"Nếu lực lượng tăng cường của Nga tiến vào Ukraine theo cách hung hăng, như tôi đã nói, điều đó sẽ kích hoạt phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và thống nhất từ chúng tôi cùng châu Âu", Ngoại trưởng Blinken nói với CNN hôm 23/1.
Bình luận của ngoại trưởng Mỹ đã làm rõ thêm lập trường của Washington đối với bất cứ hành động quân sự gây hấn nào của Nga, sau khi Moscow điều hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới với Ukraine.
Dù vậy, ông Blinken cho biết thêm chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không áp đặt các biện pháp trừng phạt “phủ đầu” với Nga.
"Mục đích của các biện pháp trừng phạt là ngăn chặn sự xâm lược của Nga. Và vì vậy, nếu trừng phạt ngay bây giờ, chúng sẽ mất tác dụng răn đe", ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters. |
"Tất cả điều chúng tôi đang làm, bao gồm việc xây dựng một mặt trận thống nhất với châu Âu, nhằm gây ảnh hưởng đến tính toán của Tổng thống (Vladimir) Putin và răn đe, ngăn cản họ thực hiện các hành động gây hấn, ngay cả khi chúng tôi cùng lúc theo đuổi chính sách ngoại giao", ông cho biết.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ và các đồng minh trừng phạt Moscow ngay từ bây giờ vì triển khai số lượng quân đội lớn, tập trung dọc biên giới nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã gặp nhóm an ninh quốc gia của mình hôm 22/1, trong bối cảnh có thông tin cho rằng Nga đang lên kế hoạch cài cắm một nhà lãnh đạo ủng hộ Điện Kremlin ở Ukraine. Một quan chức Mỹ nói rằng các thông tin này "đáng quan ngại sâu sắc".
Trong khi đó, giới chức Anh cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng nếu nước này thiết lập một chế độ thân Nga tại Ukraine.
"Sẽ có những hậu quả rất nghiêm trọng nếu Nga thực hiện động thái này để không chỉ cố gắng xâm lược mà còn cài cắm một chế độ mới", Phó thủ tướng Anh Dominic Raab nói với Sky News.
Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ các bình luận là "thông tin sai lệch", cáo buộc Anh và NATO đang làm "leo thang căng thẳng" ở Ukraine.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ có thông tin chính phủ Nga đang xem xét cựu nghị sĩ Ukraine Yevhen Murayev là ứng cử viên tiềm năng để đứng đầu một chính phủ thân Nga tại Ukraine trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Murayev đã phủ nhận ý kiến ông hợp tác với Điện Kremlin, vì ông đã bị Nga trừng phạt vào năm 2018.
"Sáng nay, tôi đã đọc trên tất cả ấn phẩm truyền thông thuyết âm mưu này. Điều đó hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở", ông Murayev nói.
Bộ Ngoại giao Anh từ chối cung cấp bằng chứng chứng minh cáo buộc của mình. Một nguồn tin của bộ này cho biết việc chia sẻ thông tin tình báo không phải là thông lệ và các chi tiết chỉ được giải mật sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.
Tuyên bố của Anh được đưa ra sau khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga hôm 21/1 không đạt được bước đột phá lớn trong các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù họ đồng ý tiếp tục đối thoại.
Tuần trước, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu ông Putin tiếp tục điều quân đội ra biên giới. Lệnh trừng phạt nhắm mục tiêu vào hệ thống tài chính của Nga, bao gồm hạn chế khả năng của Nga trong giao dịch chuyển đổi tiền sang USD.