Trị giá của số cổ phần này lên tới hơn 13 tỷ USD. Phần lớn cổ phiếu của Samsung được thế chấp để khoản thuế thừa kế trị giá hơn 12.000 tỷ won (10,1 tỷ USD).
Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee qua đời vào năm ngoái. Là biểu tượng của giới kinh doanh, ông Lee nắm giữ khối tài sản 20,1 tỷ USD.
Theo Forbes, ông từng là người giàu nhất đất nước 50 triệu dân và xếp hạng 75 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2020.
Kể từ tháng 4, người thừa kế Samsung Jay Y. Lee và gia đình đã thế chấp một phần số cổ phiếu của họ tại các công ty thuộc tập đoàn. Ảnh: Reuters. |
Có thêm thời gian trả thuế
Ông Lee để lại khối gia tài khổng lồ dưới nhiều loại hình tài sản như chứng khoán và bất động sản. Khối tài sản này sẽ được chia cho gia đình và các con ông, sau khi những người thừa kế nộp đủ thuế thừa kế theo đúng luật pháp Hàn Quốc.
Gia đình ông Lee sẽ phải trả hơn 10,78 tỷ USD thuế thừa kế, theo Reuters. Đó là một trong những khoản thuế thừa kế lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Hồi tháng 4, những người thừa kế của ông cho biết sẽ trả thuế làm 6 đợt trong vòng 5 năm.
Đó là cách tốt nhất để gia đình Samsung trả khoản thuế khổng lồ. Cách dễ nhất là bán cổ phần đi để lấy tiền mặt. Nhưng họ không muốn giảm tỷ lệ sở hữu. Việc thế chấp cổ phiếu để trả thuế sẽ không ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của họ
Ông Chung Sun-sup, CEO hãng phân tích doanh nghiệp Chaebul.com
"Đó là cách tốt nhất để gia đình Samsung trả khoản thuế khổng lồ", ông Chung Sun-sup - CEO hãng phân tích doanh nghiệp Chaebul.com - bình luận.
"Cách dễ nhất là bán cổ phần đi để lấy tiền mặt. Nhưng họ không muốn giảm tỷ lệ sở hữu. Việc thế chấp cổ phiếu để trả thuế sẽ không ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của họ", ông giải thích.
Tại Hàn Quốc, thuế thừa kế có thể lên tới 60%. Do đó, cách làm của gia đình Samsung tương đối phổ biến với giới nhà giàu nước này.
Đối với việc trả thuế làm nhiều lần, luật pháp Hàn Quốc yêu cầu tài sản đảm bảo có trị giá bằng 120% thuế, được tính dựa trên giá cổ phiếu vào cuối phiên trước khi thỏa thuận được đưa ra.
Quyền kiểm soát Samsung của người thừa kế Jay Y. Lee được củng cố sau cái chết của cha ông. Ông Jay Y. Lee đã thế chấp 96% cổ phần của mình tại Samsung C&T, Samsung Electronics và Samsung SDS.
Thế chấp để vay ngân hàng
Mẹ ông Lee, bà Hong Ra-hee và các em gái Seo-hyun, Boo-jin cũng thế chấp một số tài sản, bao gồm một phần cổ phần trong Samsung Life Insurance Co.
Ngoài ra, bà Hong và các em gái của ông Lee còn thế chấp thêm 2,6 tỷ USD cổ phiếu để vay tiền từ những tổ chức tài chính, theo hồ sơ.
Việc thế chấp cổ phiếu sẽ không ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của gia đình Chủ tịch Samsung. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu giảm, các yêu cầu ký quỹ có thể buộc họ phải bán một phần cổ phiếu trong những công ty con.
"Việc thế chấp cổ phiếu để vay tiền ngân hàng có thể là một yếu tố rủi ro, làm gia tăng lo ngại về quyền sở hữu", ông Hwang Sei-woon - nhà nghiên cứu tại Korea Capital Market Institute - cảnh báo.
"Các điều kiện thị trường có thể ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu đảm bảo. Tác động tiềm tàng là làm giảm tỷ lệ sở hữu", ông nói thêm.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã qua đời vào năm ngoái. Ông từng nắm giữ khối tài sản 20,1 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Giá cổ phiếu Samsung Electronics đã giảm 7,7% trong năm nay, tiến tới mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ 2018. Nguyên nhân chủ yếu là mối lo ngại về việc giá chip nhớ lao dốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn lạc quan về cổ phiếu này và dự báo đà hồi phục. Theo nhà phân tích Masahiro Wakasugi của Bloomberg Intelligence, nhu cầu chip có thể tăng lên nhờ điện thoại 5G và công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, ông Jay Y. Lee hiện sở hữu 8 tỷ USD sau khi trừ đi số cổ phiếu đã thế chấp. Phó chủ tịch Samsung Electronics bị kết án tù vì hối lộ nhưng được ân xá hồi tháng 8. Ông đã mất vị trí người giàu nhất Hàn Quốc vào tay ông Brian Kim - nhà sáng lập Kakao Corp.
Trong nhóm 500 người giàu nhất thế giới được Bloomberg theo dõi, ông Jay Y. Lee chỉ đứng sau nhà sáng lập Oracle Larry Ellison về số cổ phiếu thế chấp. Trị giá cổ phiếu thế chấp của ông Ellison lên tới 29 tỷ USD.