Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Người nước ngoài ở TP.HCM: An toàn vì trụ lại thành phố giữa đại dịch

Năm 2021 đối với David Lang (người Mỹ, ngụ quận 7) giống như "Trái Đất ngừng quay" trong vài tháng, nhưng đến giờ anh thở phào và biết ơn vì những điều khó khăn đã kết thúc.

Mỗi ngày, Mauritz Pretorius (32 tuổi, người Nam Phi, quận 7) đều mong ngóng trường học mở lại để anh được đi dạy. Anh là giáo viên tiếng Anh, trước dịch thường dạy hợp đồng tại các trường tiểu học và trung học cơ sở.

“Một khi tôi khôi phục được hợp đồng dạy học thì mới có phiếu lương. Chỉ có phiếu lương trong tay, tôi mới có thể chứng minh tài chính để gửi tiền về quê nhà, mẹ tôi rất cần chúng để trang trải cho cuộc sống bên ấy cũng căng thẳng vì dịch”, Pretorius chia sẻ với Zing.

Đó là một phần nỗi lòng đau đáu của người đàn ông này, dù anh vẫn có thu nhập từ việc dạy trực tuyến cho học sinh lẻ. Mauritz Pretorius tự nhận thấy bản thân may mắn hơn rất nhiều người nước ngoài đang sống ở TP.HCM trong năm qua.

Theo thống kê từ Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước, TP.HCM hiện có khoảng 200.000 người nước ngoài sinh sống, làm việc. Năm 2021 tác động không nhỏ đến cuộc sống của họ.

Vì gặp đại dịch và giãn cách xã hội kéo dài, cộng đồng này có muôn vàn thắc mắc và một thời gian không ngắn loay hoay làm quen. Nhiều người gặp khó khi mua thực phẩm, băn khoăn về chính sách tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người ngoại quốc, không ít người bị ảnh hưởng thu nhập, thậm chí phải bán đồ và về nước…

Bên cạnh đó, một bộ phận cư dân ngoại quốc may mắn hơn đã mang lòng nhiệt tình, sức lực và tài chính cá nhân để tham gia giúp đỡ người dân thành phố, đưa một cánh tay cho những đồng hương, bạn bè và người lạ quốc tế.

Sự bỡ ngỡ và những lần đầu trong mùa dịch

Cuối tháng 7 và 8/2021, TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội và thay đổi hình thức mua bán nhu yếu phẩm. Đó cũng là lần đầu dùng phiếu đi chợ, xếp hàng dài để mua đồ ăn tích trữ của các cư dân ngoại quốc.

Anh Anderson (người Anh, quận Bình Thạnh) mất vài hôm để mua được đồ ăn với tấm phiếu đó. Xếp hàng mệt nhoài, anh tự rút kinh nghiệm tìm ra “giờ vàng” để có thể chen chân vào siêu thị.

Từng sống ở châu Âu và Mỹ, người này cho biết anh mới chỉ xếp hàng mua quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ điện tử… vào các đợt khuyến mãi; còn cầm phiếu xếp hàng mua thực phẩm thì chưa bao giờ.

nguoi nuoc ngoai o TP.HCM di qua dai dich 2021 anh 3

Người nước ngoài phải "nhập gia tùy tục" khi đi chợ hay siêu thị ở Việt Nam, nhất là trong thời dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đợt đó, Anderson may mắn hơn ông Peter Hansen (người Đức, quận 1) và không ít cư dân ngoại quốc. Những người này còn chưa được phổ biến thông tin cũng như chưa nhận được phiếu nào. Vì khác biệt ngôn ngữ và không quen nhiều hàng xóm, họ phải “cầu cứu” trên các nhóm cộng đồng, mạng xã hội.

“Tấm phiếu đi chợ có giá trị hơn tiền. Nó khiến tôi lần đầu biết mua tích trữ đồ ăn trong 5 năm sống ở Việt Nam, khi đó không phải lúc nào muốn mua là được”, ông Hansen nói.

Khi dịch vụ shipper bị hạn chế, anh Tony Byleveld (người Nam Phi, quận Bình Thạnh) nhận ra bản thân mình và nhiều người nước ngoài khác có thể đã rơi vào thói quen “dựa dẫm” người giao hàng, mọi người đã bối rối, cuống cuồng một thời gian.

Sau quãng thời gian khó khăn, những câu chuyện tích cực, lạc quan, dễ thương xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM.

Ông Kevin Thornton (người Mỹ, quận Tân Bình) phải “rước về” một bó rau muống do cửa hàng thực phẩm gần nhà không còn nhiều lựa chọn, hôm 2/9. Nhờ cộng đồng mạng hướng dẫn, ông Thornton đã có đĩa rau muống xào, cũng là món Việt đầu tiên ông làm kể từ khi đến sống ở TP.HCM năm ngoái. Đây cũng là động lực khiến ông muốn trải nghiệm nhiều món địa phương hơn sau này.

Còn anh Mohamed Satouri (người Pháp, quận 10) lần đầu bị công an giữ lại trong 2 năm ở đây, khi anh phải ra đường để tìm mua thức ăn hôm 3/9. Satouri bất ngờ và cảm kích các chiến sĩ áo xanh đã hiểu lời phân trần bằng tiếng Anh và giúp anh nhận thực phẩm. Sau trải nghiệm khó quên trong mùa dịch, Satouri cho biết mình sẽ học thêm tiếng Việt để khắc phục những sự cố ngôn ngữ khi ở TP.HCM.

Những người “may mắn”

Giáo viên tiếng Anh Mauritz Pretorius vẫn nhận dạy trực tuyến 7-9 giờ một ngày trong đợt dịch. Anh dành khoảng 6 giờ để ngủ, thời gian còn lại anh tham gia hoạt động thiện nguyện cùng vợ người Việt, mang nhu yếu phẩm và bình oxy miễn phí cho người khó khăn. Suốt mùa dịch, vợ chồng anh liên tục nhận được tin nhắn xin hỗ trợ từ những người nước ngoài ở TP.HCM.

“Tôi chứng kiến nhiều người đưa hai tay ra nhận phần quà, những lời ‘kêu cứu’ qua tin nhắn, thấy đội thiện nguyện chở xác… Song, vì rất bận rộn và cố để bản thân luôn tay luôn chân, quỹ thời gian của tôi không cho phép phút giây yếu lòng hay tinh thần chùng xuống”, Pretorius trải lòng.

nguoi nuoc ngoai o TP.HCM di qua dai dich 2021 anh 4

Percy Smith (người Anh) từng tham gia nấu và phát cơm miễn phí cho người khó khăn từ trước giãn cách xã hội. Tuy nhiên, anh đã về nước trước khi thành phố nới lỏng giãn cách. Ảnh: Gia Bảo.

Mauritz Pretorius là một trong số cá nhân và nhóm cư dân ngoại quốc đã xông pha hỗ trợ mùa dịch ở TP.HCM. Trong đó, ông Gaveau Patrick (người Bờ Biển Ngà) mang nghìn túi thực phẩm giúp người nghèo từ những ngày đầu dịch; 6 thành viên gia đình anh Shant Mkrtchian (người Armenia) gửi hàng trăm suất ăn mỗi ngày đến Bệnh viện dã chiến số 8, UBND và các hộ khó khăn ở TP Thủ Đức; hoặc ông Wayne Worrell (người Anh) không ra đường, nhưng từ nhà đã dịch trăm bài báo mỗi ngày cho người nước ngoài giúp họ tiếp cận thông tin mới nhất… và sự đóng góp từ nhiều người ngoại quốc khác ở thành phố.

Trong đợt giãn cách, không ít người còn may mắn vì vẫn có công việc trực tuyến, thu nhập không bị ảnh hưởng, đủ tài chính trang trải, có hậu phương giúp đỡ…

Như Benoit Tardy (người Pháp, quận 1), anh nhấn mạnh hai lần “may mắn” khi tả lại cuộc sống thời gian qua. Anh không bị đau ốm, không bị thất nghiệp, không bị thiếu thực phẩm hay phải hủy kế hoạch gì trong năm 2021. Vừa hết dịch, anh đã cố gắng làm mới tinh thần tại những triển lãm, buổi giao lưu nghệ thuật.

“Tôi rất biết ơn đất nước và người dân ở đây vì đã nghiêm túc làm mọi việc để dập dịch, thực hiện nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng…”, David Lang (giáo viên tiếng Anh người Mỹ, ngụ quận 7) bày tỏ.

nguoi nuoc ngoai o TP.HCM di qua dai dich 2021 anh 5

Người nước ngoài ngơ ngác đi tìm nơi ăn uống, xách hành lý rời khỏi khách sạn là hình ảnh không lạ ở khu phố Tây Bùi Viện (quận 1) trong năm nay. Ảnh: Y Kiện.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ vật chất, sức khỏe và tinh thần để trụ lại thành phố này. Có người đổi nghề, tìm nhà thuê giá thấp hơn hay thanh lý hết đồ dùng chỉ để đỡ tiền cho chiếc vé máy bay về cố quốc.

Sự tiếc nuối và hy vọng

Người nước ngoài rời TP.HCM và Việt Nam có thể không phải là vấn đề “mảy may” với mọi người thời gian qua. Nhưng đó là hình ảnh đáng buồn nhất đối với anh Ivan (người Nga). Phóng viên bắt gặp anh đang ngồi trầm ngâm ở phố Tây Bùi Viện (quận 1) hôm 8/10, khi đó tối om.

Trong năm nay, Ivan đã chứng kiến và tiễn nhiều người bạn, hàng xóm ngoại quốc của mình về nước. Họ từng có kế hoạch sinh sống lâu dài ở TP.HCM. Vì Covid-19, họ phải rời đi vì nhiều lý do.

Mathieu Dufourg (người Pháp, quận Bình Thạnh) từng lựa chọn định cư tại TP.HCM từ năm 2019. Ông sinh sống bằng nhiều nghề là giáo viên, thiết kế đồ họa, pha chế quán bar, tổ chức sự kiện và triển lãm. Các công việc đều bị ảnh hưởng vì Covid-19. Chưa đến hết tháng 8, ông đã về Pháp với lý do lo việc giấy tờ, nhưng chưa hẹn ngày trở lại.

Camille Gumir (người Pháp, TP Thủ Đức) phải đóng cửa nguồn thu nhập chính của mình là tiệm xăm nghệ thuật từ tháng 5 theo quy định chống dịch của thành phố. Cuộc sống bấp bênh vì Covid-19, người phụ nữ 34 tuổi đành lòng về nước sau 6 năm sinh sống ở TP.HCM.

nguoi nuoc ngoai o TP.HCM di qua dai dich 2021 anh 6

Người nước ngoài cảm kích TP.HCM vì đã kịp thời đưa thông tin và tiêm vaccine cho họ. Ảnh: Y Kiện.

Sau những sự kiện xảy ra trong mùa dịch năm 2021, cộng đồng người nước ngoài ở thành phố cũng cần một hệ thống thông tin đáng tin cậy bằng tiếng Anh.

“Tuy nhiên, hầu hết văn bản đều bằng tiếng Việt, thông tin đến với người nước ngoài chúng tôi đều chậm một bước. Chúng tôi có quyền và mong được biết sớm để cùng thành phố dễ dàng vượt qua các sự cố”, một cư dân người Pháp sống ở quận 1 bày tỏ quan điểm.

Những người nước ngoài đi qua mùa dịch ở TP.HCM – họ không dám vạch ra kế hoạch gì to lớn cho năm tới. Sau một năm biến động, họ mông lung không biết trước sắp tới sẽ ra sao. Nếu bây giờ muốn đi đâu, làm gì, bạn hãy tranh thủ thực hiện ngay khi có thể.

“Tôi thở phào vì đã an toàn sống khỏe và còn vui vẻ đến bây giờ”, những cư dân ngoại quốc ở TP.HCM nói.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Giáng sinh không lạnh của người nước ngoài sống ở TP.HCM

Không về nước, những cư dân ngoại quốc ở TP.HCM đón Noel theo cách khác nhau. Người mang không khí lễ hội nước Mỹ chung vui cùng dân bản xứ, người thì tranh thủ "đi trốn".

10 năm ở TP.HCM trong mắt vị chuyên gia Hàn Quốc

Ông Yu Young Kuk yêu thích TP.HCM cũng như Việt Nam. Những ấn tượng và mọi thứ mà tác giả người Hàn này quan sát đều được đưa vào cuốn sách kỷ niệm một thập kỷ sống ở đây của ông.

Saigon Talk: Dọn dẹp năm cũ

Những hoài niệm cuối năm, thay đổi để tồn tại là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

Ky nhieu hop dong, tong hon 286 trieu USD tai trien lam quoc phong hinh anh

Ký nhiều hợp đồng, tổng hơn 286 triệu USD tại triển lãm quốc phòng

0

Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD. Các đơn vị ký kết 17 thoả thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm