Mới vài tuần trước, Ahmed al-Hassan là sinh viên y khoa ở Sudan thực hiện chiến dịch giúp đỡ những người tị nạn từ nước láng giềng. Khi hai vị tướng đối đầu, giao tranh bùng phát trên đường phố thủ đô Khartoum, anh đã phải tìm cách tháo chạy.
Anh bỏ lại nhà, sách giáo khoa và giấy tờ sinh viên, chỉ nhét những thứ thiết yếu vào vali và balo, cùng mẹ chạy khỏi làn đạn, máy bay chiến đấu và pháo kích, theo New York Times.
Sau 14 giờ đi xe buýt, họ đến thành phố ven biển Port Sudan. Tại đây, hàng nghìn người Sudan và nước ngoài đang đứng chờ với hy vọng lên được thuyền hoặc máy bay rời khỏi đất nước.
Đứng trong hàng người di tản chờ lên tàu đến Saudi Arabia, sinh viên 21 tuổi này cho rằng mình là một trong số ít người may mắn có mối quan hệ giúp anh thoát khỏi cuộc xung đột đang xé toạc Sudan.
Anh sinh ra tại Saudi Arabia và có giấy tờ cư trú hợp pháp, giúp anh và mẹ tiếp cận được đội sơ tán của Saudi Arabia.
“Đây là cơ hội vàng”, al-Hassan nói. “Ở Port Sudan, có rất nhiều người muốn rời đi. Chỉ có 1% cơ hội để điều tương tự xảy ra với tôi”.
Nơi ẩn náu khỏi giao tranh ác liệt
Tại Khartoum hôm 3/5, quân đội Sudan và Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) tiếp tục giao tranh, ngay cả khi phía quân đội tuyên bố đồng ý gia hạn thỏa thuận ngừng bắn, còn RSF khẳng định “cam kết đầy đủ với thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo tuyên bố trước đó”.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi nước láng giềng Nam Sudan thông báo cả hai vị tướng đồng ý ngừng bắn từ ngày 4/5 và sẽ cử đại diện tham gia đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, ngày đàm phán chưa được ấn định và các thỏa thuận trước đó đã sụp đổ.
Ngày 3/5, cư dân Khartoum thức dậy trong tiếng nổ lớn và tiếng súng, khi các máy bay chiến đấu bay vòng quanh thành phố và bắn phá một số mục tiêu ngay từ 5h. Đến trưa, đụng độ vẫn diễn ra tại các khu phố gần sân bay quốc tế.
“Người Sudan đang đối mặt với thảm họa nhân đạo”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói. “Bệnh viện bị phá hủy. Nhà kho nhân đạo bị cướp phá. Hàng triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực”.
Công dân Arab Saudi và các nước khác rời cảng Sudan ngày 22/4. Ảnh: Reuters. |
Hơn 100.000 người đã tháo chạy khỏi Sudan trong vòng chưa đầy ba tuần kể từ khi giao tranh nổ ra. Trong khi đó, hơn 300.000 người di tản trong nước.
Port Sudan, do quân đội Sudan kiểm soát, trở thành nơi ẩn náu khỏi giao tranh ác liệt ở Khartoum.
Saudi Arabia đã cử các tàu hải quân và thương mại thực hiện hơn chục chuyến đi qua biển Đỏ, sơ tán gần 6.000 người cho đến nay, trong đó có dưới 250 công dân nước này.
Đại đa số người sơ tán bằng tuyến đường này không được coi là người tị nạn. Chính phủ Saudi Arabia cho biết họ chỉ có thể tiếp nhận những người có quốc tịch hoặc cư trú hợp pháp, hay có kế hoạch đi du lịch trong tương lai tới quốc gia Trung Đông này.
Khi được hỏi lý do không đưa thêm người Sudan, phát ngôn viên quân đội Saudi Arabia, đại tá Turki al-Maliki, nói nước này đang “nỗ lực tối đa”, nhưng vẫn có một số yêu cầu nhất định. Ông cho biết tại Port Sudan, họ ưu tiên sơ tán người già, phụ nữ và trẻ em.
"Cơ hội thì ít, nhưng người thì nhiều"
Đầu ngày 3/5, những chiếc tàu lai dắt chở đầy người di tản băng qua mặt nước hướng tới các tàu hải quân của Saudi Arabia. Hàng chục người đàn ông, phụ nữ và trẻ em với đôi mắt thẫn thờ lặng lẽ xếp thành hai hàng khi các binh sĩ kiểm tra vali của họ.
Tàu khởi hành là HMS Mecca, với khoảng 200 người. Trong số này có Rihab Mahdi, 45 tuổi, bà mẹ 5 con người Sudan. Họ có suất đi này nhờ người chồng làm nhân viên an ninh nhiều năm cho Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum.
“Cơ hội thì ít nhưng người (muốn rời đi) thì nhiều”, bà nói. Mặc dù cảm thấy may mắn, bà phải vượt qua nỗi buồn khi rời khỏi nhà, bỏ sách vở khỏi balo cậu con trai 7 tuổi, nhét đầy đồ ngủ và một số quần áo khác vào đó.
“Rời xa đất nước, gia đình và bạn bè thật khó khăn”, bà nói.
Người Sudan sơ tán khỏi đất nước sau khi chiến tranh nổ ra. Ảnh: Reuters. |
Saudi Arabia đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực sơ tán khỏi quốc gia châu Phi kể từ khi bạo lực nổ ra vào giữa tháng 4.
Có lượng lớn người Sudan di cư ở Saudi Arabia, trong khi các quan chức Saudi Arabia có mối quan hệ với cả 2 tướng tham chiến, coi sự ổn định của Sudan rất quan trọng với an ninh khu vực.
Ngoài ra, nước này còn thuộc nhóm ngoại giao có 4 thành viên, gọi là Quad, giám sát những nỗ lực đưa Sudan chuyển đổi sang chế độ dân sự.
Nỗ lực sơ tán cũng phù hợp với mục tiêu của Thái tử Mohammed bin Salman, nhằm khắc họa hình ảnh Saudi Arabia như cường quốc toàn cầu đang nổi lên.
“Chào mừng đến với vương quốc của lòng nhân đạo”, thiếu tướng Ahmed al-Dubais nói với nhóm người sơ tán Trung Quốc, Sudan và Saudi Arabia khi họ cập cảng ở Jeddah hôm 3/5.
Khi họ đi qua cầu tàu, các quân nhân Saudi Arabia đã tặng họ hoa hồng. Phát ngôn viên quân đội Saudi Arabia cho biết các tàu sẽ tiếp tục đưa người dân di tản, miễn là hành trình này vẫn an toàn.
Ngay cả khi tháo chạy, sinh viên y khoa al-Hassan cho biết mình vẫn đang nghĩ tới những người kém may mắn hơn, trong đó có cả những người tị nạn Yemen và Syria sống ở Sudan và đứng trước nguy cơ chạy tị nạn một lần nữa.
Chỉ vài tuần trước, anh thực hiện chiến dịch hỗ trợ người tị nạn từ Ethiopia chạy sang Sudan. Giờ đây, anh cảm thấy mình đang gánh trên vai trọng trách lớn hơn nhiều so với tuổi 21 của mình.
“Tôi cảm thấy mình có một gia đình cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Không có súng, không có quyền lực, nhưng tôi tận dụng mọi mối quan hệ quen biết và suy nghĩ xem sơ tán gia đình tới đây bằng cách nào”, anh nói.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.