Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hàn Quốc hồi tháng 5, điểm đến đầu tiên của ông là một nhà máy bán dẫn khổng lồ của Samsung gần Seoul. Dẫn tour cho ông Biden là Lee Jae Yong, nhà lãnh đạo trên thực tế của Samsung - tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.
Sự xuất hiện bên cạnh ông Biden là một phần trong quá trình tái hòa nhập xã hội của ông Lee - người được tạm tha vào tháng 8/2021 sau khi lãnh án về tội hối lộ. Quá trình ấy đã kết thúc vào ngày 12/8 qua việc ông Lee được tổng thống Hàn Quốc ân xá.
Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong. Ảnh: AP. |
Phần lớn là lý do kinh tế
Quyết định ân xá cho ông Lee không gây bất ngờ, theo BBC.
Tổng thống Hàn Quốc thường ân xá vào ngày 12/8 hàng năm nhân dịp lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng. Những năm trước đó, các lãnh đạo doanh nghiệp bị kết tội tham nhũng hoặc có hành vi kinh doanh không công bằng cũng thường được ân xá.
Người cha quá cố của ông Lee, cựu Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, từng hai lần nhận được lệnh ân xá của tổng thống.
Nguyên nhân chủ yếu đằng sau những quyết định ấy được cho là có liên quan tới kinh tế, dựa trên quan điểm rằng lãnh đạo của các tập đoàn lớn, đặc biệt là của các chaebol (“tập đoàn gia đình”), khi được ân xá sẽ có đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Từ trước khi có thông báo chính thức ngày 12/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol đã bày tỏ hy vọng quyết định ân xá sẽ là “dịp để toàn bộ chúng ta tiến lại cùng nhau và vượt qua khủng hoảng kinh tế” bắt nguồn từ đại dịch Covid-19.
Ông Lee bị phạt 5 năm tù vào năm 2017 sau khi bị kết án đưa hối lộ cho cựu Tổng thống Park Geun Hye. Bản án của ông Lee là một phần trong bê bối tham nhũng gây chấn động Hàn Quốc, khiến bà Park bị phế truất.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ân xá cho gần 1.700 người vào ngày 12/8, chủ yếu là người phạm tội "cổ cồn trắng" và phạm luật giao thông. Ảnh: AP. |
Ông Lee ngồi tù được 19 tháng, sau đó được tạm tha tù có thời hạn vào tháng 8/2021. Lệnh ân xá ngày 12/8 có ý nghĩa quan trọng vì nó giúp ông Lee không còn bị cấm đảm nhiệm các vị trí trong Samsung, từ đó mở đường cho ông chính thức trở lại ghế chủ tịch tập đoàn.
Tập đoàn Samsung tham gia sâu rộng trong nền kinh tế Hàn Quốc và là chủ lao động lớn nhất nước này. Vị thế ấy khiến nhiều người ở Hàn Quốc nhìn nhận Samsung không phải chỉ là một công ty bình thường mà là một dạng biểu tượng quốc gia.
“Hiện tồn tại một niềm tin cốt lõi rằng nếu Samsung phát triển thì Hàn Quốc cũng phát triển. Lúc này, trong lúc kinh tế đi xuống, người dân muốn nhìn thấy các dấu hiệu cụ thể cho thấy chúng ta đang tiến về phía trước. Việc ông Lee được ân xá là một tín hiệu của điều đó”, giáo sư Yoon Kyung Lee, giáo sư xã hội chính trị thuộc Đại học Toronto (Canada), nói, theo BBC.
Phần lớn ủng hộ ân xá
Những người ủng hộ lệnh ân xá cho ông Lee tán dương quyết định của Tổng thống Yoon.
Họ coi đây là sự công nhận xứng đáng đối với vai trò then chốt của Samsung trong cuộc cạnh tranh dẫn đầu ngành chip toàn cầu, cũng như đối với tầm quan trọng của tập đoàn này trong nền kinh tế chú trọng xuất khẩu của Hàn Quốc.
“Do các hoạt động kinh doanh chính của Samsung, như chất bán dẫn, cần có các khoản đầu tư lớn và rủi ro, việc các lãnh đạo hàng đầu của tập đoàn có thể đưa ra quyết định kịp thời là rất quan trọng”, Kim Sei Wan, giáo sư kinh tế học thuộc Đại học Phụ nữ Ewha nói với Al Jazeera.
“Trên khía cạnh ấy, lệnh ân xá có thể có tác động tích cực tới nền kinh tế”, giáo sư Kim nói.
Lee Kun Hee, cố Chủ tịch tập đoàn Samsung, từng được tổng thống ân xá 2 lần. Ảnh: AP. |
Trong một cuộc thăm dò tháng 7 do tạp chí Sisain thực hiện, 69% người tham gia cho biết họ ủng hộ ân xá cho ông Lee.
Tạp chí Sisain nhận định nguyên nhân phần đông ủng hộ quyết định ân xá cho ông Lee xuất phát từ quan niệm của người dân rằng ông Lee, với tư cách là lãnh đạo của công ty hàng đầu Hàn Quốc, có đóng góp cho nền kinh tế.
Nhưng những người phản đối cho rằng quan niệm trên không có căn cứ xác đáng.
“Trong quá khứ, việc ân xá cho lãnh đạo các chaebol không đóng góp cho tăng trưởng hay khôi phục kinh tế”, Sangin Park, giáo sư kinh tế và chính sách công nghiệp thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nói với BBC.
Giới phân tích chỉ ra rằng Samsung vẫn vận hành hoàn toàn tốt khi ông Lee ra vào nhà giam. Và các nhà hoạt động đòi cải cách khẳng định Hàn Quốc cũng cần chấm dứt sự phụ thuộc vào chaebol - khu vực tăng trưởng chậm trong nhiều năm qua.
Truyền thông Hàn Quốc đánh giá quyết định ân xá có thể khuyến khích ông Lee kế nhiệm người cha quá cố trong vị trí chủ tịch Samsung.
Quyết định cũng được cho là sẽ thúc đẩy ông Lee trở nên tích cực hơn trong việc giải quyết các thách thức tập đoàn gặp phải, trong bối cảnh ngành chip thế giới đang gấp rút khắc phục tình trạng thiếu hụt bắt nguồn một phần từ Covid-19, theo New York Times.
Samsung, tập đoàn đi đầu thế giới trong ngành chip, đang đối mặt với sức ép từ Washington yêu cầu Seoul tham gia liên minh chuỗi cung ứng chất bán dẫn do Mỹ dẫn dắt, cũng như với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ Trung Quốc - nước đang rót lượng lớn tiền đầu tư vào ngành bán dẫn nội địa.
Bất chấp lệnh ân xá ngày 12/8, các rắc rối pháp lý của ông Lee cũng chưa chấm dứt. Ông Lee vẫn đang bị xét xử về cáo trạng thao túng giá cổ phiếu và hành vi giao dịch bất công. Vị phó tịch Samsung đã khẳng định mình vô tội.