Sáng sớm, đang ở huyện Phú Vang - một trong địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 4, tôi nhận cuộc gọi từ Bí thư Huyện ủy Trần Gia Công. Anh nói như hét trong điện thoại để át đi tiếng gió rít gào: “Ở xã Vinh Xuân có rất nhiều nhà dân bị tốc mái, sập do bão số 4. Tôi đang ở hiện trường động viên bà con và chỉ đạo anh em khắc phục hậu quả mưa bão, quyết tâm không để người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất sau bão. Anh em về ngay đây nhé”.
Trước mắt chúng tôi, vùng quê trù mật Khánh Mỹ ngày nào giờ trở nên tiêu điều, tan tác. Cả thôn có hơn 60 nóc nhà bị gió giật đổ, tốc mái chỉ sau một đêm. Đến sáng 28/9, vô số tấm ngói, mái tôn bị gió thổi bay từ hàng chục nóc nhà dân vẫn còn nằm ngổn ngang trên đường làng, rừng cây hay những khu vườn xác xơ sau bão.
Bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi) nói trong nước mắt: “Nhà mệ (bà) bị bão thổi sập rồi, chừ lấy tiền mô mà dựng lại đây”. Bà Mai cho biết thời điểm xảy ra bão, hai vợ chồng già sơ tán đến nhà người thân nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Mắt ngấn lệ, chị Nguyễn Thị Mắm (31 tuổi, thôn Khánh Mỹ) nhớ lại phút giây kinh hoàng: “Khoảng 22h30 tối 27/9, gió giật mạnh làm tấm tôn đầu tiên từ mái nhà rơi xuống. Hai vợ chồng chưa kịp định thần, thì cả mái nhà cấp 4 bị gió thổi bay đi xa. Giữa lúc mưa gió, không biết trú nơi đâu, cả nhà 4 người phải chui vào tủ đựng quần áo đặt trong phòng ngủ để tránh bão”.
Chị Mắm kể khoảng 23h đêm, gió ngớt, cả nhà chạy sang hàng xóm tìm nơi trú bão, xung quanh đâu cũng thấy tấm lợp bay vương vãi, gạch ngói rơi ngổn ngang. Chưa có tiền sửa nhà sau bão, gia đình chị Mắm đành phải tá túc nhà người thân trong những ngày tới. “Vợ chồng tôi sẽ vay mượn tiền người thân để sửa lại nhà, rồi còn lo sắm lại sách vở để các con tới trường học hành”, chị Mắm nói.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Phú Vang, bão số 4 đã làm 130 ngôi nhà, hàng quán trên địa bàn huyện bị sập, tốc mái. Địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất là xã Vinh Xuân, với 6 ngôi nhà bị sập, 68 nhà tốc mái. Sáng 28/9, lãnh đạo huyện Phú Vang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra, sớm ổn định đời sống người dân.
Trước thiệt hại nặng nề về nhà dân tại xã Vinh Xuân, ngày 28/9, trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT - Huế, cho biết, sau khi nắm được thiệt hại, đơn vị đã điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 4 gây ra tại địa phương này. Ngoài ra, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh TT - Huế còn huy động 3.000 cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão trên toàn địa bàn.
Chiều 28/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT - Huế thông tin bão số 4 đã làm 425 ngôi nhà tại nhiều huyện, thị xã và TP Huế bị sập, tốc mái. Trong đó, có 6 nhà tại xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang) bị sập, còn lại 419 nhà bị tốc mái. Bão số 4 còn làm 5 người bị thương (4 người ở xã Vinh Xuân, một người ở phường An Hòa - Huế). Ngoài ra, có 3 người bị thương khi chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ...
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.