Mọi chuyện bắt đầu khi Mỹ sơ tán 90 người khỏi thủ đô Khartoum bằng máy bay trực thăng ngay khi Sudan bước sang ngày 23/4.
Vài giờ sau, đoàn xe Liên Hợp Quốc rời khỏi thành phố, bắt đầu hành trình hơn 844 km đến cảng Sudan, trong khi các nhà ngoại giao Anh và Pháp được hộ tống đến sân bay bên ngoài thành phố, nơi các máy bay vận tải quân sự đang chờ sẵn.
Các nhóm khác hướng đến Qadarif - thị trấn nhỏ gần biên giới với Ethiopia. Một chiếc thuyền do Saudi Arabia thuê đã chở các nhân viên ngoại giao qua biển Đỏ.
Sau nhiều nỗ lực ngoại giao không có kết quả khiến 2 vị tướng Sudan đối đầu bạo lực, các nước quyết định theo đuổi chiến thuật khác vào cuối tuần qua: Chạy trốn khỏi một quốc gia - nơi từ lâu được coi là có tầm quan trọng chiến lược - đang rơi vào giao tranh dữ dội.
Tức giận và cảm thấy bị bỏ rơi, một số người Sudan hôm 23/4 đã đả kích các nhà đàm phán phương Tây do quá trình thương lượng sụp đổ thảm hại, dẫn tới điểm nóng cho 2 vị tướng tranh giành quyền lực.
Một số người cho rằng các nước đã đi quá xa trong việc xoa dịu 2 vị tướng, đối xử với họ không khác gì chính khách trong khi thực tế họ lên nắm quyền thông qua chính biến. Số khác lo sợ giờ đây, việc các nhà ngoại giao rời đi có thể tạo ra bước ngoặt thậm chí còn tàn bạo hơn nữa.
Viễn cảnh giao tranh không hồi kết
Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và gần 4.200 người bị thương do giao tranh kể từ ngày 15/4, trong khi 2/3 số bệnh viện đóng cửa. Giá cả tăng cao, thực phẩm khan hiếm và có khả năng khan hiếm hơn nữa khi cuối tuần qua, nhà máy bột mì lớn nhất cả nước đã bị phá hủy. Ngay cả nguồn cung tiền mặt cũng đang cạn kiệt.
Giới ngoại giao tháo chạy trong hoảng loạn là trang lịch sử Sudan không bao giờ muốn lật lại. Bạo lực nhấn chìm Khartoum đã phá vỡ một thế kỷ yên bình ở thủ đô, khi lần cuối cùng nước này trải qua giao tranh ở quy mô như hiện tại là từ thời kỳ thuộc địa.
Trước mắt người dân Sudan là cuộc chiến không hồi kết. Nhiều ý kiến lo ngại xung đột Sudan có thể kéo theo các quốc gia trong khu vực đầy biến động này.
Thủ đô Khartoum đang sụp đổ, và có nguy cơ kéo theo sự đổ vỡ của cả Sudan - quốc gia lớn thứ 3 châu Phi. Các cường quốc nước ngoài đang vội vàng đánh giá lại lập trường đối với Sudan.
Người Mỹ là bên thực hiện chiến dịch giải cứu phức tạp nhất. Họ tìm cách rời đi từ hôm 21/4, khi Tổng thống Biden ra lệnh sơ tán ngay khi thấy an toàn và khả thi.
Ngoại trưởng Antony J. Blinken giám sát quá trình sơ tán người Mỹ khỏi Khartoum. Ảnh: Reuters. |
Khi hy vọng về thỏa thuận ngừng bắn giữa các phe tham chiến ở Sudan tan biến, Đại sứ quán Mỹ nằm ở phía nam Khartoum tin rằng họ không thể tiếp cận nguồn thực phẩm, nhiên liệu và điện một cách ổn định. Ngoại trưởng Antony Blinken kết luận Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sơ tán và tạm thời đóng cửa đại sứ quán.
Tuy nhiên, 90 người sơ tán hôm 23/4 chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 16.000 người Mỹ sống ở Sudan, chủ yếu là người song tịch. Lựa chọn rời đi với họ không dễ dàng như vậy. John Bass, một quan chức Bộ Ngoại giao, nói chính phủ Mỹ có thể không sơ tán công dân bình thường “trong những ngày tới”.
Hôm 23/4, tiếng súng và tiếng bom khiến hàng nghìn người mắc kẹt trong nhà ở Khartoum đã tạm dừng trong thời gian ngắn, tạo điều kiện cho người Mỹ sơ tán. Tuy nhiên, giao tranh lại tiếp diễn khi Mỹ hoàn thành nhiệm vụ, đẩy những công dân nước khác gặp nguy hiểm.
Một công dân Pháp đã trúng đạn khi đoàn xe Pháp bị bắn và phải điều trị tại sân bay. Ai Cập cho hay một nhân viên đại sứ quán nước này cũng bị bắn, nhưng không giải thích thêm chi tiết.
Đoàn xe lớn nhất do Liên Hợp Quốc tổ chức rời trụ sở cơ quan này ở Khartoum ngay sau bình minh ngày 23/4.
Một quan chức cho biết một xe buýt do Liên Hợp Quốc thuê đã không xuất hiện, do một đại sứ quán khác đề nghị trả thêm tiền cho xe buýt này. Dẫu vậy, quan chức này nói thêm chuyến xe buýt được đặt trước bởi một cơ quan viện trợ tham gia đoàn xe cũng không đến như kế hoạch, bởi Liên Hợp Quốc trả giá cao hơn.
"Tôi không thể ngừng nghĩ về người ở lại"
Chính người Sudan cũng bắt đầu di tản, chủ yếu là người có tiền. Một số người bắt xe buýt đến biên giới Ai Cập, cách đó 965 km về phía bắc. Những người khác hướng đến cảng Sudan, với hy vọng tìm được chuyến bay hoặc thuyền đến Saudi Arabia.
Kholood Khair - nhà phân tích chính trị - đã chớp lấy khoảng thời gian yên tĩnh ngắn ngủi vào sáng 23/4 để bắt đầu hành trình dài về phía đông. Bà lo lắng mình không có cơ hội làm vậy nữa.
Trên WhatsApp và các trang mạng xã hội, người Sudan trao đổi thông tin về giá vé, cửa khẩu biên giới và điều kiện an ninh. Tuy nhiên, ngay cả luồng thông tin cũng có thể bị gián đoạn khi Internet ngày càng yếu hoặc bị cắt đứt hoàn toàn.
Tại Washington, ngay cả sau khi sơ tán, quan chức Mỹ vẫn nuôi hy vọng ngăn chặn cuộc chiến và đưa Sudan trở lại con đường dân chủ.
“Người dân Sudan sẽ không bỏ cuộc, và chúng tôi cũng vậy”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Molly Phee nói. “Mục tiêu là chấm dứt giao tranh này và thành lập chính phủ dân sự”.
Tuy nhiên, những người dân chạy trốn khỏi đất nước vào hôm 23/4 không hy vọng nhiều vào một tương lai dân chủ sớm thành hiện thực.
Trong lúc đang thu dọn đồ đạc rời khỏi Khartoum, Ali Abdallah (34 tuổi) cho biết mình chọn cách né tránh một cuộc nội chiến. “Tôi muốn chuyện này kết thúc trước ngày mai. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn”, anh nói.
Công dân Jordan và nhiều nước khác sơ tán khỏi Sudan đến Amman hôm 24/4. Ảnh: Reuters. |
Anh Abdallah - người từng tham gia biểu tình lật đổ Tổng thống Omar Hassan al-Bashir vào năm 2019 - nói mình không tin mọi chuyện lại diễn biến theo cách này.
Một số người ngoại quốc rời đi trải qua những cảm xúc lẫn lộn: Nhẹ nhõm khi thoát khỏi Khartoum sau 8 ngày kinh hoàng, nhưng cũng tiếc nuối vì đã bỏ lại những đồng nghiệp Sudan phía sau.
“Thật khủng khiếp”, Đại sứ Na Uy tại Sudan, Endre Stiansen, viết. “Tôi an toàn và tôi không thể ngừng nghĩ về những người chúng tôi bỏ lại phía sau”.
Một số người cho rằng tình trạng lộn xộn hiện tại của Sudan là do nhiều năm bị can thiệp bởi các thế lực nước ngoài. Một số quan chức phương Tây cũng đang tự trách mình.
Anna Saleem Högberg - nhà ngoại giao Thụy Điển sống ở Sudan trong 5 năm - nói những nỗ lực của phương Tây nhằm buộc các tướng lĩnh Sudan phải chịu trách nhiệm về những hành vi trong quá khứ là quá mềm mỏng.
“Đáng lẽ chúng tôi phải nói thẳng nói thật. Chúng tôi lại né tránh, đẩy đất nước đến bờ vực thẳm. Và bây giờ, Chúa hãy giúp họ, người dân và đất nước đã rơi khỏi vách đá”, bà viết.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.