Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Điều gì xảy ra khi 'thái tử Samsung' được ân xá

Lệnh ân xá dành cho "thái tử Samsung" Lee Jae Yong có thể mở đường giúp ông trở thành lãnh đạo tập đoàn.

"Tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn và hoàn thành nghĩa vụ với tư cách là một doanh nhân. Tôi sẽ đóng góp cho nền kinh tế thông qua đầu tư liên tục và tạo việc làm cho những người trẻ tuổi, đền đáp sự kỳ vọng của người dân và sự quan tâm của chính phủ”, Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong phát biểu sau khi được ân xá, CNN đưa tin.

Phó chủ tịch Samsung là một trong số gần 1.700 người được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ân xá hôm 12/8, chủ yếu là người phạm tội "cổ cồn trắng" và phạm luật giao thông. Đối với ông Lee, sự ân xá mở đường cho ông có thể làm việc tại Samsung mà không chịu giới hạn nào.

Với cơ hội ân xá, ông Lee có thể tham gia lại vào hội đồng quản trị Samsung. Động thái này sẽ giúp ông thoát khỏi lệnh cấm điều hành doanh nghiệp trong 5 năm kể từ khi mãn hạn tù.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích kinh doanh Hàn Quốc tin rằng ông Lee vốn đã tiếp tục kiểm soát đế chế của mình thông qua các cấp dưới, mặc dù Samsung chưa bao giờ xác nhận điều đó một cách rõ ràng, theo New York Times.

Ông Lee, hay Jay Y. Lee, là lãnh đạo trên thực tế của Samsung từ năm 2014, khi cha ông hôn mê sau một cơn đau tim.

Động lực giúp ổn định nền kinh tế Hàn Quốc

Ban đầu, "thái tử Samsung" bị phạt 30 tháng tù sau khi bị kết án đưa hối lộ cho cựu Tổng thống Park Geun Hye, song đã được ra tù trước hạn vào tháng 8 năm ngoái.

Lệnh ân xá của ông Lee sẽ có hiệu lực vào hôm 15/8. Vào ngày lệnh ân xá được đưa ra, ông Lee đã xin lỗi công chúng Hàn Quốc và hứa sẽ “bắt đầu lại một lần nữa”.

“Samsung đang rơi vào khủng hoảng vì đã đánh mất hai thế mạnh: Dẫn đầu về công nghệ và quản lý chặt chẽ”, Park Ju Gun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công ty tại Leaders Index cho biết.

Theo ông, tập đoàn này thiếu vắng nhà lãnh đạo có thể ra quyết định đúng vào thời điểm thích hợp để giúp họ giữ vị trí dẫn đầu trong ngành bán dẫn.

pho chu tich samsung anh 1

Các phóng viên vây quanh ông Lee trước một tòa án ở Seoul hôm 12/8. Ảnh: Bloomberg.

Việc ân xá cho phép ông Lee chính thức lấy lại vai trò lãnh đạo của mình. Ông được cho là sẽ xúc tiến các quyết định lớn và mang tính chiến lược, từ các thương vụ sản xuất chip đến cải cách quản trị.

Các hãng tin Hàn Quốc cho biết lệnh ân xá có thể khuyến khích ông Lee kế vị người cha quá cố của mình với tư cách là chủ tịch Samsung, cũng như đối phó tích cực hơn với những thách thức mà công ty phải đối mặt, trong bối cảnh ngành chip thế giới đang gấp rút khắc phục tình trạng thiếu hụt.

Samsung là doanh nghiệp thành công nhất trong các chaebol (tập đoàn gia đình) ở Hàn Quốc. Tập đoàn này đã giúp đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu toàn cầu và thống trị nền kinh tế nước này. Chỉ riêng công ty Samsung Electronics của tập đoàn đã chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điều hành Samsung từ trong tù

Mặc dù chức danh của ông Lee là phó chủ tịch, ông đã bắt đầu điều hành tập đoàn Samsung vào năm 2014.

"Tôi hy vọng lệnh ân xá đặc biệt này sẽ là cơ hội để tất cả người dân Hàn Quốc cùng nhau vượt qua khủng hoảng kinh tế", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói về lệnh ân xá hôm 12/8.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết việc ân xá chỉ đơn giản là khiến các doanh nhân cảm thấy họ không bị "ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc pháp lý nào", Vladimir Tikhonov, giáo sư nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học Oslo, nói với AFP.

pho chu tich samsung anh 2

Lee Jae Yong khẳng định sự biết ơn trước lệnh ân xá. Ảnh: Yonhap.

Việc ông Lee được ân xá diễn ra sau khi Samsung công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ trị giá 356 tỷ USD trong 5 năm tới, nhằm đưa họ trở thành tập đoàn tiên phong trong nhiều lĩnh vực - từ chất bán dẫn đến sinh học - và tạo ra 80.000 việc làm mới.

Tuy nhiên, việc ông Lee bị giam giữ không phải là rào cản đối với hoạt động của công ty. Họ đã công bố lợi nhuận quý II tăng hơn 70% vào tháng 7 năm ngoái.

"Samsung hoạt động hoàn toàn tốt mà không có bất kỳ sự ân xá nào", ông Tikhonov nói với AFP. "Việc ân xá làm suy yếu pháp quyền, và trên thực tế, có khả năng gây bất lợi hơn là có lợi cho hoạt động của bất kỳ nền kinh tế thị trường nào”.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây chỉ ra rằng người dân Hàn Quốc phần lớn ủng hộ việc ân xá cho ông Lee, từ đó phản ánh tầm ảnh hưởng của Samsung tại đất nước này.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia cũng đã kêu gọi sự ân xá của ông Lee. Họ cho rằng động thái này sẽ cho phép Samsung mạnh dạn hơn và nhanh chóng hơn trong các quyết định kinh doanh, khi ông Lee được khôi phục đầy đủ quyền điều hành đế chế kinh doanh.

Trong khi đó, nhóm chỉ trích cho rằng ông Lee luôn nắm quyền kiểm soát Samsung, ngay cả khi ông ở sau song sắt. Theo họ, ông hầu như đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý của mình sau khi được tạm tha, theo Time.

Trong khi đó, một trong những câu hỏi nổi bật xung quanh “thái tử Samsung” là liệu ông có đảm nhận vị trí chủ tịch của gã khổng lồ công nghệ này hay không. Kể từ khi ông Lee Kun Hee qua đời vào tháng 10/2020, vị trí lãnh đạo công ty này vẫn bị bỏ trống.

Ông Lee vẫn chưa thoát khỏi những rắc rối pháp lý. "Thái tử Samsung" vẫn đang bị xét xử về cáo trạng thao túng giá cổ phiếu và hành vi giao dịch bất công. Tuy nhiên, ông đã khẳng định mình vô tội.

Lý do 'thái tử Samsung' được ân xá

Nguyên nhân “thái tử Samsung” Lee Jae Yong được ân xá chủ yếu xuất phát từ hy vọng ông có thể dẫn dắt tập đoàn này đóng góp tích cực cho kinh tế Hàn Quốc.

‘Thái tử Samsung’ được tổng thống Hàn Quốc ân xá

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ân xá cho Phó chủ tịch tập đoàn Lee Jae Yong và gần 1.700 người khác, Bộ Tư pháp Hàn Quốc tuyên bố ngày 12/8.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm