Tháng 6/2021, lãnh đạo bốn tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc - Samsung, Hyundai, LG và SK - đồng loạt đề nghị Tổng thống Moon Jae In ân xá cho Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong, người bị kết án 2 năm 6 tháng tù trong một vụ án hối lộ liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun Hye.
Ông Moon - người từng cam kết không ân xá cho các tội phạm kinh tế nghiêm trọng như hối lộ hay biển thủ - dường như giữ lời khi không đưa ông Lee vào danh sách những người được ân xá tháng 8/2021. Dù vậy, ông Lee không phải đợi lâu. Ngay trong tháng 8 năm đó, Bộ Tư pháp Hàn Quốc tuyên bố ông được tạm tha và có thể ra tù.
Một năm sau, ông Lee chính thức được Tổng thống Yoon Suk Yeol - người kế nhiệm ông Moon - ân xá, qua đó phục hồi mọi quyền công dân của mình. Cùng được ân xá trong đợt này có cả Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong Bin, người cũng bị kết tội hối lộ.
Đợt ân xá lần này là ví dụ mới nhất về thông lệ ân xá cho giới lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu tại Hàn Quốc (còn được biết đến với tên gọi chaebol) khi họ bị kết án, điều đã trở thành một phần trong văn hóa chính trị của xứ sở kim chi.
Khi tài phiệt vào tù
Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Hàn Quốc ngày 12/8, khi đưa ra quyết định lần này, giới chức tại Seoul tính đến “tác động tiêu cực về kinh tế do đại dịch Covid-19 và sự phục hồi một cách trì trệ, cũng như tình trạng lạm phát gắn liền với khó khăn của nhiều gia đình Hàn Quốc”.
“Lệnh ân xá nhằm giúp các doanh nhân đóng góp vào tiến trình phục hồi kinh tế”, một quan chức cấp cao từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc nói với báo giới, theo Korea Herald. Với lệnh ân xá, ông Lee sẽ thoát khỏi lệnh cấm điều hành doanh nghiệp trong 5 năm.
Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong đã được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ân xá, theo thông cáo ngày 12/8 của Bộ Tư pháp Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Sau khi lệnh ân xá được công bố, Samsung và Lotte đã gửi đi thông điệp cảm ơn. “Tôi sẽ làm việc siêng năng vì nền kinh tế đất nước”, ông Lee nói với báo giới.
Trong khi đó, Lotte bày tỏ “sự cảm ơn chân thành tới chính phủ và người dân Hàn Quốc”, cũng như “nguyện nỗ lực vì sự phục hồi sau khủng hoảng kinh tế”.
Ân xá cho giới lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia bị kết tội dường như đã trở thành một “truyền thống” tại Hàn Quốc. Hầu hết nhà tài phiệt hàng đầu được thả sau khi tòa án đình chỉ án tù của họ, dựa trên các tính toán về kinh tế.
Qua khảo sát 738 trường hợp tội phạm kinh tế tại Hàn Quốc từ năm 2000 đến năm 2014, giáo sư Choi Han Soo tại Đại học Quốc gia Kyungpook (KNU) chỉ ra hệ thống tư pháp Hàn Quốc dường như nhẹ tay hơn với các chaebol.
Các bị cáo liên quan đến chaebol có nhiều khả năng được đình chỉ án tù hơn 27% so với các bị cáo khác, ông Choi cho biết, theo Yonhap.
Cha của ông Lee - cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee - từng bị kết tội hai lần vào các năm 1996 và 2008 vì đưa hối lộ và trốn thuế, với tổng hình phạt 5 năm tù. Tuy vậy, ông đều được các tổng thống Hàn Quốc ân xá sau đó.
Ngoài Samsung, lãnh đạo của nhiều chaebol hàng đầu khác cũng từng vướng vào vòng lao lý. Dù vậy, điều này dường như không ảnh hưởng đến vị thế, quyền lực hay khối tài sản của họ.
Năm 2012, một tòa án Hàn Quốc kết án ông Kim Seung Youn, Chủ tịch tập đoàn Hanwha, 4 năm tù với tội danh biển thủ, theo CNN. Khi đó, quyết định này được công chúng hoan nghênh vì phá vỡ thông lệ đối xử nhẹ nhàng với các ông chủ chaebol tại quốc gia này.
Dù vậy, ông Kim chỉ phải ngồi tù vài tháng, trước khi hình phạt bị thay đổi. Đến nay, ông Kim vẫn giữ cương vị chủ tịch Hanwha và nằm trong số những người giàu nhất Hàn Quốc.
Chủ tịch Hanwha Kim Seung Youn chỉ phải ngồi tù vài tháng, dù bị kết án 4 năm. Ảnh: Yonhap. |
Thậm chí các lãnh đạo chaebol còn điều hành doanh nghiệp ngay khi thụ án, như Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae Won - người từng phải ngồi tù khoảng hai năm vì tội biển thủ, một trong những hình phạt dài nhất với giới tài phiệt.
Một bài báo của Wall Street Journal năm 2015 tiết lộ ông Chey vẫn giám sát công việc của SK từ sau song sắt. Chỉ trong 17 tháng đầu thụ án, ông đón tiếp tổng cộng 1.778 khách - tương đương trung bình hơn ba khách mỗi ngày. Nhà tài phiệt này được ân xá năm 2015.
Ảnh hưởng rộng lớn
Giới lãnh đạo chaebol hàng đầu được cho là có vai trò quá quan trọng với nền kinh tế và không nên phải dành thời gian để ngồi sau song sắt, bất chấp bị kết án với các tội danh như biển thủ, đưa hối lộ hay trốn thuế.
Các chaebol giữ vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Hàn Quốc. Theo số liệu năm 2019, doanh số bán hàng của 64 tập đoàn gia đình hàng đầu chiếm tới 84% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, Yonhap cho biết. Trong đó, Samsung chiếm tới 34% tổng doanh thu của 64 tập đoàn trên.
Ảnh hưởng của giới tài phiệt Hàn Quốc còn vươn rộng ra ngoài lĩnh vực kinh tế. Một trong những lập luận của phe đề nghị tha tù cho ông Lee hồi năm 2021 là doanh nhân này có thể giúp Hàn Quốc có thêm nguồn cung vaccine Covid-19 nhờ mối quan hệ rộng rãi trên toàn cầu, cũng như giúp tăng khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc trên thị trường chip bán dẫn thế giới.
Ngay cả dư luận Hàn Quốc - những người dường như chịu thiệt hại vì hành vi phạm pháp của giới tài phiệt - cũng ủng hộ việc ân xá họ. Hai khảo sát được tiến hành tại Hàn Quốc hồi tháng 7/2021 đều cho thấy khoảng hai phần ba số người được hỏi có quan điểm tích cực về việc tha tù ông Lee, theo Economist.
Dù vậy, không phải ai cũng đồng tình với động thái này. Trong một cuộc họp báo ngày 12/8, đảng Công lý Hàn Quốc - đảng lớn thứ ba trong quốc hội nước này - gọi các lệnh ân xá là “sự sụp đổ của công lý”.
“Các lãnh đạo chaebol vốn đã được đối xử đặc quyền với các biện pháp tạm tha tù và đình chỉ thi hành án”, đảng này tuyên bố.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, cha của ông Lee Jae Yong, từng hai lần được tổng thống Hàn Quốc ân xá. Ảnh: AP. |
Theo các nhà phân tích, quan điểm có phần “thân chaebol” của người dân Hàn Quốc có thể một phần đến từ việc nhiều kênh truyền hình và tờ báo lớn tại Hàn Quốc bị kiểm soát bởi các chaebol, hoặc phụ thuộc vào nguồn tài chính từ quảng cáo cho các nhãn hàng mà chaebol sở hữu.
Ngược lại, công chúng Hàn Quốc tỏ ra cứng rắn hơn với các chính trị gia phạm tội. Trong cả hai cuộc khảo sát trên, đa số người được hỏi cho rằng các cựu Tổng thống Park Geun Hye và Lee Myung Bak, vốn đều bị kết án vì tham nhũng, không nên được tha tù.
Korea Times nhận định đây là lý do ông Lee không được Tổng thống Yoon Suk Yeol ân xá lần này, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông Yoon giảm xuống chỉ còn hơn 20% trong tuần đầu tháng 8, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức.
Trong khi đó, bà Park đã được cựu Tổng thống Moon Jae In, người vốn có quan điểm cứng rắn về việc không ân xá cho tội phạm kinh tế, đặc xá vào cuối năm 2021 với “lo ngại về sức khỏe suy yếu”.