"Tan hoang rồi", ông Nguyễn Hồ Ngũ (70 tuổi, huyện Nam Đàn, Nghệ An) thẫn thờ nhìn ngôi nhà đổ sập tối 28/9.
Vội trở lại căn nhà vào sáng sớm hôm sau, ông Ngũ ngẩn ngơ khi thấy căn nhà tốc mái, đồ đạc bên trong bị hư hỏng. Chỉ sau một đêm, tài sản lớn nhất mà cả đời ông Ngũ tích cóp bị mất sạch.
Không chỉ có ông Ngũ, nhiều người dân ở Nghệ An cũng chịu cảnh khó khăn sau trận mưa lũ đêm 28/9. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru, nhiều địa phương ở Nghệ An có mưa lớn kéo dài. Nhiều hộ dân phải rời nhà, được chính quyền yêu cầu sơ tán ngay trong đêm.
Ngổn ngang
Ông Ngũ nhớ lại chiều 28/9, sau khi nghe chính quyền cảnh báo buổi tối có thể xuất hiện mưa lũ, gia đình ông chuẩn bị bữa cơm sớm đề phòng mất điện.
Tôi chỉ biết đứng im nhìn căn nhà sập, bất lực.
Ông Nguyễn Hồ Ngũ
Bữa ăn vừa được dọn ra, ông Ngũ bỗng nghe thấy tiếng răng rắc trên mái nhà. Linh tính chuyện không lành, người đàn ông 70 tuổi vội giục cả gia đình chạy ra sân. Bảy người vừa chạy ra ngoài, căn nhà sập trước mắt họ.
"Tôi chỉ biết đứng im nhìn căn nhà sập, bất lực", ông Ngũ thở dài, tranh thủ thu dọn đồ đạc còn sót lại.
Sau khi nhà sập, ông Ngũ chỉ kịp thu dọn giấy tờ quan trọng rồi vội đưa gia đình đến ở nhờ nhà người quen, tránh mưa gió. Tủ lạnh, tivi,.. những vật dụng có giá trị trong nhà không thể sửa được.
Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, quá quen với cảnh bão lũ, nhưng chưa bao giờ người đàn ông này chứng kiến đợt mưa gió tàn phá nặng gia đình mình như đêm 28/9.
Nhà ông Ngũ ở huyện Nam Đàn bị mưa gió tàn phá tối 28/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ông Ngũ cho biết hiện tại đã nhận được sự giúp đỡ, động viên tinh thần từ công an và chính quyền huyện Nam Đàn. Nhà sập, tài sản hư hỏng, người đàn ông tự động viên mình vẫn còn may mắn khi gia đình kịp chạy thoát nạn.
Dưới đống đồ đạc ngổn ngang, ông Ngũ chưa biết bắt đầu lại từ đâu. Thời gian tới, ông cùng gia đình phải ở nhờ nhà người quen, rồi dành dụm tiền dần sửa lại căn nhà.
Không kịp trở tay
Trong khi đó, anh Vũ Văn Hùng (28 tuổi, ở huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng có một đêm thức trắng nhìn tài sản của gia đình hư hỏng sau cơn mưa lớn 28/9.
Nhà anh Hùng kinh doanh gạo. Biết tin sắp có mưa lớn, anh Hùng cùng gia đình cố gắng di chuyển tài sản lên khu đất cao. Đến 20h, lũ cuồn cuộn đổ về khiến gia đình anh Hùng không kịp trở tay.
Khoảng 5 tấn gạo bị hỏng, thiệt hại ban đầu ước tính 35 triệu đồng. Ngoài ra, những vật dụng khác trong kho cũng bị hư hỏng nặng.
Bão vừa qua thì lũ đến, gia đình tôi chưa biết xoay xở thế nào.
Anh Vũ Văn Hùng
"Nhà tôi ở hạ nguồn, nước đổ về nhanh, không kịp trở tay. Khi ấy, tôi chỉ biết rớt nước mắt, đứng nhìn chứ không làm được gì hơn", người đàn ông 28 tuổi tâm sự.
Anh Hùng cho biết sau đêm mưa lũ, cả nhà phải vội di dời các bao gạo, chằng lại nhà vì sợ sẽ còn cơn lũ lớn khác ập đến. "Bão vừa qua thì lũ đến, gia đình tôi chưa biết xoay xở thế nào", anh Hùng nói.
Kho gạo của gia đình anh Vũ Văn Hùng (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trong khi đó, những người con xa quê cũng thấp thỏm ngóng tin tức từ gia đình. Hoàng Long (22 tuổi), sinh viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng có một đêm thức trắng khi gia đình anh đang ở vùng lũ Nghệ An.
Long cho hay nhà anh trên nền đất cao, nên khi mưa lũ đến vẫn kịp vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Tuy nhiên, tầng một của căn nhà bị nước lũ tràn vào.
"Tối qua tôi liên lạc với mẹ qua video call nên yên tâm hơn. Thấy cả nhà an toàn, không ai bị gì là mừng lắm, còn đồ đạc hỏng thì khó tránh được", Long tâm sự.
Đến sáng 28/9, nhiều gia đình ở bản Hồi Thợ, xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), xuất hiện vết sụt lún nhà kéo dài. Chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân sơ tán khỏi khu vực mất an toàn và tháo dỡ nhà cửa nơi có nguy cơ đổ sập để hạn chế thiệt hại.
Tại các xã ở huyện Yên Thành như Quang Thành, Hậu Thành, Xuân Thành, Bảo Thành… mưa lớn khiến nước từ các sông dâng cao, tràn từ ruộng vào nhà dân. Người dân hối hả di dời tài sản, lương thực lên khu vực cao hơn.
Huyện Kỳ Sơn hiện có ít nhất 10 điểm thuộc diện trọng yếu, nguy cơ sạt lở cao tại các xã Hữu Kiệm, xã Mường Típ, xã Tà Cạ...
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, hàng loạt thủy điện, hồ thủy lợi ở Nghệ An đã xả nước về hạ du từ ngày 26/9. Trong số hơn 1.060 hồ, đập ở Nghệ An đến nay có khoảng 65% hồ chứa đầy dung tích.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.