Nhiều thực phẩm bị SFA thu giữ. Ảnh: Cơ quan Thực phẩm Singapore. |
Bà Mei Hua, quốc tịch Trung Quốc, đã bị phạt 12.000 SGD (9.000 USD) vào ngày 8/5 vì nhập khẩu trái phép 101,45 kg sản phẩm thịt các loại và 73,65 kg thực phẩm đã chế biến, sau cuộc điều tra của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), CNA đưa tin.
Các sản phẩm được bà Hua nhập lậu vào Singapore còn có tiết vịt, tiết lợn, bánh kếp và hạt hướng dương, SFA cho biết trong một thông cáo báo chí.
Trước đó, nhân viên Cơ quan Kiểm soát và Nhập cư Singapore phát hiện gần 180 kg sản phẩm thịt các loại và thực phẩm đã qua chế biến trong quá trình soi chiếu một container vào ngày 27/1/2022, sau khi phát hiện điểm bất thường.
Straits Times cho biết bà Hua, một giáo viên trông trẻ, không có giấy phép từ SFA để nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm này, vốn được khai báo là “đồ chơi và quần áo”.
Cơ quan này cho biết nhiều sản phẩm thịt đã được nhập khẩu mà không có giấy phép hợp lệ, trong khi thực phẩm đã qua chế biến lại không được khai báo. SFA cho biết các lô hàng bất hợp pháp đã bị tịch thu và tiêu hủy.
Bên cạnh đó, cơ quan này nhấn mạnh thực phẩm nhập khẩu vào Singapore phải đáp ứng các yêu cầu của nước này. Thực phẩm nhập khẩu bất hợp pháp từ các nguồn không rõ ràng có thể gây ra rủi ro về an toàn thực phẩm, cơ quan này cho biết thêm.
“Thực phẩm chỉ có thể được nhập bởi các nhà nhập khẩu được cấp phép. Mọi lô hàng phải được khai báo và kèm theo giấy phép nhập khẩu hợp lệ”, SFA nhấn mạnh.
Theo SFA, các sản phẩm thịt chỉ có thể được nhập khẩu từ nguồn được công nhận tại những quốc gia đã được phê duyệt tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu về an toàn thực phẩm của Singapore.
Những cá nhân nhập lậu các sản phẩm thịt từ những nguồn gốc không được phê duyệt có thể bị phạt 50.000 SGD, phạt tù lên đến hai năm hoặc cả hai. Những người nhập khẩu bất hợp pháp thực phẩm đã qua chế biến có thể bị phạt 1.000 SGD.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.