Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Người trẻ Hàn Quốc bỏ mộng chaebol

Chuyên gia cho rằng nhiều người trẻ Hàn Quốc không còn ưa chuộng văn hóa làm việc truyền thống của chaebol khi tập đoàn lớn thường đòi hỏi gắn kết lâu dài và có xu hướng độc đoán.

“Nhiều người trẻ Hàn Quốc hiện ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Họ cũng không thích văn hóa làm việc truyền thống của chaebol (tập đoàn gia đình), trong đó đòi hỏi nhân viên phải gắn kết với công ty”, ông Lee Byoung Hoon - giáo sư về xã hội học, tập trung nghiên cứu quan hệ lao động, thị trường lao động, dịch chuyển lao động và đời sống lao động, tại Đại học Chung Ang - chia sẻ với Zing.

Trong những năm gần đây, bức tranh về nơi làm việc lý tưởng của người dân ở Hàn Quốc đang thay đổi so với các thế hệ trước.

Ông Lee Byoung Hoon - giáo sư về xã hội học, tập trung nghiên cứu quan hệ lao động, thị trường lao động, dịch chuyển lao động và đời sống lao động, tại Đại học Chung Ang, Hàn Quốc. Trường được xếp nhóm 20 đại học tốt nhất Hàn Quốc. Ông Lee từng được nhiều cơ quan thông tấn Hàn Quốc và quốc tế trích dẫn. Ảnh: Research Gate.
chaebol Han Quoc anh 1
chaebol Han Quoc anh 1

Ông Lee Byoung Hoon - giáo sư về xã hội học, tập trung nghiên cứu quan hệ lao động, thị trường lao động, dịch chuyển lao động và đời sống lao động, tại Đại học Chung Ang, Hàn Quốc. Trường được xếp nhóm 20 đại học tốt nhất Hàn Quốc. Ông Lee từng được nhiều cơ quan thông tấn Hàn Quốc và quốc tế trích dẫn. Ảnh: Research Gate.

Trong cuộc khảo sát xếp hạng “nhà tuyển dụng trong mơ” của cổng thông tin nghề nghiệp Job Korea, công ty phát triển ứng dụng Kakao là lựa chọn hàng đầu của sinh viên đại học trong 2 năm liên tiếp, vượt qua Samsung và các chaebol khác. Trước đó, những đế chế kinh doanh này đã thống trị bảng xếp hạng trong nhiều năm, theo Bloomberg.

Lý giải hiện tượng này, ông Donald Southerton - nhà tư vấn chiến lược, đào tạo cho các doanh nghiệp Hàn Quốc - cho biết: “Một số người Hàn Quốc hiện quan niệm rằng họ có nhiều lựa chọn khác tốt hơn làm việc cho chaebol - nơi từng được coi là con đường thành công duy nhất”.

Song chuyên gia nhận định bất kể một người đang làm việc cho chaebol, công ty công nghệ mới hay một công ty khởi nghiệp, thời gian làm việc lâu dài vẫn là điểm chung ở Hàn Quốc, “phần lớn xuất phát từ mong muốn thành công”.

Môi trường làm việc phân cấp thứ bậc

Theo nhận định của giáo sư Lee Byoung Hoon, văn hóa làm việc giữa chaebol và công ty công nghệ cao có sự khác biệt lớn.

“Chaebol có văn hóa doanh nghiệp theo kiểu truyền thống và phân cấp thứ bậc, độc đoán, trong khi công ty công nghệ cao có văn hóa doanh nghiệp trẻ, cởi mở và dám mạo hiểm”, ông nói.

“Ưu điểm của chaebol là công ty hoạt động có hệ thống và quản lý ổn định, trong khi nhược điểm là văn hóa tổ chức cứng nhắc và có phân cấp thứ bậc. Trong khi đó, công ty công nghệ cao có xu hướng ngược lại với những nhược điểm trên của chaebol”, ông cho biết thêm.

Giới trẻ Hàn Quốc không còn "mặn mà" với các chaebol. Ảnh: Alarmy.
chaebol Han Quoc anh 2
chaebol Han Quoc anh 2

Giới trẻ Hàn Quốc không còn "mặn mà" với các chaebol. Ảnh: Alarmy.

Vị giáo sư cũng nhấn mạnh 3 đặc điểm nổi bật nhất trong văn hóa làm việc của chaebol, đó là thứ bậc, ổn định và “trên bảo dưới phải nghe”, trong đó đặc điểm cuối cùng là nhược điểm lớn nhất của những tập đoàn này.

“Những đặc điểm trên vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả cho thành công của họ. Họ tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực dưới sự lãnh đạo độc đoán của người đứng đầu trong suốt nhiều thập niên công nghiệp hóa”, vị giáo sư nhận định.

Chia sẻ quan điểm với giáo sư Lee, ông Southerton cho rằng các công ty mới nổi ở Hàn Quốc có lợi thế lớn nhờ tránh được những thông lệ xuất phát từ thời kỳ công nghiệp hóa.

“Một lợi thế lớn với các công ty mới nổi là họ có ít quy chuẩn và thông lệ hình thành từ những năm 1960-1970, vốn phù hợp với các lĩnh vực công nghiệp nặng định hướng xuất khẩu”, ông nói.

“Hiện nay, hầu hết công ty mới nổi đều bắt đầu là công ty khởi nghiệp, trong đó có số lượng lớn công ty thuộc lĩnh vực phần mềm, được mô phỏng theo những gã khổng lồ như Google và các công ty công nghệ khác của Thung lũng Silicon”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Vấn nạn bắt nạt công sở

Ngoài vấn đề thứ bậc và những thông lệ đã lạc hậu, các chuyên gia cho rằng ở các chaebol Hàn Quốc vẫn tồn tại rào cản với phụ nữ.

“Những rào cản vô hình với nữ giới rõ ràng vẫn còn tồn tại trong chaebol. Có thể thấy trong một số lĩnh vực như tiếp thị, bán hàng và PR đã có nhiều phụ nữ làm lãnh đạo hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có thể phát triển hơn nữa”, ông Southerton nhận định.

chaebol Han Quoc anh 3

Ông Donald Southerton, nhà tư vấn chiến lược, đào tạo cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm với các chủ đề tập trung vào chủ nghĩa kinh doanh và ngành công nghiệp ôtô Hàn Quốc. Ảnh: Twitter.

Giáo sư Lee chỉ ra thực tế rằng trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đứng cuối trong bảng xếp hạng bình đẳng giới. Ông nhận thấy ngày nay, số lượng phụ nữ trẻ có cơ hội làm việc ở chaebol lớn hơn bao giờ hết.

“Tuy nhiên, kể cả sau khi vào công ty, nhân viên nữ vẫn đối mặt với ‘trần kính’ - rào cản vô hình khiến họ không có nhiều cơ hội thăng chức lên các vị trí điều hành cấp cao so với đồng nghiệp nam”, giáo sư nói.

Không chỉ vậy, giáo sư Lee cũng cho rằng “gapjil” là vấn đề nghiêm trọng tại các văn phòng ở Hàn Quốc. “Gapjil” là từ ghép để chỉ “gap” - những người có quyền lực - lạm dụng “eul” - những người làm việc cho họ.

“Về mặt ngôn ngữ, gapjil là thuật ngữ độc đáo của Hàn Quốc, chứa đựng nét văn hóa của xứ sở kim chi. Thuật ngữ này ám chỉ thái độ kiêu ngạo hoặc độc đoán của một người có quyền lực hơn người khác”, ông Don Southerton cho hay.

Trong xã hội phân cấp thứ bậc sâu sắc như Hàn Quốc, khi địa vị xã hội của một người được xác định bởi nghề nghiệp, chức danh và khối tài sản, thì rất nhiều người bị rơi vào những tình huống như vậy.

Ông Southerton lý giải văn hóa về khoảng cách quyền lực và thứ bậc mạnh mẽ đã hình thành và củng cố thái độ này. “Đáng buồn thay, gapjil là một phần của nền văn hóa nơi người từng là nạn nhân bị bắt nạt trong công sở lại tiếp tục tái diễn những hành động này với cấp dưới của họ”, ông Southerton nói.

Thời gian gần đây, nhiều người Hàn Quốc bắt đầu phản đối mạnh mẽ gapjil. Ông Southerton cho biết trước đây, những vụ việc này có thể bị bác bỏ, hoặc nạn nhân không bao giờ dám báo cáo vì sợ gánh chịu hậu quả.

Vì tính nghiêm trọng của vấn đề, trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã ban hành đạo luật để ngăn chặn gapjil, theo giáo sư Lee.

“Các tập đoàn lớn - dù là chaebol hay công ty công nghệ cao - đều khá thận trọng với vấn đề gapjil vì điều đó có thể gây tổn hại đến danh tiếng công ty”, ông nhận định với Zing.

chaebol Han Quoc anh 4

Môi trường làm việc trong các chaebol vẫn tồn tại nhiều rào cản với nữ giới. Ảnh: AFP.

Ông Southerton nhìn nhận về mặt tích cực, sự giám sát của công chúng đã buộc nhiều công ty trở nên nhạy cảm hơn trong vấn đề này và công khai giải quyết các khiếu nại về bắt nạt công sở.

Những người lao động bị lạm dụng trong quá khứ cũng sẵn sàng lên tiếng trên các phương tiện truyền thông xã hội và báo cáo vụ việc trên những trang web tố giác.

Ngoài ra, mặc dù trong những năm qua, chaebol có sự thay đổi, như tuyển dụng giám đốc và thành viên hội đồng quản trị bên cạnh thành viên gia đình, những người trong gia đình chaebol vẫn điều hành từ phía sau. Một số công ty được cho là ưu tiên tuyển dụng từ các khu vực hoặc trường đại học nhất định, theo Bloomberg.

Lý giải về điều này, ông Lee cho hay về cơ bản, hầu hết chaebol là tập đoàn gia đình. Nhiều người trong số này ở các vị trí quản lý hàng đầu như giám đốc điều hành.

“Trước đây, các công ty lớn thường ưu tiên tuyển dụng từ trường đại học có thứ hạng cao, chủ yếu đặt tại Seoul. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn đang tránh né tuyển dụng theo tiêu chí này bởi dư luận coi hành động tuyển dụng phân biệt đối xử là không thể chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động eo hẹp, nhất là thị trường lao động trẻ”, vị giáo sư nhận định.

Trong khi đó, ông Southerton cho rằng việc ưu tiên tuyển dụng người từ trường đại học hoặc tập đoàn nhất định chắc chắn vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó. “Tuy nhiên, nhân sự thông thạo tiếng Anh hoặc từng du học nước ngoài vẫn có xu hướng được coi trọng hơn”, chuyên gia cho biết.

Chaebol vẫn không lo thiếu nhân sự

Bất chấp những lỗ hổng trong văn hóa làm việc tại chaebol, giáo sư Lee cho rằng chaebol sẽ không đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động dù giới trẻ có xu hướng né tránh các công ty này, bởi vì làm việc tại các công ty lớn vẫn được coi là cơ hội tốt trên thị trường lao động Hàn Quốc.

Ông nhấn mạnh quan điểm này đang và sẽ tồn tại lâu dài bởi tình trạng thiếu việc làm ổn định tại Hàn Quốc.

Giáo sư Lee cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc đang bước vào mô hình kinh tế kỹ thuật số mới, nơi sự sáng tạo của người lao động được coi trọng và các chaebol đang dần thay đổi để thích ứng.

“Các chaebol hiện có ban quản lý cấp cao nhận thức được giá trị và thái độ làm việc của thế hệ trẻ. Thế hệ này theo đuổi chủ nghĩa cá nhân, đề cao cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Do đó, ban lãnh đạo cũng nỗ lực thay đổi văn hóa làm việc để tuyển dụng và giữ chân người trẻ tài năng”, ông nói.

chaebol Han Quoc anh 5

Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển có thời gian làm việc trong tuần nhiều nhất thế giới. Ảnh: New York Times.

“Một số người trẻ thích lương cao và công việc ổn định sẽ tìm việc làm trong tập đoàn lớn và công ty đại chúng. Một số người khác - thích công việc có tính linh hoạt và tự chủ - sẽ chọn công ty công nghệ cao mới nổi”, ông cho biết thêm.

Vị giáo sư cũng nhận định rằng văn hóa "trên bảo dưới nghe" cần được cải tổ để nâng cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới của nhân viên. “Đây là điều cần thiết cho sự bền vững của các chaebol”, ông nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Southerton cho biết hầu hết tập đoàn lớn của Hàn Quốc ngày nay đều tham gia thị trường quốc tế. Để duy trì khả năng cạnh tranh, họ bắt đầu thay đổi các quy tắc kinh doanh cũ, đặc biệt là những tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, bắt đầu từ việc tìm kiếm và xây dựng ban lãnh đạo từ nguồn nhân sự nước ngoài.

“Người trẻ Hàn Quốc bắt đầu chuyển hướng sang làm việc cho các công ty và công ty khởi nghiệp tiến bộ hơn thay vì các chaebol lâu đời. Tuy nhiên, lãnh đạo tại nhiều chaebol hàng đầu đã tiến hành thay đổi về trang phục, chức danh công việc và môi trường làm việc để thu hút nhân tài mới”, ông nói.

Về khả năng thiếu hụt lao động tại các chaebol trong tương lai, ông Southerton nhận định có nhiều yếu tố quyết định tình trạng này.

Ông dẫn chứng chaebol rõ ràng đang nhận thức được thế hệ trẻ Hàn Quốc hiện quay lưng với các tập đoàn hàng đầu đất nước, sẵn sàng rời bỏ doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội mới. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc, dù lớn hay nhỏ, đều đang tìm kiếm những cách thức mới nhằm mang lại cảm giác trẻ trung và phù hợp với xu hướng hơn.

Ông cũng cho rằng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm ảnh hưởng phần nào tới việc chaebol thiếu hụt lao động.

“Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc liên tục giảm qua các năm. Một phần lý do là vì thế hệ trẻ trì hoãn kết hôn, trong khi số khác chọn sinh ít con hoặc không có con. Nhiều người cũng lựa chọn sống độc thân, tập trung vào sự nghiệp và theo đuổi các mục tiêu khác”, ông kết luận.

Bài liên quan

Elon Musk gay bat ngo hinh anh

Elon Musk gây bất ngờ

0

Tỷ phú Elon Musk hôm 25/1 đã có bài phát biểu trực tuyến trong sự kiện vận động tranh cử của đảng cực hữu Alternative für Deutschland (AfD) tại Halle, miền Đông nước Đức.

Phương Linh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm