“Tôi nghĩ nhiều người dân Hàn Quốc cảm thấy thật sự sốc”.
Đó là ý kiến của tiến sĩ Erik Mobrand, Chủ tịch nghiên cứu bộ phận Chính sách Hàn Quốc của viện chính sách RAND Corporation (Mỹ), chia sẻ với Zing khi đề cập đến việc tổng thống Hàn Quốc ân xá cho nhiều nhà lãnh đạo tập đoàn gia đình (chaebol) trong năm nay.
Tiến sĩ Erik Mobrand, Chủ tịch nghiên cứu bộ phận Chính sách Hàn Quốc của viện chính sách RAND Corporation, Mỹ. Ảnh: RAND Corporation. |
Ngày 12/8, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ân xá cho gần 1.700 người, trong đó có Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong và Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong Bin.
Trong cuộc thăm dò hồi tháng 7 do tạp chí Sisain thực hiện, 69% người tham gia cho biết họ ủng hộ ân xá cho phó chủ tịch tập đoàn Samsung. Những người ủng hộ cho rằng việc ông Lee được ân xá sẽ giúp điều hành tập đoàn tốt hơn và đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc nhiều hơn.
Ngoài ra, cuộc khảo sát khác do Embrain Public, K-Stat Research và Korea Research thực hiện trên 1.006 người trưởng thành cũng cho thấy 77% người được hỏi ủng hộ quyết định ân xá cho Phó chủ tịch Lee, theo Korea Times.
Tuy nhiên, giáo sư Vladimir Tikhonov, nhà nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học Oslo, Na Uy, cho rằng: “Trong bối cảnh Hàn Quốc trở thành một xã hội giàu có và ‘nền kinh tế’ không còn là giá trị duy nhất, người dân bắt đầu có thái độ hoài nghi với các lệnh ân xá”.
Shin Dong Bin, Chủ tịch tập đoàn Lotte, cũng được ân xá hôm 12/8. Một số chuyên gia cho rằng lệnh ân xá dành cho những nhà lãnh đạo các chaebol đã khiến nhiều người "thất vọng" và "hoài nghi". Ảnh: AP. |
“Vừa yêu vừa ghét”
Theo giáo sư Tikhonov, các chaebol có sức ảnh hưởng rất lớn ở Hàn Quốc. Chỉ riêng doanh thu của 71 công ty lớn ở Hàn Quốc đã chiếm khoảng 84% GDP của nước này.
Không chỉ bán các sản phẩm đồ điện tử, ôtô như ở thị trường nước ngoài, các chaebol bao phủ hầu khắp mọi ngóc ngách trong đời sống xã hội Hàn Quốc. Họ đầu tư vào giáo dục, truyền thông, y tế cho đến các sản phẩm sử dụng hàng ngày.
Nhưng không phải người dân Hàn Quốc nào cũng ủng hộ các chaebol. Theo tiến sĩ Mobrand, người dân ở nước này có thái độ “vừa yêu vừa ghét” các tập đoàn gia đình.
“Người dân Hàn Quốc tự hào về sự công nhận mà nước này có được thông qua các tập đoàn gia đình. Nhiều người hy vọng họ hoặc thành viên trong gia đình có thể làm việc cho một chaebol. Và vì vậy họ có thể có cảm xúc khá tích cực đối với các công ty này”, ông nhận định.
Giáo sư Vladimir Tikhonov, nhà nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học Oslo, Na Uy. Ảnh: Đại học Oslo. |
"Đồng thời, nhiều người cũng có thái độ thất vọng vì chaebol và những người đứng đầu chaebol đôi lúc đứng trên luật pháp", tiến sĩ Mobrand nói.
Ân xá cho lãnh đạo các chaebol không phải là câu chuyện mới ở Hàn Quốc.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee từng bị kết tội hai lần vào các năm 1996 và 2008 vì đưa hối lộ và trốn thuế, với tổng hình phạt 5 năm tù. Tuy vậy, ông đều được các tổng thống Hàn Quốc ân xá sau đó.
Năm 2012, ông Kim Seung Youn, chủ tịch tập đoàn Hanwha, bị phạt 4 năm tù với tội danh biển thủ nhưng chỉ phải ngồi tù vài tháng trước khi hình phạt được thay đổi. Đến nay, ông Kim vẫn là chủ tịch Hanwha và nằm trong số những người giàu nhất Hàn Quốc.
Những lý do được đưa ra cho những lần ân xá này chủ yếu xoay quanh việc các lãnh đạo chaebol có thể đưa nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, tiến sĩ Mobrand cho rằng hầu hết người Hàn Quốc đều cảm thấy “thất vọng” với lập luận này. “Tôi nghĩ rất nhiều người thấy điều đó là không công bằng”, ông nói.
Chia sẻ với Zing, giáo sư xã hội học John Lie - cựu Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học California, Berkeley (Mỹ) - cũng cho rằng: “Quan điểm hoài nghi hoặc tiêu cực đã trở nên phổ biến hơn” trong xã hội Hàn Quốc khi tổng thống ân xá cho những doanh nhân này.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee (giữa) từng bị kết tội hai lần và đều được ân xá sau đó. Ảnh: Bloomberg. |
"Bước lùi của thời đại"
Theo Yonhap, “thái tử Samsung” Lee Jae Yong là lãnh đạo đầu tiên của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc bị bắt trong một cuộc điều tra hình sự và lãnh án tù giam.
Vào thời điểm đó, các nhà hoạt động chống tham nhũng tại Hàn Quốc bày tỏ sự hoan nghênh cao đối với phán quyết của tòa án. Họ cho rằng đây là động thái thể hiện sự cứng rắn của cơ quan tư pháp trong việc giải quyết những vụ án liên quan tới các chaebol.
“Đó là sự kiện mang tính lịch sử”, ông Erik Mobrand cho hay.
Vị tiến sĩ nhận định phán quyết này cho thấy ngay cả những lãnh đạo của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc như Samsung cũng không thể thoát khỏi vòng vây pháp luật và phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình giống như bao người dân khác.
Tuy nhiên, lệnh ân xá đặc biệt vừa qua là cơn sốc đối với nhiều người dân Hàn Quốc. “Mọi thứ bỗng nhiên bị đảo lộn. Lệnh ân xá giống như một bước lùi của thời đại”, ông Mobrand nhấn mạnh.
“Vài năm trước, khi ông Lee lãnh án tù, người dân Hàn Quốc những tưởng rằng đất nước đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ mà ngay cả những người đứng đầu của chaebol vẫn phải tuân thủ pháp luật”, ông Mobrand chia sẻ thêm.
Theo Nikkei Asia, quyết định về việc ân xá cho “thái tử Samsung” của Tổng thống Yoon đã gây xôn xao dư luận. Trước khi nhậm chức tổng thống, ông Yoon từng là công tố viên đã đẩy nhiều lãnh đạo cấp cao vào vòng lao lý vì tội tham nhũng.
Phó chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong (giữa) là một trong gần 1.700 người được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ký lệnh ân xá nhân Ngày Giải phóng của nước này. Ảnh: AP. |
Theo giáo sư Vladimir Tikhonov, tác động của lệnh ân xá vừa qua sẽ ngày càng rõ rệt và dài hạn. Không những vậy, lệnh ân xá cũng làm giảm sự tín nhiệm của người dân Hàn Quốc đối với Tổng thống Yoon.
Mặc dù mới lên nhậm chức vào tháng 5, tỷ lệ ủng hộ của nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã giảm xuống thấp hơn so với con số được ghi nhận dưới thời người tiền nhiệm Moon Jae In.
Ông Yoon bị chỉ trích vì phong cách lãnh đạo, vì việc ông không thực hiện các chính sách đã hứa, cũng như vì cách ông chèo lái nền kinh tế.
Tại sao ít ân xá cho chính trị gia?
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng vừa qua, Tổng thống Yoon đã ân xá cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng điều khiến dư luận bất ngờ là cựu Tổng thống Lee Myung Bak, người đang thụ án 17 năm tù vì tội tham nhũng, lại không có tên trong danh sách được ân xá.
Đợt ân xá lần này là ví dụ mới nhất về thông lệ ân xá cho giới lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu tại Hàn Quốc khi họ bị kết án. Điều này đã trở thành một phần trong văn hoá chính trị của xứ sở kim chi, theo Korea Herald.
Qua khảo sát 738 trường hợp tội phạm kinh tế tại Hàn Quốc từ năm 2000 đến năm 2014, giáo sư Choi Han Soo tại Đại học Quốc gia Kyungpook (KNU) chỉ ra hệ thống tư pháp Hàn Quốc dường như nhẹ tay hơn với các chaebol.
Các bị cáo liên quan đến chaebol có khả năng được đình chỉ án tù lớn hơn 27% so với các bị cáo khác, ông Choi cho biết, theo Yonhap.
Cựu Tổng thống Lee Myung Bak, người đang thụ án 17 năm tù vì tội tham nhũng, không được ân xá trong lần này. Ảnh: Yonhap. |
Trong khi đó, công chúng và chính quyền Hàn Quốc tỏ ra cứng rắn hơn với các chính trị gia phạm tội.
Trả lời Yonhap, một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết các doanh nhân chủ chốt được đưa vào diện ân xá vì có vai trò trong việc dẫn dắt tăng trưởng quốc gia thông qua đầu tư công nghệ, tạo thêm việc làm, đặc biệt trong bối cảnh đất nước cần vượt qua khủng hoảng kinh tế.
“Tôi không cho rằng việc ân xá cho các lãnh đạo của chaebol liên quan tới ‘văn hoá chính trị’ Hàn Quốc. Thay vào đó, hành động này phản ánh cho sức mạnh to lớn mà các chaebol đang nắm giữ trong xã hội Hàn Quốc”, giáo sư Tikhonov chia sẻ với Zing.
Giáo sư Tikhonov nhận định việc các lãnh đạo chaebol được ân xá nhiều hơn các cựu chính trị gia Hàn Quốc là điều dễ hiểu.
Ông cho rằng các lãnh đạo chaebol nhận được lệnh ân xá nhờ những đóng góp của họ dành cho nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, lý do này không thể áp dụng đối với các chính trị gia.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Erik Mobrand chia sẻ: “Đối với các lãnh đạo của chaebol, việc họ nhận được lệnh ân xá là nhờ đóng góp kinh tế. Tuy nhiên, bạn không thể lấy lý do đó để ân xá cho một chính trị gia”.