Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người tình của Brecht' vẫn ám ảnh

Đã có một độ lùi thời gian nhất định, nhưng với lối viết giản tiện và giàu chất thơ, tiểu thuyết "Người tình của Brecht" của Jacques-Pierre Amette vẫn còn ít nhiều hấp dẫn.

Nhà văn Jacques-Pierre Amette và tác phẩm "Người tình của Brecht".

Đã gần hai mươi năm từ khi tiểu thuyết Người tình của Brecht được trao giải Goncourt, giải thưởng danh giá nhất dành cho tiểu thuyết ở Pháp. Độ lùi thời gian đã khá lâu mà một số hội nhóm những người mê sách văn chương vẫn săn tìm, nhất là ấn bản của Nhà xuất bản Văn học năm 2004.

Tác phẩm lấy cảm hứng những năm cuối đời của thi sĩ - nhà soạn kịch lừng danh người Đức Bertolt Brecht khi ông trở về Cộng hòa Dân chủ Đức, vào tháng 10/1948 sau hơn mười lăm năm sống “lưu đày”.

Sự kiện có thật này là ngọn nguồn cho tiểu thuyết gia hư cấu nên câu chuyện về Maria Each, nữ diễn viên đẹp, người tình của Brecht. Cô nàng mảnh dẻ với nước da hơi xám luôn tỏ ra bí ẩn mà Brecht cho là “một người không có số phận”. Đứa con gái nhỏ của Maria bị kẹt lại phía tây Berlin cùng bà mẹ già của cô. Người cha và chồng cô đang phải trốn chui trốn nhủi vì theo chủ nghĩa quốc xã.

Sau diễn văn chào mừng, sâm panh, hoa hồng và những tràng pháo tay của quan khách ngành văn hóa Đông Đức dành cho nhà viết kịch vừa trở về là sự hoài nghi. Người ta cần biết rõ về sự trở về của ông. Ông ta về để “dạy dỗ lại đứa trẻ”, cách ông ám chỉ tình cảnh của nước Đức, hay là điệp viên của phương Tây cài cắm? Phải chăng Brecht đã thay đổi sau nhiều năm rời xa nước Đức? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra cho giới an ninh mật Đông Đức, tổ chức Stasi. Maria được lựa chọn làm điệp viên luôn ở bên Brecht theo dõi mọi động tĩnh và báo lại cho thượng cấp.

Nhan đề tiểu thuyết dễ khiến người đọc nghĩ đến một thiên tình sử lãng mạn nhưng lại được kể bằng một giọng tường thuật sắc lạnh mà đầy hình ảnh. Kết cấu của tiểu thuyết dễ gợi về một kịch bản điện ảnh hoàn chỉnh có ba phân đoạn chính với những thay đổi trong quãng đời của Maria ở bên Brecht và khi cô đào thoát sang phía tây Berlin. Có thể gọi đó là ba chương chính của tác phẩm.

Phần “Đông Berlin 1948” bắt đầu khi Brecht trở về Đông Đức. Maria nhận làm điệp viên cho cơ quan an ninh và nảy nở mối tình thầm kín giữa cô và thượng cấp Hans Trow.

Chương “Buckov 1952” là chuyến nghỉ hè của Maria cùng gia đình Brecht ở Buckov, giai đoạn buồn thảm nhất trong quãng thời gian Maria ở bên Brecht. Cô luôn sống trong những dằn vặt về việc không thể thổ lộ tình cảm với Hans mà chỉ ước rằng nếu có một hòn đảo, cô sẽ sống cùng người đàn ông này, dù chỉ một tuần bên nhau cũng đủ.

Chương “Tây Berlin 1952” là quãng thời gian sau khi Maria đào thoát sang Cộng hòa Liên bang Đức. Ở đây cô phải đối mặt với những cuộc thẩm vấn của một viên đại úy người Mỹ và nhận tin người chồng theo chủ nghĩa quốc xã của cô đã chết ở Bồ Đào Nha. Rồi bức tường Berlin dựng lên chia cắt nước Đức thành hai phần khác biệt. Sau này, Maria cùng con gái trải qua những ngày êm đềm ở phía bắc nước Đức.

Như nhận định của người dịch Song Kha, văn của Amette trong Người tình của Brecht đã đạt đến một sự giản dị đến mức vô sắc. Có những đoạn tác giả phác ra một khung cảnh chuyển mùa chỉ bằng vài con chữ: “Bên ngoài, trời mưa, tuyết tan”, trang 46. “Brecht yêu ngôi nhà này, bao quanh bởi thông, hồng dại, hồ nước xám, lối đi, những ghế băng cũ, hồ xám”, trang 143.

Bút phản giản lược, tác giả đã phác nên khung cảnh hoang tàn của Đông Đức sau Thế chiến II cùng bầu không khí nghi kỵ của phần phía Tây khi người Mỹ chiếm đóng. Và cả mối tình câm lặng giữa hai con người bị không khí ngột ngạt đó đè nén.

Người đọc được thư giãn khi tác phẩm khép lại, Maria mở cửa căn nhà với “mảnh vườn tỏa hương thơm”, trang 270.

Đã có một độ lùi thời gian nhất định. Đã có thay đổi về thị hiếu của người đọc. Nhưng Người tình của Brecht với lối viết giản tiện tài tình vẫn neo lại ở tâm trí người đọc như một bản nhạc đa sắc thái.

Hiệu sách cuối cùng ở London

"Hiệu sách cuối cùng ở London" là cuốn tiểu thuyết xúc động lấy cảm hứng từ những hiệu sách còn sót lại sau cuộc oanh kích của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ II.

Napoleon thuở nhỏ - cậu bé nói tiếng Pháp ngọng

Thời đi học, Pháp văn của Napoleon không tốt, chữ viết không đẹp, nhưng được đánh giá là có tư chất, sáng dạ.

https://daibieunhandan.vn/van-hoa/doc-sach-nguoi-tinh-cua-brecht-van-am-anh-i305115/

Hữu Vi / Đại biểu nhân dân

Bạn có thể quan tâm