Thủ tướng Anh khẳng định "thảm họa" sẽ xảy ra nếu Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho hàng nghìn binh sĩ tràn sang Ukraine và tìm cách thâu tóm các vùng xa hơn của Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, theo Guardian.
Nga đã huy động 100.000 binh sĩ và vũ khí hạng nặng ở biên giới Ukraine. Căng thẳng leo thang hơn nữa khi NATO tăng cường lực lượng ở biên giới phía đông bằng các lực lượng trên bộ, trên biển và không quân, trong khi Nhà Trắng và Phố Downing thông báo một số quan chức ngoại giao bắt đầu rút khỏi Ukraine.
Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị "của một số nước và Washington" vào tối 24/1, theo giờ địa phương.
Nhà lãnh đạo Anh đã có những lời chia sẻ với các đài truyền hình trong chuyến thăm bệnh viện cùng ngày, khi ông được hỏi về viễn cảnh một cuộc tấn công có thể sắp xảy ra của quân đội Nga. Ông nói: “Tôi cho rằng thông tin tình báo về vấn đề này khá ảm đạm”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói chuyện với báo giới trong chuyến thăm bệnh viện ngày 24/1. Ảnh: Guardian. |
“Thông tin tình báo cho thấy rõ ràng có 60 nhóm tác chiến của Nga ở biên giới Ukraine. Có thể nhận thấy kế hoạch thực hiện một cuộc chiến chớp nhoáng nhằm vào Kyiv. Chúng tôi cần phải nói rõ với Điện Kremlin rằng đó sẽ là một bước đi tai hại”, ông Johnson nói.
Thủ tướng Anh nhấn mạnh ông cho rằng một cuộc tấn công là không thể tránh khỏi, song ông khẳng định Vương quốc Anh đang hợp tác với các quốc gia khác để đưa ra một gói trừng phạt kinh tế chống lại Nga.
Ông cũng nói rằng nếu nếu Moscow tiến quân sẽ dẫn tới một hậu quả đau đớn, bạo lực và đổ máu.
“Vương quốc Anh đi đầu trong nỗ lực thiết kế gói trừng phạt kinh tế, giúp tăng cường sức kháng cự của Ukraine bằng các loại vũ khí phòng thủ. Đồng thời, Anh thể hiện rõ rằng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ người dân Ukraine”, ông nói thêm.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Alexander Grushko trước đó đã lên án việc NATO tăng cường quân sự, nói rằng liên minh quân sự đang cố tình tạo hình ảnh tiêu cực về Nga để biện minh cho hành động quân sự của mình ở sườn phía đông.
“NATO dùng ngôn ngữ đe dọa và gây sức ép quân sự. Điều này không có gì mới mẻ”, ông khẳng định.