Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Mỹ không còn quá khắt khe với virus, trừ ông Biden

Những biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt cho Tổng thống Joe Biden có thể ảnh hưởng đến giai đoạn phục hồi và "bình thường mới" tại Mỹ.

Khi Tổng thống Biden có cuộc họp với thống đốc các bang ở Nhà Trắng ngày 31/1, chỉ mình ông được đưa một cốc nước, vì lo ngại những người khác có thể tháo khẩu trang để uống nước.

Ông cũng ngồi cách những người khác hơn 3 m, bao gồm Phó tổng thống Kamala Harris và thành viên nội các.

Đó đều là những biện pháp đặc biệt phòng chống Covid-19 cho tổng thống, dù ông Biden đã được tiêm đủ liều vaccine và liều tăng cường.

Việc đảm bảo an toàn cho tổng thống là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt có thể đi ngược nỗ lực của Nhà Trắng trong việc truyền tải thông điệp đến người Mỹ - đặc biệt những người đã tiêm từ 2 liều vaccine trở lên - rằng họ có thể sinh hoạt bình thường, dù phải đối mặt với làn sóng Omicron đang đe dọa nhiều nơi.

Thông điệp mâu thuẫn

Thời gian qua, một vài quan chức Nhà Trắng lo ngại khi những người đã tiêm phòng và xét nghiệm đầy đủ vẫn phải ở trong trạng thái cảnh giác cao độ. Điều này có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế, cũng như gánh nặng tâm lý, theo AP.

Trong nhiều tuần, các phụ tá và nhà khoa học đã liên tục nhấn mạnh khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 trong việc chống lại những biến chủng, đồng thời trấn an những người đã tiêm chủng có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày.

Khi biến thể Omicron lây lan, ông Biden nói rằng đó là “nguyên nhân để lo lắng, không phải nguyên nhân để hoảng sợ”.

“Chúng ta có những công cụ - vaccine, liều tăng cường, khẩu trang, xét nghiệm, thuốc điều trị - để cứu người và mở cửa doanh nghiệp, trường học. Mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn”, ông Biden phát biểu trước báo giới ngày 19/1.

Tuy nhiên, những quy định tại Nhà Trắng - dù với mục đích đảm bảo an toàn cho ông Biden - được cho là khắt khe và đi ngược lại những tuyên bố sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường.

Ong Biden doi pho Covid-19 tai My anh 1

Ông Biden tổ chức họp báo kỷ niệm 1 năm nhậm chức ngày 19/1. Ảnh: Reuters.

Các phụ tá đã dùng những biện pháp tốt nhất để bảo vệ tổng thống không bị lây nhiễm. Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của ông Biden hầu như được thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Những buổi vận động trực tiếp cũng có nhiều quy định hạn chế nghiêm ngặt.

Ông cũng rất thận trọng khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, và thể hiện sự tin tưởng với hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Mặc dù vaccine mang lại hiệu quả phòng chống Covid-19, việc gia tăng số ca nhiễm có thể ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng, và có thể được các đối thủ sử dụng như con bài chính trị để hướng sự chỉ trích đến ông Biden, người cam kết sẽ chấm dứt đại dịch khi đứng ra tranh cử.

Mỹ tổn thương trước kẻ thù “vô hình”

Hơn một thế kỷ qua, Mỹ được coi là “bất khả xâm phạm”, khi vị trí địa lý và tiềm lực quân sự khiến quốc gia này gần như không gặp những mối đe dọa xâm lược.

Tuy nhiên, trước những kẻ thù “vô hình” như Covid-19, Mỹ lại hứng chịu tổn thương nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Khi biến chủng Delta bùng phát, Nhà Trắng đã tăng cường việc xét nghiệm với ai tiếp xúc gần ông Biden. Những quy định hạn chế chỉ được nới lỏng khi các quan chức thân cận với ông Biden được tiêm chủng đầy đủ, và số ca nhiễm trên cả nước có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, các cuộc họp trực tiếp vẫn bị hạn chế. Nhân viên cấp dưới ông Biden phải giữ khoảng cách với tổng thống, kể cả khi đã tiêm vaccine và xét nghiệm.

Tháng 12/2021, Nhà Trắng và CDC đã có động thái nới lỏng khi giảm thời gian cách ly với những người mắc Covid-19 từ 10 ngày xuống còn 5 ngày với những người không có triệu chứng, và giảm thời gian cách ly của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Động thái này được cho là như giảm áp lực cho các bệnh viện - vốn liên tục bị quá tải khi số ca nhiễm Omicron tăng mạnh.

Đầu tháng 1/2022, thủ đô Washington D.C từng có thời điểm dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm bình quân đầu người.

Ong Biden doi pho Covid-19 tai My anh 2

Số ca nhiễm trong ngày tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng số ca tử vong vẫn đang tăng, gần chạm mốc 1 triệu người. Ảnh: UPI.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh việc thực hiện “các biện pháp phòng ngừa rất chặt chẽ” để đảm bảo an toàn cho Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris, bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang và xét nghiệm hàng ngày với những người tiếp xúc với ông Biden và bà Harris. Các cuộc họp tại Nhà Trắng cũng giới hạn tối đa 30 người tham dự.

Bà Psaki lưu ý rằng Mỹ liên tục lập kỷ lục về số ca dương tính, và số người nhập viện. Vì vậy, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa tăng cường mỗi khi tổng thống tháo khẩu trang để phát biểu.

“Quan điểm của tổng thống là chúng ta phải cẩn thận và chống chọi với đợt bùng phát đang diễn ra ở nhiều nơi, nhưng chúng ta có những công cụ để khiến dịch bệnh không cản trở cuộc sống hàng ngày”, bà Psaki nói.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19, hơn 77 triệu người nhiễm bệnh. Nước này cũng gần chạm đến cột mốc 1 triệu ca tử vong, theo Worldometers.

Mặc dù triệu chứng nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn, việc ghi nhận số ca tử vong trong làn sóng Omicron cao hơn Delta nằm ở tốc độ lây lan và các bệnh viện trở nên quá tải. Mỹ hôm 27/1 ghi nhận trung bình 2.267 ca tử vong trong 7 ngày, vượt đỉnh 2.100 trong làn sóng Delta tháng 9/2021.

Càng nhiều bệnh nhân nhiễm Omicron, virus càng dễ lây lan sang người khác và gây tử vong. Người có bệnh nền, chưa tiêm chủng hoặc suy giảm miễn dịch vẫn dễ chuyển nặng hoặc cần nhập viện.

Một nguyên nhân khác đến từ việc tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ đã chững lại so với nhiều quốc gia.

Dù đang dẫn đầu trong việc chia sẻ vaccine Covid-19 cho toàn thế giới, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine, cũng như liều tăng cường tại Mỹ thấp hơn so với những nước phát triển khác như Nhật Bản, Australia, Canada, và Tây Âu, theo New York Times.

Ong Biden doi pho Covid-19 tai My anh 3

Tỷ lệ dân số tiêm đủ liều vaccine tại Mỹ thấp hơn những nước phát triển khác. Đồ họa: New York Times.

Liệu có “bình thường mới”?

Trong bài phát biểu kỷ niệm 1 năm nhậm chức ngày 19/1, ông Biden nói rằng: “Tôi sẽ không từ bỏ và chấp nhận mọi thứ như hiện tại. Một vài người gọi đây là ‘bình thường mới’. Tôi gọi đó là công việc chưa được hoàn thành”.

Có thể nói, làn sóng lây nhiễm Covid-19, đặc biệt từ biến chủng Delta và Omicron, đã giáng một đòn mạnh vào cam kết tranh cử của ông Biden về việc chấm dứt đại dịch.

Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến ông Biden và đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Các quan chức thân cận với ông Biden cho biết tổng thống muốn có nhiều cơ hội để tổ chức những sự kiện bên ngoài Nhà Trắng, vốn không thể thực hiện do đại dịch, theo AP.

Trước công chúng, ông Biden bày tỏ sự không hài lòng với một vài biện pháp phòng ngừa, nói rằng việc đầu tiên ông muốn làm trong năm thứ hai tại Nhà Trắng là “thoát ra khỏi nơi này thường xuyên hơn”.

Tuy nhiên, không chỉ ông Biden mất kiên nhẫn, thống đốc các bang tại Mỹ cũng mong muốn chính phủ đưa ra một lộ trình cụ thể để vượt qua đại dịch.

Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson, chủ tịch hiệp hội thống đốc, nói rằng họ muốn CDC đưa ra những quy chuẩn phù hợp để chấm dứt đại dịch, và đưa Covid-19 về trạng thái bệnh đặc hữu.

Nước Mỹ của ông Biden 'tứ bề thọ địch'

Các đối thủ đang dồn dập mang tới những thách thức đối với sức mạnh của nước Mỹ cũng như khả năng ứng phó của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Ông Biden suôn sẻ, ông Tập gặp khó khăn trong năm Nhâm Dần?

Các chuyên gia phong thủy Hong Kong (Trung Quốc) dự đoán vận mệnh của một số nguyên thủ thế giới trong năm Nhâm Dần, gồm tổng thống Mỹ, Nga, và chủ tịch Trung Quốc.


Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm