng một vài bạn nhân viên đã sắp xếp đến tiệm cà phê để dọn dẹp sau nhiều tháng "đóng bụi".
Tôi cũng phải họp lại với anh chủ tiệm, các bạn nhân viên xây dựng bộ khung nguyên tắc làm việc trong lúc này. Thay đổi lớn nhất có lẽ là thời gian làm việc, trước dịch chúng tôi mở từ sớm và đóng lúc tối muộn, giờ thì 17h đã ngừng nhận đơn.
Khánh Linh có chút buồn khi trở lại công việc nhưng đôi lúc vẫn phải làm một mình. Ảnh: NVCC. |
Lúc giãn cách xã hội, tôi đã quen với việc ăn uống tại nhà, đúng giờ, hiện quay lại công việc thì tôi sắp xếp thời khóa biểu cho mình.
Với tình hình chỉ bán mang đi, công việc của chúng tôi có phần nhẹ nhàng hơn, nhưng lại buồn vì chưa được đón khách trở lại. Công việc không nhiều như trước nên có khi chỉ có mỗi mình tôi có mặt ở tiệm để chuẩn bị đồ uống. Thế nên, tôi có hay đùa là quay lại làm việc nhưng vẫn một mình.
Tôi mong mọi thứ sớm trở lại guồng quay như trước. Dù rất hào hứng khi lại làm công việc mình say mê, tôi nghĩ lúc có đồng nghiệp, có khách hàng trở lại thì chắc chắn sẽ còn vui hơn nữa.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.