Cuộc tranh giành quyền lực giữa 2 tướng lĩnh hàng đầu Sudan đã cướp đi sinh mạng hơn 500 người, hàng nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người di tản.
Giao tranh tại quốc gia châu Phi này cũng gây ra một hệ quả khác: Làm tắc nghẽn nguồn cung gum arabic. Khoảng 70% nguồn cung gum arabic trên thế giới tới từ cây keo ở vùng Sahel tại quốc gia lớn thứ ba châu Phi.
Gum arabic khô, không mùi, không vị, thường được dùng làm chất ổn định, chất làm đặc và chất nhũ hóa. Gum arabic cũng được dùng trong một số sản phẩm nổi tiếng nhất thế giới, như Coca-Cola, M&Ms và kẹo cao su Orbit, mỹ phẩm và dược phẩm.
Các doanh nghiệp cho biết giao tranh nổ ra tại Sudan hôm 15/4 khiến hoạt động buôn bán gum arabic thô đóng băng ở trong lẫn ngoài nước.
Theo Wall Street Journal, nguồn cung hiện chưa gặp rủi ro khi các công ty phụ thuộc vào nguyên liệu này thường có kho dự trữ lớn bên ngoài Sudan. Tuy nhiên, nhiều người nói giá của gum arabic đã tăng vọt.
“Mối lo hiện hữu là nếu chúng tôi hết gum, chúng tôi sẽ ngừng kinh doanh”, Osama Idris - Tổng giám đốc Morouj Commodities UK - cho biết. “May mắn là chúng tôi có hàng tồn kho ở Anh, nên chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng nếu giao tranh tiếp diễn trong một năm, đó sẽ là vấn đề”.
Giá cả thay đổi từng ngày
Người Sudan khai thác chất có màu hổ phách, sần sùi từ cây keo, sau đó tinh chế và đóng gói trên khắp đất nước. Hàng nghìn người phụ thuộc sinh kế vào ngành này. Theo Gum Sudan, loại đắt tiền có thể có giá tới 3.000 USD/tấn.
Mohamad Alnoor - chủ sở hữu Gum Arabic USA - cho biết việc trồng trọt và thu hoạch chất này, chủ yếu diễn ra ở vùng nông thôn, hiện chưa bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Tuy nhiên, ông nói tình trạng thiếu nhiên liệu và giao tranh ở Khartoum khiến việc vận chuyển gum arabic thô bên trong Sudan hoặc xuất khẩu sang nước khác gần như bất khả thi.
Hầu hết nhà máy chế biến và làm sạch gum arabic, cũng như thị trường chính, đều nằm ở Khartoum và Omdurman, thành phố bên kia sông Nile.
Thành phố Port Sudan bên biển Đỏ - nơi xử lý hầu hết việc xuất khẩu gum arabic - trở thành trung tâm cho hàng nghìn người di tản tới Saudi Arabia.
"Các nhà cung cấp đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhu yếu phẩm do xung đột. Cả người mua và người bán đều không biết khi nào mọi thứ sẽ bình thường trở lại", Jinesh Doshi - Giám đốc điều hành Vijay Bros - cho biết.
Trong khi đó, ông Alnoor - người đang mắc kẹt ở thủ đô - hiện có một chuyến hàng ở Khartoum.
“Chuyến hàng đã sẵn sàng rời đi, nhưng vướng một số thủ tục giấy tờ từ ngân hàng trung ương. Tôi sẽ không rời đi cho đến khi sở hữu hoàn toàn lô hàng này, hoặc ít nhất nó được cất giữ hoặc vận chuyển đến Port Sudan hoặc ở địa điểm an toàn hơn”.
Thương mại toàn cầu về gum arabic được định giá khoảng 363 triệu USD vào năm 2021. Theo Ngân hàng Thế giới, Mỹ nhập khẩu khoảng 20.445 tấn chất này vào năm 2021, tương đương khoảng 66 triệu USD.
Martijn Bergkamp - đối tác tại công ty FOGA Gum của Hà Lan, chuyên nhập khẩu và chế biến gum arabic của Sudan - cho biết những bên sử dụng số lượng lớn nguyên liệu này, như nhà sản xuất nước giải khát và bánh kẹo, thường có hàng tồn kho dùng trong 6-12 tháng.
Phát ngôn viên Nestlé - sử dụng gum arabic làm chất phủ và chất kết dính trong socola và các sản phẩm khác - cho biết công ty chưa gặp bất kỳ vấn đề nào với nguồn cung nguyên liệu này và đã có biện pháp dự phòng nếu nguồn cung tắc nghẽn.
Daniel Haddad - người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại Agrigum - cho biết một số nhà cung cấp địa phương đã báo giá cao hơn 50% so với trước giao tranh, với giá cả dao động từng ngày.
“Nếu chúng tôi báo giá vào thứ sáu, thì tới thứ hai, giá cả đã thay đổi”, ông Haddad cho biết. Ông nói mình không thể có được các thủ tục giấy tờ pháp lý cần thiết để vận chuyển sản phẩm từ Sudan.
Không thể tồn tại nếu không có gum arabic
Theo Reuters, gum arabic phần lớn tìm thấy trong "vành đai gum" trải dài hơn 800 km từ đông sang tây châu Phi, gồm Ethiopia, Chad, Somalia và Eritrea. Chad và Nigeria cũng xuất khẩu gum arabic, dù với số lượng nhỏ hơn nhiều.
Mặc dù các nhà sản xuất mỹ phẩm và in ấn có thể sử dụng chất thay thế, đồ uống có ga không thể dùng nguyên liệu nào khác ngoài gum arabic.
Ông Haddad nói với các công ty như Pepsi hay Coca Cola, "họ không thể tồn tại nếu không có gum arabic trong công thức sản xuất".
Ngoài ra, ông Bergkamp cho biết dù có thể dùng pectin hoặc sợi ngô thay thế trong một số sản phẩm, không nguyên liệu nào sánh được với gum arabic từ Sudan.
Sự phổ biến của gum arabic trong các sản phẩm tiêu dùng cũng có thể làm phức tạp thêm những cuộc thảo luận về biện pháp trừng phạt các bên tham chiến.
“Có rất nhiều công ty buôn bán gum arabic liên quan đến quân đội”, ông Bergkamp nói.
Mỹ từng áp lệnh trừng phạt với Sudan vào những năm 1990 với cáo buộc nhà lãnh đạo lúc bấy giờ Omar al-Bashir hỗ trợ cho các nhóm khủng bố quốc tế, bao gồm cả al Qaeda. Tuy nhiên, Tổng thống lúc đó là Bill Clinton đã tạo ra kẽ hở cho gum arabic.
Ông Bergkamp kỳ vọng dòng xuất khẩu nguyên liệu sẽ nối lại khi 2 vị tướng cần tiền mặt.
“Xuất khẩu gum arabic có thể mang lại USD, và USD thì hỗ trợ mua vũ khí. Vì vậy, dù chưa có hàng xuất khẩu vì giao tranh, ngay khi cần tiền, họ sẽ xuất khẩu và bán gum arabic”, ông kết luận.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Hai tướng Sudan giành giật cứ điểm trước lệnh ngừng bắn
Lực lượng của hai tướng Sudan đều kiểm soát một số cứ điểm then chốt và chưa bên nào có lợi thế thực sự, khi hai bên nhất trí một lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần.
'Tấm vé vàng' để thoát khỏi Sudan
Một số người Sudan cảm thấy mình may mắn hơn nhiều cá nhân khác, khi có thể lên tàu sơ tán của Saudi Arabia nhờ sinh ra ở quốc gia Trung Đông này và có giấy phép cư trú hợp pháp.
Vì sao ông Trump trừng mắt trong bức chân dung mới?
Giữa khoảnh khắc đỉnh cao của chiến thắng và ăn mừng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại trông nghiêm nghị trong bức chân dung mới được công bố trước thềm lễ nhậm chức.