Washington cũng cho phép các nhân viên đại sứ quán rời đi "tự nguyện" và kêu gọi công dân Mỹ ở quốc gia Đông Âu "cân nhắc khởi hành ngay bây giờ bằng cách sử dụng các phương tiện giao thông thương mại hoặc tư nhân khác", AFP đưa tin ngày 24/1.
"Bộ Ngoại giao đã cho phép các nhân viên không thiết yếu tự nguyện rời đi và ra lệnh cho các thành viên gia đình đủ điều kiện rời Đại sứ quán ở Kyiv”, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại Nga có thể tiến hành một cuộc xâm lược vào Ukraine, giữa lúc các cuộc đàm phán về an ninh châu Âu vẫn rơi vào bế tắc.
Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv, Ukraine. Ảnh: SOPA Images. |
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã yêu cầu Bộ Ngoại giao thực hiện việc sơ tán nhân viên trong khi Mỹ phát cảnh báo du lịch ở cấp cao nhất đối với Ukraine và yêu cầu người dân không đến nước này.
Nga đã điều hàng chục nghìn quân tới biên giới với Ukraine, cùng với nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại, bao gồm xe tăng, xe chiến đấu, pháo và tên lửa.
Động thái này đã khiến Washington và châu Âu phải đưa ra cảnh báo, nhưng cho đến nay các biện pháp ngoại giao căng thẳng vẫn mang lại ít kết quả.
Hôm 23/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bác bỏ ý tưởng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow trước khả năng xảy ra cuộc xâm lược, đồng thời cho rằng chúng nên được sử dụng như một phương tiện "ngăn cản" cuộc tấn công.
“Một khi các biện pháp trừng phạt được kích hoạt, nó sẽ mất tác dụng răn đe”, ông Blinken nói. "Vì vậy, những gì chúng tôi đang làm là cùng lúc đưa ra một loạt các hành động ảnh hưởng đến tính toán của Tổng thống (Vladimir) Putin".
Điều đó bao gồm việc tăng cường phòng thủ ở Ukraine với thêm sự hỗ trợ quân sự, theo ông Blinken.