Với Hiệu sách cuối cùng ở London, Madeline Martin mang tới câu chuyện hấp dẫn về ý chí con người, tình yêu sách và tinh thần đoàn kết tại London trong Thế chiến thứ II, đặc biệt là trong giai đoạn Blitz kinh hoàng.
Blitz (7/9/1940 - 11/5/1941) là chiến dịch ném bom của Đức nhằm vào nước Anh. Thuật ngữ này được báo chí Anh sử dụng đầu tiên và có nguồn gốc từ thuật ngữ Blitzkrieg, tiếng Đức có nghĩa là “chiến tranh chớp nhoáng”.
Bối cảnh này dẫn độc giả theo chân người dân Anh đương đầu với những trận ném bom không ngớt, bị buộc phải trú ẩn trong điều kiện hoang tàn, đổ nát và chết chóc.
Một khung cảnh trong thời kỳ Blitz tại Anh. Ảnh: historic-uk. |
Niềm hy vọng le lói trong thời khắc u ám
“Tin tức về các khu vực bị đánh bom tràn ngập trên báo chí. Mọi thông tin đều đã được kiểm duyệt hoặc đưa ra một tuyên bố đại khái về thảm kịch nếu họ không biết viết gì. Những bài viết cũng nhắc nhở các bậc cha mẹ London rằng họ có thể đưa con cái mình về nước mà không tốn bất cứ chi phí nào”, trích Hiệu sách cuối cùng ở London.
Cuốn sách bao trùm trong bầu không khí căng thẳng, với nỗi sợ về cái ác rình rập của phát xít Đức, nhưng đây đó, luôn le lói những tia sáng hy vọng. Madeline Martin khắc họa cùng lúc bức tranh toàn cảnh thời kỳ lịch sử khắc nghiệt và câu chuyện nhỏ le lói trong đó, xoay quanh cô gái Grace Bennett.
Grace Bennett lần đầu tới London, nhưng những mơ mộng, ước vọng cô dành cho thành phố này bị vỡ vụn trước khung cảnh hoang tàn, gấp rút chuẩn bị cho chiến tranh. Những hầm trú ẩn, những tấm rèm chắn sáng cô thấy trên đường khiến cô lo lắng.
Để kiếm thêm tiền trang trải, Grace tới làm việc tại hiệu sách Đồi Primrose. Vốn không phải là người được đọc nhiều sách, cô chỉ định làm tại Đồi Primrose 6 tháng rồi xin thư giới thiệu và chuyển sang làm việc cùng cô bạn thân.
Chiến tranh nổ ra trong quãng thời gian Grace làm việc tại hiệu sách. Quân đội Đức ném bom khắp thành phố London, để lại đống đổ nát và hàng nghìn xác người.
Sách Hiệu sách cuối cùng ở London. Ảnh: Minh Hùng. |
“Dưới ánh sáng ban ngày, mùi vị quen thuộc của chiến tranh như đấm thẳng vào Grace, quét sạch sẽ mọi niềm vui. Những đống gạch vụn và kính vỡ vương vãi trên con đường ngay trước lối vào được dọn dẹp tinh tươm của khách sạn. Trong các tòa nhà xung quanh, vài ngọn lửa vẫn bập bùng cháy, mùi dầu nồng nặc trong không khí báo hiệu có hỏa hoạn”, trích Hiệu sách cuối cùng ở London.
Thời gian làm việc tại hiệu sách biến Grace thành một người yêu sách, dần dần, cô đem tình yêu sách đó lan tỏa tới mọi người. Trong những đợt giới nghiêm, những đêm mưa bom bão đạn, cô đã khám phá ra sức mạnh của đọc sách. Những cuốn sách có khả năng giúp người ta phân tâm khỏi hiện thực đen tối của chiến tranh, gắn kết cộng đồng.
Mỗi khi Grace đọc sách cho mọi người nghe là một lần cô đưa họ vào “một thế giới vắng bóng bom đạn”. Những cuốn sách soi tia sáng hy vọng trong cả những thời khắc đen tối nhất.
“Trong một thế giới giống như thế giới của họ, với những con người tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu, với biết bao câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần kiên cường và chiến thắng thì niềm hy vọng sẽ luôn luôn còn mãi”, trích Hiệu sách cuối cùng ở London.
Minh chứng cho sức mạnh của văn chương
Tác phẩm có phần làm độc giả nhớ tới Kẻ trộm sách của Markus Zusak - một tác phẩm kinh điển viết về câu chuyện trong Thế chiến II.
Hiệu sách cuối cùng ở London mang lại những cảm xúc khác, mang lại hơi thở riêng của thủ đô nước Anh. Nhưng điểm chung của Hiệu sách cuối cùng ở London và Kẻ trộm sách chính là ở thông điệp về sức mạnh của sách, sức mạnh của ngôn từ.
Nhân vật Grace Bennett tìm thấy ở những trang sách tình yêu mới cho văn chương, tình yêu mới cho con người. Bản thân cô cũng được một người đọc khác truyền cho tình yêu này. Người đó chính là chàng George đẹp trai, tốt bụng.
George đã giới thiệu cô tới thế giới của con chữ với cuốn tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo. Grace đã mang theo thứ tình yêu đặc biệt này, để rồi lan tỏa tới mọi người xung quanh trong những lúc hiểm nghèo.
Nhà văn Madeline Martin. Ảnh: Madeline Martin. |
Hiệu sách cuối cùng ở London sáng rực với tình cảm nhân văn. Đó là tình yêu đôi lứa, tình yêu văn chương, tình cảm gia đình và bạn bè, tình đoàn kết trong một cộng đồng và tình yêu đất nước.
Nhờ những tình cảm đó mà hiệu sách Đồi Primrose đã chống chọi được sau lần hứng chịu bom đạn của Đức quốc xã, để vẫn đứng vững và trở thành hiệu sách cuối cùng ở London.
Nhận xét về tác phẩm, tờ USA Today viết: “Hiệu sách cuối cùng ở London là câu chuyện xuất sắc viết về tình yêu, tình bạn và sự sống còn dựa trên bối cảnh thành phố London trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp này của Madeline Martin là bức thư tình sâu lắng gửi đến chính những người yêu sách và các hiệu sách, nó đồng thời minh chứng cho sức mạnh của văn chương có thể đưa chúng ta vượt qua quãng thời gian u ám nhất”.
Nhà văn Karen Robards thì nhận định rằng cuốn tiểu thuyết viết về London trong Thế chiến II đầy mới mẻ này đưa Madeline Martin lên đứng cùng những nhà văn viết tiểu thuyết hàng đầu hiện nay.
Cũng như cách những cuốn sách được mô tả trong tác phẩm, tiểu thuyết của Madeline Martin mang lại trải nghiệm đọc ấm áp, giàu xúc cảm, gợi nhắc người ta về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Nhà văn Madeline Martin từng lọt vào danh sách tác giả bán chạy của New York Times và USA Today. Là một người yêu thích và dành trọn thời gian nghiên cứu lịch sử, các tác phẩm của bà cũng thường đặt bối cảnh lịch sử, khai thác những câu chuyện trong quá khứ.