Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ghế lãnh đạo bị bỏ trống 2 năm của Samsung

Sau khi được ân xá, "thái tử" Samsung có cơ hội trở về giữ chức chủ tịch tại gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc. Vị trí này đã bị bỏ trống 2 năm kể từ khi cha ông qua đời.

Bloomberg đưa tin theo thông báo của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, lệnh ân xá của Tổng thống Yoon Suk-yeol cho "thái tử" Samsung Lee Jae-yong sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8.

Trước đó, ông Lee Jae-yong bị kết án 30 tháng tù trong vụ hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye và được ra tù trước thời hạn hồi tháng 8 năm ngoái.

Với cơ hội ân xá, ông Lee có thể tham gia lại vào hội đồng quản trị của Samsung và tham gia các cuộc đàm phán của công ty tại nước ngoài. Việc ân xá cũng sẽ mở đường để ông Lee về giữ chức chủ tịch của tập đoàn công nghệ này. Vị trí đã bị bỏ trống từ khi cha của ông qua đời năm 2020.

pho chu tich Samsung anh 1

Ông Lee Jae-yong bên ngoài Tòa án Trung tâm quận Seoul, Hàn Quốc vào tháng 1. Ảnh: Bloomberg.

Samsung thiếu người lãnh đạo

Dù được tạm tha vào tháng 8 năm ngoái, hồ sơ tội phạm vẫn hạn chế "thái tử" Samsung trong các hoạt động kinh doanh. Thời hạn án tù của ông Lee là ngày 29/7, nhưng ông cần được ân xá để khôi phục các quyền của bản thân. Nếu không được hưởng ân xá, ông Lee sẽ bị giới hạn làm việc trong 5 năm kể từ khi mãn hạn tù.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng liên tục và chuỗi cung ứng của các tập đoàn tại Hàn Quốc liên tiếp bị gián đoạn do chính sách zero-Covid tại Trung Quốc.

Ngoài ra, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ sản xuất chất bán dẫn cũng gây áp lực lên kế hoạch hoạt động dài hạn của Samsung - vốn là công ty chủ đạo cho ngành này tại Hàn Quốc.

Sau tin tức ông Lee được ân xá, cổ phiếu của Samsung đã tăng 1,3%.

pho chu tich Samsung anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong trong chuyến thăm đến nhà máy công ty tại Pyeongtaek hồi tháng 5 - sau khi ông Lee được tạm tha. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong-hoon cho biết ông Lee được ân xá và khôi phục các quyền để có cơ hội "góp phần khắc phục khủng hoảng kinh tế" của đất nước.

Trước đó, Samsung đã đưa ra thông báo rằng tập đoàn này cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các căng thẳng chính trị, tình hình lạm phát và nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng. Tập đoàn cũng khẳng định rằng mục tiêu tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 là rất thách thức.

Ông Park Ju-gun, Giám đốc bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp tại Leaders Index, cho rằng Samsung đang rơi vào khủng hoảng vì "đã đánh mất hai thế mạnh là dẫn đầu công nghệ và quản trị tập đoàn".

"Không có người lãnh đạo để đưa ra các quyết định phù hợp khiến Samsung mất đi vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp chất bán dẫn", ông Park nói thêm.

Chính vì vậy, lần trở lại này của ông Lee được hi vọng là sẽ thúc đẩy các quyết định chiến lược cho tập đoàn, không chỉ bao gồm các thương vụ làm ăn mà còn cả cải cách bộ máy quản trị.

Lèo lái tập đoàn

Cuối năm 2020, Samsung đưa thông báo về sự ra đi của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, người đã xây dựng Samsung thành đế chế công nghệ hàng đầu Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun Hee, ông Lee Jae-yong, được coi là người nắm giữ vai trò quan trọng trong kỷ nguyên mới của tập đoàn điện tử tiêu dùng Hàn Quốc.

Theo Reuters, một số người nhận xét ông Lee Jae-yong không có khả năng và phong thái lãnh đạo như cha mình. Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong Samsung cho rằng sự trầm lắng, điềm đạm của "thái tử" che giấu quyết tâm vững vàng bên trong.

Không có người lãnh đạo để đưa ra các quyết định phù hợp khiến Samsung mất đi vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp chất bán dẫn

Ông Park Ju-gun, Giám đốc bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp tại Leaders Index

Những người thân thiết nhận xét chính sự nhạy bén trong kinh doanh của vị phó chủ tịch đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi của gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Hàn Quốc.

"Ông ấy rất nhạy bén và thấu đáo. Ông Lee cũng có công lớn trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, chẳng hạn như việc Samsung chuyển từ sử dụng LCD sang OLED", một vị giám đốc điều hành của Samsung tiết lộ.

Mặc dù chưa có quyết định chắc chắn rằng ông Lee sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch, đa số người dân Hàn Quốc vẫn thấy quyết định ân xá là một quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, các vụ án liên quan đến vấn đề pháp lý khác của ông Lee vẫn đang tiếp tục được điều tra. Ông Lee sẽ bị truy tố riêng biệt về vụ việc sáp nhập các công ty con và sẽ tham dự các phiên điều trần liên quan đến vụ việc.

Gia đình cố chủ tịch Samsung thế chấp 13 tỷ USD cổ phiếu để trả thuế

Theo Bloomberg, kể từ tháng 4, người thừa kế Samsung Jay Y. Lee và gia đình đã thế chấp một phần số cổ phiếu của họ tại các công ty thuộc tập đoàn, bao gồm Samsung Electronics.

Áp lực lớn của phó chủ tịch Samsung sau khi ra tù

Sau khi ra tù, Phó chủ tịch Lee Jae-yong cần phải đưa ra những quyết định lớn, xoay chuyển tình thế của Samsung để chứng minh việc được trả tự do sớm là chính đáng.

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm