Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cùng lúc đối mặt hàng loạt thách thức mang tính toàn cầu, vừa tách biệt nhưng cũng vừa đan xen nhau. Ở bên kia chiến tuyến là những đối thủ nặng ký như Nga, Trung Quốc, Iran hay Triều Tiên, mang tới những bài toán chưa có lời giải cho Washington, theo CNN.
"Tứ bề thọ địch"
Hôm 24/1, Tổng thống Biden đặt 8.500 quân vào tình trạng báo động và sẵn sàng triển khai tới Đông Âu nhằm răn đe động thái tăng cường lực lượng của Nga ở biên giới Ukraine.
Lúc này, Điện Kremlin đang gia tăng sức ép quân sự và chính trị ở quy mô chưa từng có từ sau Chiến tranh Lạnh, làm dấy lên lo ngại Nga sẽ phát động chiến tranh với Ukraine. Mục tiêu của Moscow là ngăn chặn NATO tiếp tục mở rộng, kết nạp thành viên ở Đông Âu.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế suốt nhiều tháng qua, nhưng đây không phải nỗi lo duy nhất của Tổng thống Biden vào lúc này.
Tại bờ bên kia của Thái Bình Dương, Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tàu chiến và máy bay Trung Quốc liên tục quần thảo vùng trời, vùng biển quanh đảo Đài Loan và Biển Đông, thách thức cam kết của Mỹ với khu vực.
Cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định đoạt tầm ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực hiện là động lực tăng trưởng chính của cả thế giới.
Tiêm kích Su-30 và cường kích H-6K của Trung Quốc tập trận gần Đài Loan. Ảnh: Xinhua. |
Nếu như nguy cơ Nga tấn công Ukraine đã hiển hiện ngay lúc này, khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực thống nhất đảo Đài Loan sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Tại Trung Đông, nơi Washington đã cố rút chân trong vài năm qua, các căn cứ quân sự Mỹ liên tục trở thành mục tiêu tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái của phiến quân, trong đó có lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn.
Tính nghiêm trọng của các vụ tấn công là lời nhắc nhở cho thấy dù đối thoại về vấn đề hạt nhân của Iran đã tái khởi động, các tổ chức vũ trang ủy nhiệm do Tehran chống lưng sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho lực lượng Mỹ tại khu vực.
Và trong khi Washington còn đang bận rộn với những ưu tiên ở châu Âu hay Biển Đông, bế tắc xung quanh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục âm ỉ và thi thoảng bùng phát.
Bình Nhưỡng thời gian qua nhiều lần phóng thử tên lửa, một trong số đó đã làm gián đoạn hoạt động của các sân bay ở bờ Tây của Mỹ. Vụ việc là lời nhắc nhở nghiêm túc tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên có thể mang tới cơn ác mộng cho các thành phố đông dân ở đại lục của Mỹ.
Thách thức sức mạnh Mỹ
Điểm chung của các thách thức mà chính quyền Biden đang đối mặt là các đối thủ của Washington sẵn sàng ra những quyết định cứng rắn, nhằm đạt được mục tiêu chiến lược như củng cố quyền lực hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng bên ngoài phạm vi lãnh thổ của mình.
Các đối thủ cũng hiểu rằng khi nước Mỹ đang đứng trước sức ép cùng lúc ở nhiều địa bàn chiến lược, họ sẽ có lợi thế.
Vấn đề cấp bách nhất lúc này của Washington là cuộc khủng hoảng ở Đông Âu. Điện Kremlin thừa hiểu chính quyền Biden muốn xoay trục sang đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, bởi thế không có gì khó hiểu khi Nga thăm dò liệu Mỹ có phân tâm khỏi nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở châu Âu hay không.
Trong khi Mỹ đang sa lầy ở Đông Âu, Bắc Kinh có thể tọa sơn quan hổ đấu, thậm chí rảnh tay thực hiện các hành vi gây hấn ở Đông Á.
Hiển nhiên, Mỹ cần Trung Quốc giúp kiềm chế các hành vi khiêu khích như phóng tên lửa, thử hạt nhân của Triều Tiên. Đồng thời, Nga là một trong các bên chủ chốt tham gia tiến trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tuần qua, Nga, Trung Quốc và Iran đã tiến hành tập trận hải quân chung lần thứ 3 ở Ấn Độ Dương.
Tàu chiến Nga khai hỏa trong cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương với Trung Quốc và Iran. Ảnh: Reuters. |
Thách thức đang dồn dập ập đến vào thời điểm có những nghi ngại rằng Mỹ không còn nắm giữ sức mạnh như nửa sau thế kỷ 20. Dù ông Biden cam đoan "nước Mỹ đã trở lại", chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021 làm dấy lên câu hỏi về khả năng và cam kết của Washington.
Các đối thủ hiểu rõ Mỹ đã mệt mỏi sau 20 năm sa lầy ở Afghanistan và Iraq, bởi vậy sẽ có những tính toán cho rằng Washington có thể dao động trước những nghĩa vụ chiến lược quốc tế vì yếu tố chính trị.
Khi mà một nửa nước Mỹ vẫn tin vào cáo buộc gian lận bầu cử của cựu Tổng thống Trump, còn đảng Cộng hòa lên án ông Biden mềm yếu trước thách thức mà Điện Kremlin mang tới, hiếm có thời điểm nào tốt hơn để các đối thủ lấn tới.
Trong khi cựu Tổng thống Trump vẫn có khả năng trở lại nắm quyền vào năm 2024, không ít đồng minh quan ngại liệu nước Mỹ có giữ những cam kết hiện nay một khi Nhà Trắng đổi chủ.
Sự cố xúc phạm phóng viên của Fox News sau khi bị đặt câu hỏi về lạm phát hôm 24/1 có thể khiến cả các đồng minh và đối thủ hoài nghi liệu căng thẳng đã bắt đầu khiến Tổng thống Biden rối trí hay chưa.
Chia rẽ giữa các đồng minh
Trên tất cả, cuộc đối đầu với Nga đang là thách thức khó khăn nhất của Tổng thống Biden nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Nhà Trắng ban đầu phản ứng bằng cách thuyết phục Moscow rằng xâm lược Ukraine sẽ mang lại cái giá rất đắt cho nền kinh vốn đã bị bao vây cô lập của Nga.
Lúc này, ông Biden đã phải đi xa hơn khi cân nhắc củng cố lực lượng NATO ở phía đông. Hôm 24/1, NATO thông báo triển khai một số đơn vị nhỏ tới các nước thành viên tại Đông Âu và Baltic. Lần đầu tiên từ sau Chiến tranh Lạnh, một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Địa Trung Hải được đặt dưới sự chỉ huy của NATO.
Tất cả biện pháp này nhằm răn đe và cho Nga thấy mọi nỗ lực hất cẳng Mỹ khỏi châu Âu sẽ thất bại. Nhiệm vụ của ông Biden lúc này là cho thấy Mỹ sẵn sàng bảo vệ các đồng minh châu Âu. Nếu không, NATO sẽ trở thành một liên minh vô giá trị.
Nhưng rủi ro của việc Mỹ tăng cường lực lượng tại châu Âu là có thể khiến Tổng thống Putin phát động chiến tranh với Ukraine với lý do bảo vệ an ninh của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thị sát khu vực Donbass ở miền Đông. Ảnh: Guardian. |
Điện Kremlin đang hành xử khó đoán tới mức giới ngoại giao Mỹ không thể lường trước bước đi tiếp theo, hoàn toàn phải tùy cơ ứng biến mà vẫn chưa mang lại đột phá nào.
Một số chuyên gia tin rằng Điện Kremlin đã đi quá xa và sẽ không thể dừng lại cho đến khi phát động một cuộc chiến tranh có giới hạn nhắm vào Ukraine nhằm giữ thể diện.
Tuần trước, Tổng thống Biden gây tranh cãi khi phát biểu rằng "một cuộc tấn công quy mô hạn chế" sẽ không dẫn tới trừng phạt toàn diện chống Nga. Dù bị chỉ trích, không thể phủ nhận ông Biden đang nói sự thật, đặc biệt trong bối cảnh các đồng minh châu Âu chia rẽ sâu sắc trong cách đối phó với Nga.
Hành động lúc này của Moscow có tính toán kỹ lưỡng về thời điểm, khai thác triệt để chia rẽ giữa các cường quốc châu Âu với nhau, cũng như với Mỹ.
Ba nước lớn của châu Âu là Anh, Pháp và Đức đang trong giai đoạn chuyển giao nhạy cảm.
Đức vừa có chính quyền mới và hiện vẫn còn chia rẽ về chính sách đối ngoại. Berlin phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, đồng thời mọi lựa chọn phản ứng bằng quân sự đều không được hưởng ứng bởi quá khứ Quốc xã còn chưa phai nhạt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt tổng tuyển cử vào tháng 4 tới. Ông Macron đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để kêu gọi EU đóng một vai trò quyết liệt hơn, điều có thể va chạm với lợi ích của Mỹ.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang bị các bê bối trong nước bủa vây, thậm chí có nguy cơ bị đảng Bảo thủ lật đổ. Hơn nữa, London cũng đang bị EU ghẻ lạnh sau cuộc chia tay Brexit không êm thấm.
Giới chức EU đến nay chưa đưa ra những cảnh báo gay gắt như chính quyền Biden về nguy cơ một cuộc tấn công từ phía Nga. Josep Borell, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, hôm 24/1 nói tình hình chưa đến mức không thể cứu vãn.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là một trong những thời khắc khó khăn nhất của NATO từ khi thành lập, và xử lý khác biệt với các đồng minh châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga chỉ là một trong những thách thức mà ông Biden phải đối mặt.
Ngay cả khi có thể tìm ra một giải pháp hòa bình ở Đông Âu, vẫn còn đó Triều Tiên, Iran và nghiêm trọng nhất là Trung Quốc chờ đợi chính quyền Tổng thống Biden, đặt ra những bài toàn thậm chí còn khó giải hơn.