Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Tây chạy đua sơ tán, người Sudan giận dữ

Phương Tây đã tăng cường nỗ lực sơ tán các nhà ngoại giao và thân nhân khỏi Khartoum, khi các trận chiến tiếp tục nổ ra ở trung tâm thủ đô Sudan.

Lực lượng Pháp đến sơ tán công dân khỏi Sudan ngày 22/4. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp.

Với một loạt lệnh ngừng bắn thất bại, số người chết tại Sudan hiện đã vượt quá 420, trong đó có 264 thường dân, và số người bị thương lên tới hơn 3.700, theo các tổ chức phi chính phủ. Hầu hết nhà phân tích tin rằng con số thương vong trên thực tế còn cao hơn nhiều, Guardian đưa tin.

Vào ngày 23/4, Vương quốc Anh đã sơ tán thành công các nhân viên ngoại giao và thân nhân khỏi Khartoum thông qua một chiến dịch phức tạp với hơn 1.200 quân nhân.

“Vương quốc Anh đã tiến hành một chiến dịch quân sự sơ tán nhân viên Đại sứ quán Anh khỏi Khartoum do bạo lực leo thang, kéo theo các mối đe dọa với nhà ngoại giao nước ngoài và tài sản của đại sứ quán”, người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết. “Sự an toàn của tất cả công dân Anh ở Sudan tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Tối 23/4, ĐứcPháp cũng cho biết mỗi nước đã sơ tán hơn 100 người. Tây Ban Nha và Canada cũng có bước đi tương tự. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng các hoạt động ở Sudan đã tạm thời bị đình chỉ.

Trước đó, Mỹ đã sơ tán các nhà ngoại giao, nhân viên đại sứ quán và gia đình khỏi Khartoum vào tối 22/4. Washington đã cử trực thăng Chinook chở lực lượng đặc biệt sơ tán khoảng 70 người từ đại sứ quán đến một địa điểm không được tiết lộ ở Ethiopia.

Trong khi đó, người dân Khartoum đang giận dữ.

“Họ chỉ sơ tán người dân của họ. Người Mỹ không quan tâm đến Sudan. Sự an toàn của người dân họ là ưu tiên hàng đầu. Lẽ ra chúng ta không nên tập trung vào điều đó và cần nghĩ cách ngăn chặn chiến tranh”, doanh nhân Madji Ebaid, 61 tuổi, nói.

Alaa Mustafa, một trợ lý phòng thí nghiệm ở Omdurman, cho biết việc các nước phương Tây sơ tán cho thấy ít nhất các chính trị gia ở London hoặc Washington “quan tâm đến công dân của họ”.

“Lãnh đạo của chúng tôi có thể ngừng chiến đấu nhưng chỉ để (cho phép) người phương Tây rời khỏi đất nước. Còn chúng tôi, những người vẫn còn ở đây thì sao? Có rất nhiều người cần hỗ trợ nhân đạo và chăm sóc khẩn cấp. Thi thể của họ bị ném ra đường”, anh nói.

Bạo lực dữ dội đã nổ ra vào tuần trước ở thủ đô Khartoum giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).

Vào ngày 23/4, các dịch vụ Internet và điện thoại dường như đã bị sập ở phần lớn khu vực tại Sudan. Thuốc men, nhiên liệu và thực phẩm khan hiếm ở Khartoum, trong khi tình trạng giao tranh và cướp bóc khiến việc rời khỏi nhà tìm các nhu yếu phẩm trở nên nguy hiểm.

Vấn đề Trung Đông - châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Tướng Libya có thể đẩy Sudan vào 'cơn ác mộng' kéo dài

Khi ảnh hưởng của tướng Libya Khalifa Haftar với RSF tăng lên, giới phân tích lo ngại Sudan có thể chứng kiến xung đột kéo dài với nhiều lực lượng nước ngoài tham gia.

Quốc gia mới nhất sơ tán công dân khỏi Sudan

Anh trở thành quốc gia tiếp theo ở châu Âu sơ tán các nhân viên ngoại giao và gia đình khỏi Sudan do "bạo lực leo thang đáng kể".

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm