“Cuộc sống của người nước ngoài ở TP.HCM đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với 15 năm trước khi tôi du lịch đến đây”, Mike Williams chia sẻ với Zing.
Anh Williams là giáo viên tiếng Anh, định cư ở TP.HCM 3 năm nay. Trước đó anh từng sống ở Bangkok (Thái Lan). Anh đến TP.HCM - nơi có nhịp sống tương tự, sau đó quyết định ở lại đây vì thích thú.
Những trải nghiệm khác biệt
“Thời tiết ở đây mát mẻ hơn. Dòng xe cộ chậm hơn, mọi người di chuyển quanh thành phố như đi dạo chứ không phóng nhanh như ở Thái. Tôi đặc biệt thích đi dạo vào buổi tối. Có vô số quán cà phê, nhà hàng, quán bar để vào ăn chơi từ hè phố, trong hẻm sâu hay trên cao, chưa kể đa dạng món ăn”, Williams liệt kê lý do thích TP.HCM.
Mike Williams thích dành thời gian rảnh để khám phá nhịp sống đường phố TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Giáo viên người Canada thích đi bộ. Nhưng anh thường hồi hộp khi đi trên hè phố. Có quá nhiều xe cộ dừng đỗ, người bán hàng khắp nơi từ lề xuống lòng đường.
“Bạn phải nhìn trước ngó sau kẻo va chạm. Nhưng tôi thường đi chậm nên chưa có vấn đề gì. Hy vọng rằng thành phố sẽ trở nên thân thiện hơn với người đi bộ trong tương lai. Tôi muốn thấy nhiều tuyến phố đi bộ như Bùi Viện, Nguyễn Huệ hơn”, Williams bày tỏ.
Điểm cộng lớn nhất trong lòng cư dân ngoại quốc này là sự thân thiện của người dân TP.HCM. Đối với anh, người dân ở đây luôn chào đón và hết lòng giúp đỡ người ngoại quốc.
“Một tài xế taxi hỏi tôi đến từ đâu, tôi nói Canada. Tôi nghĩ chỉ là câu chào hỏi xã giao của người địa phương khi thấy người nước ngoài. Nhưng không, anh ấy đã hát cho tôi nghe một bài của Bryan Adams (nghệ sĩ người Canada). Đúng là chỉ có ở Sài Gòn”, Williams cười nói.
Anh càng chắc chắn điều này khi trải qua đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua. Những hàng xóm Việt Nam đã giúp đỡ mua thực phẩm, cập nhật thông tin, thậm chí còn mời anh ăn tối trong thời gian đó.
Giáo viên người Canada cho biết đã kết bạn với nhiều người và có các mối quan hệ tốt ở TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Dễ dàng sống ở TP.HCM
Một người bạn của Williams vừa từ Canada chuyển đến và một người khác đang chuẩn bị lên đường bắt đầu cuộc sống ở TP.HCM. Họ đã khá hồi hộp và lo lắng sau khi tìm hiểu nhiều điều cần biết khi sống ở thành phố này, nhưng Williams lại có những lời khuyên “dễ thở” hơn từ trải nghiệm của anh.
“Tôi nhận thấy rất nhiều người nước ngoài chọn sống ở quận 7 hoặc TP Thủ Đức. Có thể cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu ở trong cộng đồng đông cư dân ngoại quốc. Nhưng lời khuyên của tôi là nên khám phá thành phố một chút trước khi chọn lưu trú ở hai khu vực đó”, anh gợi ý.
Bản đồ trực tuyến (Google Maps) và các phần mềm phiên dịch đã trở thành công cụ không thể thiếu của những cư dân ngoại quốc. Ngày nay, người nước ngoài có thể cập nhật tin tức nhanh chóng từ Internet chứ không phải đợi xem kênh truyền hình hay đọc báo tiếng nước ngoài.
Phương tiện giao thông ở TP.HCM đa dạng và dễ đi lại. Williams chọn quận 1 để lưu trú những năm qua, vì có nhiều không gian đi bộ, địa chỉ mua sắm, giải trí. Nếu đi xa hơn và không tự tin lái xe máy, anh khuyên bạn mình sử dụng dịch vụ xe công nghệ và taxi.
“May mắn thay, tôi chưa từng bị tai nạn giao thông ở thành phố này”, anh nói.
Người đàn ông từ phương Tây cho rằng để thực sự sống ở TP.HCM, bạn cần siêng khám phá nơi này mới có thể hòa hợp. Ảnh: NVCC. |
Trước khi chuyển đến TP.HCM, Mike Williams từng “đau đầu” vì phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ để xin thị thực cho người lao động, quá trình này không phải một lần là xong. “Du lịch thì dễ. Nhưng ở quốc gia nào cũng vậy, người nước ngoài muốn định cư sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt”, anh trình bày.
Bên cạnh đó, anh cho rằng việc tìm kiếm nhà ở và công việc cũng dễ dàng hơn ở những quốc gia khác anh từng sống. Vì cộng đồng người nước ngoài ở thành phố khá đông, cư dân mới đến sẽ có nhiều gợi ý và lựa chọn hơn ngày trước.
“Đến TP.HCM, ngoài những thủ tục cần thiết, tôi không cần chuẩn bị hành trang quá nhiều. Thứ duy nhất tôi mang theo từ Canada là một số cuốn sách của nhà văn du lịch Paul Theroux. Còn lại, bạn có thể tìm thấy mọi thứ ở TP.HCM”, Mike Williams khẳng định.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.