Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ tính gửi thêm quân tới Đông Âu giữa căng thẳng Nga - Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tính đến việc triển khai hàng nghìn binh lính Mỹ, bao gồm lực lượng không quân và hải quân, tới lãnh thổ các nước đồng minh Đông Âu và Baltic.

Nếu kế hoạch triển khai quân trở thành hiện thực, điều này sẽ chứng tỏ Mỹ sẵn sàng mở rộng sự can dự trong khu vực trong bối cảnh phương Tây lo ngại Nga sẽ tấn công Ukraine.

Động thái này cũng sẽ là sự chuyển biến lớn trong chính sách của chính quyền Tổng thống Biden. Cho đến nay, Mỹ khá kiềm chế trong vấn đề Ukraine. Tuy vậy, khi các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ không có kết quả, Washington bắt đầu tính đến phương án khác.

Theo New York Times, một số nguồn tin giấu tên cho biết trong cuộc họp hôm 22/1, lãnh đạo cấp cao của Lầu Năm Góc trình bày cho Tổng thống Biden về các phương án triển khai lực lượng quân sự Mỹ tại Đông Âu.

Kế hoạch bao gồm gửi từ 1.000 đến 5.000 quân Mỹ đến khu vực này. Con số trên có thể tăng gấp 10 lần nếu tình hình xấu đi. Ông Biden có thể sẽ ra quyết định ngay trong tuần này.

Nguy cơ xung đột

Các cuộc thảo luận trong nội bộ nước Mỹ được tiết lộ trong bối cảnh Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu người thân của các nhà ngoại giao Mỹ tại Kyiv rời Ukraine “do mối đe dọa từ hành động quân sự của Nga”. Một số nhân viên đại sứ quán cũng được yêu cầu về nước.

Việc cắt giảm số lượng nhân viên tại cơ quan đại diện ngoại giao là hành động thường thấy của Mỹ trước nguy cơ xung đột leo thang, ảnh hưởng đến sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ.

my gui quan toi dong au anh 1

Động thái cắt giảm nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kyiv, Ukraine có thể là dấu hiệu của một cuộc xung đột đang đến gần. Ảnh: Reuters.

“Kể cả khi chúng tôi tham gia vào kênh ngoại giao, chúng tôi vẫn chú trọng đến việc xây dựng khả năng phòng thủ và răn đe”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 23/1. “Bản thân NATO sẽ tiếp tục được củng cố đáng kể nếu Nga tiếp tục gây hấn. Tất cả phương án đều có thể được tính đến”.

Trong một cuộc họp báo cuối tuần qua, Tổng thống Biden cho biết ông đã cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng một cuộc tấn công vào Ukraine của Nga sẽ thúc đẩy Washington gửi thêm quân tới khu vực. Đây là điều Moscow hoàn toàn không mong muốn.

“Chúng tôi sẽ tăng sự hiện diện quân sự ở Ba Lan, ở Romania, vân vân, nếu ông ấy hành động”, ông Biden nói. “Đây là các thành viên NATO”.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đầu tháng 1 này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đề cập đến lời cảnh báo này.

Khi các cuộc điện đàm diễn ra, Mỹ vẫn giữ chính sách kiềm chế. Tuy vậy, sau cuộc đàm phán không thành công giữa ngoại trưởng hai nước hôm 21/1, Washington có thái độ mạnh mẽ hơn, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao lẫn quân sự.

“Đây rõ ràng là hành động đáp trả việc Nga đột ngột đóng quân ở Belarus, ở biên giới với NATO”, bà Evelyn Farkas, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định. “NATO không thể không đáp trả những hành động quân sự bất ngờ có động cơ chính trị như vậy”.

“Điện Kremlin cần hiểu rằng họ đang khiến tình hình leo thang với các động thái triển khai quân này, khiến nguy cơ gia tăng đối với mọi bên liên quan, bao gồm chính họ”, bà Farkas nói.

Trong khi đó, ông Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách châu Âu và NATO, nhận định lời răn đe của chính quyền Tổng thống Biden “chưa đủ mạnh”.

“Có thể là quá muộn để ngăn cản ông Putin”, ông Townsend nói với New York Times. “Nếu Nga tấn công Ukraine trong vài tuần tới, 5.000 quân chỉ là sự bổ sung nhỏ cho số lượng quân Mỹ và đồng minh lớn hơn nhiều đã hiện diện ở đây”.

Kế hoạch răn đe

Ngoài ông Biden, cuộc họp hôm 22/1 có sự góp mặt của cả Bộ trưởng Austin và tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Theo các quan chức, nếu ông Biden chấp nhận kế hoạch triển khai quân, các binh sĩ sẽ được lấy từ cả trong nước Mỹ lẫn các lực lượng đang đóng tại châu Âu.

Một số sĩ quan trong quân đội Mỹ nhận định lực lượng này có thể bao gồm cả không quân, công binh, hậu cần và pháo binh. Ngoài ra, ông Biden có thể gửi thêm cả máy bay tới khu vực.

my gui quan toi dong au anh 2

Binh lính Mỹ tham gia một cuộc tập trận chung của NATO tại Latvia, tháng 3/2021. Ảnh: New York Times.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, tuyên bố Mỹ cũng cần thực hiện thêm các cuộc diễn tập quân sự ở lãnh thổ các nước thành viên NATO.

“Chúng ta cần tập trận chung ở Ba Lan, các nước Baltic, Romania, Bulgaria để cho ông Putin thấy chúng ta nghiêm túc”, ông McCaul nói. “Giờ đây, ông ấy chưa thấy chúng ta nghiêm túc”.

Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, đang có khoảng 4.000 binh lính Mỹ và 1.000 binh lính NATO đóng quân ở quốc gia này. Ngoài ra, cũng có khoảng 4.000 lính Mỹ tại các nước Baltic.

Mỹ cũng thường xuyên đưa máy bay RC-135 và E-8 của không quân bay qua không phận Ukraine kể từ cuối tháng 12/2021. Các chuyến bay này giúp Mỹ có thể thăm dò thông tin liên lạc của quân đội Nga dưới mặt đất, cũng như chuyển động quân sự trên thực địa.

Mỹ cũng theo dõi mọi dấu hiệu có thể cho thấy Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới, điều các quan chức Nga từng cảnh báo.

Bên cạnh đó, hơn 150 cố vấn quân sự Mỹ đang ở Ukraine để huấn luyện cho lực lượng quân sự nước này. Cố vấn từ một số quốc gia khác như Anh, Canada, Lithuania hay Ba Lan cũng có mặt.

Theo các quan chức Mỹ, trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, các cố vấn quân sự sẽ được đưa nhanh khỏi đất nước này. Tuy vậy, không loại trừ khả năng một bộ phận sẽ ở lại.

Đằng sau cáo buộc Nga muốn thay đổi chính quyền ở Ukraine

Việc Anh cáo buộc Điện Kremlin âm mưu can thiệp thay đổi chính quyền tại Kyiv cho thấy ý định của giới chức London đóng vai trò cứng rắn hơn trong cuộc đối đầu với Nga ở Ukraine.

Mỹ, Anh cảnh báo Nga sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt nghiêm khắc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo nếu "lực lượng tăng cường của Nga" ồ ạt tiến vào Ukraine, Washington và các đồng minh sẽ có phản ứng "quyết liệt".

Việt Hà

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm