Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Sudan hồi hương và những tay súng bắn tỉa ập tới

Nhiều người từng quay lại Sudan sau chính biến năm 2019 với hy vọng về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, 2 vị tướng tranh giành quyền lực đang khiến họ một lần nữa rời đất nước.

giao tranh o sudan anh 1

Lúc đó là nửa đêm, nhưng Mawahib Mohammed đi tắm. Đây là lần đầu tiên bà tắm sau một tuần. Khi bước ra khỏi phòng tắm, bà vẫn cảm thấy chưa sạch sẽ, nên ngay lập tức tắm thêm 4 lần nữa.

Bà là một trong số hàng nghìn người Sudan vượt biên qua Ai Cập trong những tuần gần đây. Mohammed gần như không ngủ trong 6 ngày và chỉ sử dụng phòng tắm đúng một lần. Trên hành trình đó không có nhà vệ sinh đúng nghĩa.

Từ Dubai trở về thủ đô Khartoum của Sudan bốn năm trước, người phụ nữ 47 tuổi đã hình dung điều gì đó khác biệt: Giúp xây dựng một xã hội dân chủ. Tuy nhiên, trong tuần qua, bà và gia đình đã chạy trốn khỏi đất nước khi Sudan đứng trên bờ vực nội chiến.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ rời đi một lần nữa”, bà nói hôm 4/5.

Hơn 52.000 người Sudan và gần 4.000 người nước ngoài đã vượt biên sang Ai Cập kể từ khi xung đột bùng nổ. Theo New York Times, Ai Cập là quốc gia có chung ngôn ngữ cùng mối quan hệ lịch sử và văn hóa sâu sắc với Sudan. Hầu hết người vượt biên đều có tài chính khá giả và tiêu những đồng tiền cuối cùng trong hành trình về phía bắc.

Các quan chức Ai Cập và Liên Hợp Quốc lo ngại làn sóng ngày càng lớn người tị nạn Sudan sẽ đổ vào nước láng giềng phía bắc, khi hết lần này đến lần khác lệnh ngừng bắn đổ vỡ và giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt.

Kế hoạch B là gì?

Chính phủ Ai Cập đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với những người từ Sudan.

Họ miễn thị thực cho phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi, đồng thời gửi thêm các chuyến tàu và xe buýt đến Aswan - thành phố lớn gần biên giới nhất - đưa người tị nạn di chuyển sâu hơn vào lãnh thổ nước này. Người dân Ai Cập cũng chào đón và tìm chỗ ở, thức ăn cho người từ Sudan.

Tuy nhiên, các quan chức lo ngại về viễn cảnh trong tương lai, với những chuyến xe buýt chở nhóm tị nạn nghèo khó hơn. Ngay cả những người đầu tiên tương đối khá giả đặt chân lên đất Ai Cập cũng không biết họ sẽ làm gì tiếp theo.

Mahmoud Abdelrahman - 35 tuổi, tình nguyện viên người Canada gốc Sudan - đã tạm dừng kỳ nghỉ ở Cairo để tới Aswan hỗ trợ người tị nạn. “Mọi người đang cố gắng tìm ra kế hoạch B”, anh nói.

Xe buýt chở bà Mohammed cùng chồng Mohammed Hashim (48 tuổi) và ba cậu con trai - Firas (14 tuổi), Hashim (11 tuổi) và Abdallah (6 tuổi) - tới Aswan vào khoảng 1h sáng 4/5.

Đối với họ và những người tị nạn khác, đây là hành trình khó khăn. Tài xế và nhân viên tại trạm xe buýt Aswan cho biết vé xe buýt ở Sudan đắt hơn năm lần so với mức trước giao tranh.

Lớn lên ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, bà Mohammed trở lại Khartoum để học ngành y và gặp chồng tại đây. Bà làm việc cho Liên Hợp Quốc trong chiến dịch chống lại bệnh viêm gan ở Sudan. Họ quay lại UAE trước khi Hashim và Abdallah chào đời.

Cuộc sống tại UAE an toàn và dễ dàng hơn. Khi đó, Sudan vật lộn dưới lệnh trừng phạt và có những hạn chế về trang phục, hành vi.

giao tranh o sudan anh 2

Gia đình bà Mawahib Mohammed trên đường đến nhà ga xe lửa ở Aswan tới Cairo (Ai Cập) hôm 4/5. Ảnh: New York Times.

Sau chính biến năm 2019, bà cùng các con trở về Sudan trong khi ông Hashim ở lại Dubai. Họ muốn con cái tìm hiểu về cội nguồn và gắn tương lai với Sudan.

Tuy nhiên, khi hai người đàn ông tranh giành quyền lực, bạo lực đã nổ ra.

Ông Hashim về nhà trong tháng lễ Ramadan. Khi ngày lễ Eid đến gần, những tay súng bắn tỉa chiếm lấy khu phố của họ. Một viên đạn rơi ngay dưới chân họ khi cả gia đình ra ngoài xem chuyện gì đang xảy ra.

Họ và hàng xóm chia sẻ thức ăn với nhau. Khi điện bị cắt, máy phát điện chỉ bơm nước cho tòa nhà trong một giờ/ngày. Tiếng súng và tiếng nổ liên tục lớn tới nỗi một tuần sau khi rời đi, bà Mohammed vẫn không thể nghe rõ.

Cả gia đình ở lại vì không muốn bỏ lại những người thân già yếu và bệnh tật. Tuy nhiên, khi Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) cướp phá một ngân hàng gần tòa nhà họ, họ quyết định phải rời đi.

Các trạm xăng và xe buýt tăng giá chóng mặt, trong khi thẻ tín dụng không hoạt động. Họ vay tiền mặt từ bạn bè để mua xăng, sau đó mua vé xe buýt đến Ai Cập. Họ mất khoảng 18 tiếng đi từ Khartoum đến thị trấn biên giới Wadi Halfa, qua sáu trạm kiểm soát được canh gác bởi những người có vũ trang.

Ở Halfa, họ nhận giấy hộ chiếu khẩn cấp và đợi năm ngày để bắt xe buýt đến Aswan. Tiền gần như vô giá trị. Ông Hashim và các con ngủ trên đường phố, còn bà Mohammed ngủ trên xe buýt. Cuối cùng, họ tìm được phòng khách sạn ngủ chung với gần 30 người khác.

Sáu ngày sau khi rời Khartoum, họ băng qua biên giới, đi phà trên mặt hồ Nasser. Aswan nằm cách đó vài giờ đi xe buýt.

Lại bắt đầu một cuộc sống mới

Một số lượng không xác định người tị nạn Sudan vẫn đang đợi trên xe buýt vào Ai Cập, mặc dù hoạt động đã chậm lại trong những ngày gần đây, khi Khartoum chỉ còn những người không đủ khả năng để tháo chạy.

Một số người không thể rời khỏi đất nước, dù là đến Ai Cập, Ethiopia, Chad hay băng qua Biển Đỏ đến Ả Rập Saudi, nên họ đang hướng tới những khu vực khác ở Sudan.

Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập đang cung cấp viện trợ nhân đạo và chăm sóc y tế ở phía biên giới nước này. Tuy nhiên, ở phía Sudan, thức ăn, nước uống và nhà vệ sinh khan hiếm, trong khi nhiệt độ thường lên tới 37,7 độ C. Một số người đã chết trong khi chờ đợi trên sa mạc.

giao tranh o sudan anh 3

Mọi người nghỉ ngơi và chờ đợi trong lều trên đường đến Ai Cập qua biên giới Qustul, tại thành phố Wadi Halfa (Sudan) hôm 1/5. Ảnh: Reuters.

Tài xế Nader Abdallah Hussein (51 tuổi) cho biết các băng đảng có vũ trang cũng săn lùng những người chờ băng qua biên giới. Dẫu vậy, tình hình ở biên giới đã được cải thiện so với những ngày đầu khi một số người tị nạn chờ đợi nhiều ngày liền.

Trong số đó có Allia Amin (32 tuổi), em gái Hanaa Abdelwahed (24 tuổi) và dì Sara Saleh (39 tuổi). Họ trải qua gần một tuần mắc kẹt ở biên giới, ngủ ở nơi hoang vắng, ăn chà là khô từ dân làng địa phương và uống nước trực tiếp từ sông Nile giữa cái nắng như thiêu đốt.

Họ vốn dĩ không có ý định chạy sang Ai Cập. Trong lúc hỗn loạn, họ đi theo những người dồn lên xe buýt, không mang gì theo ngoài những chiếc váy và một ít tiền.

Họ mất liên lạc với các con, cũng như không biết gì về tung tích của chồng. “Nhưng ưu tiên là nghe tin về bọn trẻ. Các ông chồng xếp thứ 2”, cô Amin nói.

Một số người tị nạn, như Amin và Abdelwahed, dự định ở lại Aswan và tìm việc làm. Những người giàu có hơn, như gia đình bà Mohammed, đang tiếp tục hành trình.

Chiều 4/5, gia đình bà Mohammed lại chờ đợi, lần này là ở quán cafe gần ga xe lửa Aswan, nơi họ bắt chuyến tàu kéo dài 13 giờ tới Cairo. Họ đã tìm được một căn hộ thông qua bạn bè, và bắt đầu cuộc sống mới, dù ở Cairo, Dubai hay bất cứ nơi nào.

Ngay trước khi lên tàu, bà Mohammed nhận được một cuộc gọi. Người thân nói nhóm của RSF đã cướp phá căn hộ của họ ở Khartoum. Cả nhà đã để lại những tài liệu quan trọng, đồ trang sức và đồ điện tử. Bà thở những hơi ngắn và gấp gáp.

“Ơn trời”, bà nói, nhấc balo của Abdallah lên tàu.

Ngân hàng Trung ương Sudan ở Khartoum chìm trong lửa Video được công bố ngày 1/5 cho thấy một chi nhánh của Ngân hàng Trung ương Sudan tại thủ đô Khartoum bốc cháy, trong bối cảnh giao tranh tại đất nước tiếp diễn.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Nguyên liệu sản xuất quan trọng 'mắc kẹt' trong khủng hoảng Sudan

Xung đột Sudan đã làm gián đoạn nguồn cung gum arabic - nguyên liệu rất quan trọng sản xuất nước giải khát, thanh socola, rượu vang đỏ và nhiều sản phẩm thông dụng khác.

'Tấm vé vàng' để thoát khỏi Sudan

Một số người Sudan cảm thấy mình may mắn hơn nhiều cá nhân khác, khi có thể lên tàu sơ tán của Saudi Arabia nhờ sinh ra ở quốc gia Trung Đông này và có giấy phép cư trú hợp pháp.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm