Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

10 năm ở TP.HCM trong mắt vị chuyên gia Hàn Quốc

Ông Yu Young Kuk yêu thích TP.HCM cũng như Việt Nam. Những ấn tượng và mọi thứ mà tác giả người Hàn này quan sát đều được đưa vào cuốn sách kỷ niệm một thập kỷ sống ở đây của ông.

“Khi mới đến TP.HCM vào năm 2011, tôi thấy nhiều người đi mua đồ không đứng xếp hàng, đến lượt tôi dù đợi cả tiếng đồng hồ ở phòng vé phim cũng không mua được. Nhân viên siêu thị bọc 3 lớp túi nylon mà vẫn rách, trong khi nước tôi đã gần như không sử dụng chúng. Luôn có những người đàn ông ‘đứng úp mặt vào tường’ giữa thanh thiên bạch nhật…”, ông Yu Young Kuk (cư dân Hàn Quốc ở quận 7) hồi tưởng.

10 năm trước, vị quản lý một nhãn hàng mỹ phẩm ở Hàn Quốc này đến Việt Nam để trở thành sinh viên học tiếng Việt ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Ông Young Kuk không phủ nhận những điều bất cập còn tồn tại ở TP.HCM và Việt Nam, bên cạnh đó ông chỉ ra nhiều nét “đáng học tập” của đất nước này trong cuốn sách Why The Vietnamese Market (Tại sao chọn thị trường ở Việt Nam) của mình. “Bạn đừng chỉ nhìn vào một vài cái cây, hãy nhìn vào cả khu rừng”, ông Kuk bày tỏ quan điểm.

Những ngày đầu ở TP.HCM

Sau mỗi buổi học, "sinh viên" 43 tuổi này không về nhà ngay mà đứng đợi xe buýt. Mỗi ngày, ông Kuk lên một tuyến xe buýt khác nhau, di chuyển đến điểm dừng cuối hoặc xuống giữa chừng, rồi từ đó ông đi bộ khắp đường phố ngõ hẻm. Nếu như taxi và xe ôm là để ông đi học hoặc đến những cuộc hẹn, thì xe buýt là phương tiện chính giúp ông khám phá thành phố.

“Tôi không sợ lạc, cũng không cần phải thuộc lòng số tuyến hay điểm đến, vì hầu hết xe buýt đều đi qua hoặc trở về quận 1 nơi tôi sống hồi đó”, ông Kuk kể.

nguoi Han Quoc o TP.HCM anh 3

Vật đồng hành cùng ông Kuk trên những chuyến xe buýt ở TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Vật bất ly thân của ông khi đi xe buýt là một chiếc quạt giá 40.000 đồng mua ở chợ Bến Thành. Ông cho hay xe buýt ở đây nhỏ và đông người chen chúc hơn bên Hàn Quốc, chiếc quạt giúp ông làm mát khi trên xe, đồng thời cũng dùng để che nắng.

Hồi đó, nhiều người dân từng ngạc nhiên khi thấy một khách Hàn Quốc đi xe buýt, mà lại đến những nơi xa trung tâm như quận 12, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, làng đại học Thủ Đức… Dù chưa nói được nhiều tiếng Việt, ông Kuk vẫn cố giải thích với mọi người rằng ông đang đi khám phá thành phố.

Những đám đông luôn khiến tác giả tò mò, từ con đường kẹt xe vì người dân cần cù đi làm, đi học từ 6-7h sáng. Tại chỗ làm, nhân viên văn phòng rủ nhau chui dưới bàn để chợp mắt sau bữa trưa. Người dân đậu xe ngoài đường chờ đón con, chờ mua đồ, chờ dò vé số…

nguoi Han Quoc o TP.HCM anh 4
Phụ huynh đợi đón con em ở trường học chật kín vỉa hè từ sáng đến tối (ảnh chụp từ sách của tác giả). Ảnh: NVCC.

Khi đi qua công viên 23/9 (quận 1), ông thường thấy nhóm bạn trẻ và vài người ngoại quốc ngồi tụm lại một góc. “Đó là những sinh viên muốn học ngoại ngữ, họ tìm người nước ngoài để luyện cách giao tiếp. Tôi thấy người Việt không ngại học thêm điều mới”, tác giả nhận xét.

Khoảng 3 năm sống ở TP.HCM, ông Yu Young Kuk dần cảm nhận được sự thay đổi của thành phố. Văn hóa xếp hàng đã cải thiện rất nhiều. Điện thoại di động thông minh phổ biến hơn từ người lớn đến học sinh đều sở hữu. Nhà hàng cao cấp vốn chỉ có người nước ngoài lui tới đã bắt đầu được người Việt bước vào nhiều hơn. Dịch vụ ngân hàng cũng hoạt động vào giờ ăn trưa. Đến túi nylon siêu thị cũng đổi mới, một lớp túi đựng nặng cỡ nào cũng không rách.

Dự định sống ở TP.HCM lâu dài

Là chuyên gia trong lĩnh vực mỹ phẩm, ông Yu Young Kuk đánh giá cao tiềm năng phát triển sản phẩm ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

nguoi Han Quoc o TP.HCM anh 5

Hình ảnh do ông Kuk minh họa trong sách: "Nửa năm là mùa mưa, những phụ nữ không muốn lớp trang điểm trôi theo trận mưa như trút". Ảnh: NVCC.

"Có hơn 5 triệu chiếc xe máy rong ruổi ngoài đường mỗi ngày ở TP.HCM. Khí thải, nắng nóng, bụi bẩn khiến nhiều người phải bịt mặt, trùm áo kín mít, người ta hay gọi đùa bằng từ ‘ninja’. Cộng thêm khí hậu nửa năm nắng, nửa năm mưa, khiến điều kiện trang điểm, sử dụng mỹ phẩm của phụ nữ địa phương bị hạn chế”, ông Kuk viết trong cuốn sách của mình.

Tuy nhiên, trong tương lai TP.HCM sẽ hình thành được hệ thống phương tiện giao thông công cộng như metro, xe buýt kết nối giữa các tòa nhà, trung tâm thương mại. Chúng tạo điều kiện “dễ thở” hơn cho việc di chuyển, người dân nhất là phụ nữ sẽ thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm làm đẹp, chẳng hạn như trang điểm nhiều hơn, dùng mỹ phẩm chống nắng nhiều hơn thay vì mặc kín mít…

Trên đây là một trong những lý do ông Yu Young Kuk quyết định ở TP.HCM lâu dài, để tìm hiểu và chuẩn bị cơ hội phát triển công việc của mình. Bên cạnh đó, chuyên gia người Hàn nhận xét nền giáo dục ở Việt Nam không kém Hàn Quốc và nhiều quốc gia.

Trong sách, tác giả cho rằng các phụ huynh Việt Nam đổ rất nhiều tiền vào giáo dục, dù chỉ có đồng lương ít ỏi họ cũng dồn hơn 30% thu nhập vào việc học hành vì tương lai của con cái. Hệ thống trường học chính quy, lớp học thêm, chương trình nhiều môn học theo khả năng và ý thích đều đa dạng và thu hút đông học sinh, điều này không khác gì Hàn Quốc.

“Ở TP.HCM có nhiều trường học chất lượng cao. Khi có con, tôi sẽ cho chúng học ở đây”, ông Kuk khẳng định.

Nói đến những tiêu khiển trong cuộc sống, ông Yu Young Kuk thích ngồi ở quán cà phê để đọc sách báo, nghỉ ngơi ngoài giờ làm việc. Mỗi buổi chiều, ông thường đi dạo thể dục cùng vợ người Hàn, chăm sóc chú chó cưng.

Trước thời Covid-19, khi bạn bè và đối tác người Hàn của ông còn đi lại nhiều ở thành phố, chơi golf là bộ môn ưa thích của tác giả. Thỉnh thoảng, rạp phim ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) có suất chiếu phụ đề tiếng Hàn, cũng là điểm giải trí ông Kuk thường lui tới.

Đến năm 2021, chuyên gia người Hàn ghi nhận wifi miễn phí ngày càng nhiều ở các quán cà phê và nhà hàng, kể cả chỗ tồi tàn trên đường phố. Việc mua ly trà sữa hoặc hộp cơm trưa đều thực hiện bằng dịch vụ trực tuyến và giao dịch trên thiết bị di động. Dù vậy, mọi người vẫn cần mẫn buôn bán khắp nơi từ ngoài phố đến trên mạng.

Ông có thể hòa nhập dễ dàng với người dân thành phố phóng khoáng và thoải mái, tự do tôn giáo, không xung đột sắc tộc, màu da. Dù hôn nhân đồng tính chưa được chấp nhận, đa số người dân vẫn cởi mở với đối tượng này.

“Tôi không có ý quá nhấn mạnh sự có mặt của huấn luyện viên Park Hang Seo đồng hương của mình, nhưng Việt Nam bây giờ là quốc gia có đội bóng đá tốt nhất Đông Nam Á”, ông Yu Young Kuk bày tỏ sự ấn tượng.

Theo tìm hiểu của tác giả, tính đến năm 2019 có đến 7.500 công ty Hàn Quốc và hơn 200.000 cư dân quốc gia này sống ở Việt Nam.

“Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong 10 năm qua và nhiều năm tới. Do đó, tôi mong muốn thông qua cuốn sách của mình phần nào giúp cộng đồng người dân và các doanh nghiệp Hàn Quốc hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam bây giờ, từ đó phát triển các mối quan hệ giao lưu, đầu tư giữa hai nước”, ông Yu Young Kuk chia sẻ.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Trải nghiệm sống ở TP.HCM của một người nước ngoài

Mike Williams (người Canada) không có ý định rời khỏi TP.HCM vì cuộc sống ở đây tuyệt vời. Với anh, mọi thứ đều có thể tìm thấy ở thành phố này.

Cặp đôi người Đức ghi lại bộ ảnh đáng nhớ ở TP.HCM

Mới đến Việt Nam đầu năm 2021, Jennifer Arrenberg chưa có cơ hội thăm thú nhiều nơi với bạn trai đang ở TP.HCM. Cặp đôi quyết định chụp bộ ảnh để lưu kỷ niệm của họ ở thành phố.

Niềm vui với bóng đá của những cô gái ngoại quốc ở TP.HCM

Diya vui mừng khi tìm được và tham gia một đội bóng nữ sau khi mới đến TP.HCM, còn Katy rất hào hứng trong giải bóng đầu tiên sau nhiều ngày "treo giò" vì giãn cách.


Ý Linh

Bạn có thể quan tâm