“Chúng tôi đã sẵn sàng nếu giải pháp ngoại giao không hiệu quả… Nhưng chúng tôi cũng chưa từ bỏ ngoại giao”, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield nói trong buổi họp báo trực tuyến tối 24/1.
“Tuy không thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, chúng tôi biết rõ chiến thuật của Nga”, bà Thomas-Greenfield nói. “Nó thường bắt đầu bằng các vụ tấn công mạng, hoạt động bán vũ trang, chiến dịch tung tin sai lệch…”.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Reuters. |
Bà Thomas-Greenfield đưa ra tuyên bố trên trong lúc căng thẳng giữa phương Tây và Nga tăng cao vì vấn đề Ukraine. Theo vị đại sứ, Nga đã huy động hơn 100.000 binh sĩ tới biên giới với Ukraine và tiến hành các buổi tập trận.
Ngược lại, Moscow luôn bác bỏ cáo buộc Nga có ý định tấn công Ukraine. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Alexander Grushko từng lên án việc NATO tăng cường quân sự, nói rằng liên minh quân sự đang cố tình tạo hình ảnh tiêu cực về Nga để biện minh cho hành động quân sự của mình ở sườn phía đông.
Trả lời câu hỏi liệu lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có thể được điều động tới Ukraine hay không, bà Thomas-Greenfield cho biết điều này sẽ phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Bảo an (HĐBA). “Nhưng theo tôi biết, chưa một ai trao đổi về khả năng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine”, bà nói.
Tại buổi họp báo, một số phóng viên chỉ ra rằng Nga sẽ giữ ghế chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 2. Nếu hành động trong thời gian này, Nga sẽ có quyền phủ quyết các nghị quyết của HĐBA.
Trước lo ngại trên, bà Thomas-Greenfield khẳng định việc này không làm thay đổi thực tế là HĐBA có trách nhiệm phản ứng trước tình hình.
“Họ không thể dùng quyền phủ quyết để ngăn HĐBA có cuộc thảo luận rộng mở để phản bác chiến dịch tung tin sai lệch của họ”, bà nói.
HĐBA là cơ quan quyền lực của Liên Hợp Quốc vì là cơ quan duy nhất có thể đưa ra nghị quyết có tính ràng buộc đối với gần 200 nước thành viên.
Cơ quan này có tổng cộng 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc và Pháp) cùng 10 thành viên không thường trực được bầu cử định kỳ. Thành viên thường trực của HĐBA có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết "thực chất" nào.