Anh bất ngờ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế vào cuối tuần khi cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin đang lên kế hoạch lật đổ chính quyền Ukraine để thay thế bằng một nhân vật thân Nga.
Vượt trên cả sự đúng sai của thông tin, đây là một phần trong chiến lược tổng hợp nhằm đưa London trở lại vị trí một trong những thế lực dẫn dắt châu Âu trong cuộc đối đầu với Moscow, vai trò quen thuộc mà Anh luôn đảm nhiệm dưới thời Winston Churchill sau Thế chiến II.
Cáo buộc này đẩy London lên tuyến đầu cuộc khủng hoảng an ninh được đánh giá là nguy hiểm nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ, theo New York Times.
Khôi phục vị thế ở châu Âu
Bước đi của London cũng cho thấy nước này đang nóng lòng chứng tỏ Anh khác biệt với những cường quốc châu Âu "mềm yếu" khác như Pháp và Đức. Tuần trước, máy bay vận tải C-17 của Không quân Anh đã chuyển lượng lớn vũ khí chống tăng cho Ukraine.
"Anh đang chứng minh sự khác biệt so với Đức và Pháp, hay thậm chí ở khía cạnh nào đó là Mỹ. Hai năm sau Brexit, Anh muốn chứng tỏ vị thế cường quốc độc lập của mình", Malcolm Chalmers, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, nói.
Binh sĩ Ukraine triển khai tại miền Đông. Ảnh: New York Times. |
Dù đúng sai thế nào, Anh cũng đang hành động quyết liệt trên nhiều phương diện. Một mặt, London chuẩn bị ban hành luật cho phép trừng phạt Nga nếu tấn công Ukraine. Mặt khác, Anh gửi quan chức cấp cao tới trấn an các nước bị Nga "dằn mặt".
Tuần tới, bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Anh sẽ làm việc với giới chức Nga, cho thấy London bắt đầu can dự trực tiếp với đối thủ.
Quan điểm cứng rắn của Anh được cô đọng trong bài viết mới của Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace trên tờ Times of London. Bộ trưởng Wallace bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Putin rằng NATO đang dần bao vây Nga.
Ông Wallace cũng chỉ trích Điện Kremlin theo đuổi "chủ nghĩa sắc tộc thô thiển" khi Moscow tuyên bố người Nga và người Ukraine là một dân tộc.
Bài viết của Bộ trưởng Wallace gây tiếng vang lớn ở Washington và châu Âu.
"Dù Anh ở trong hay bên ngoài EU, chúng ta vẫn sẽ luôn chống lại những hành vi ngang ngược của Nga", Đại sứ Anh tại Mỹ Karen Pierce nói.
Tung hỏa mù?
Trong khi Đông Âu đang nóng dần trước nguy cơ chiến tranh, một cuộc chiến khác cũng căng thẳng không kém đang xảy ra ở giữa London - nơi Thủ tướng Johnson đang chật vật trước bê bối dự tiệc giữa phong tỏa.
Bởi vậy, khi cáo buộc Nga âm mưu lật đổ chính quyền Ukraine được tung ra, tranh cãi không chỉ xoay quanh vai trò mà London mong muốn đảm nhận trong cuộc khủng hoảng, người ta cũng hoài nghi có phải đây là đòn nghi binh để dư luận thôi chất vấn Thủ tướng Johnson về bữa tiệc năm ngoái.
"Không có đòn tung hỏa mù nào hấp dẫn hơn chiến tranh", Simon Jenkins, nhà báo của Guardian, bình luận.
Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ cảnh báo nước Anh không thể để xáo trộn ở cấp thượng tầng trong thời điểm rối ren như lúc này. Các cuộc thảo luận về Nga cũng đang được phe Bảo thủ thúc đẩy.
Giới phân tích cho rằng các quan chức ở London đang tận dụng những cơ hội mà cuộc khủng hoảng an ninh ở Đông Âu mang lại.
Trong chuyến thăm binh sĩ Anh đóng ở Estonia tháng 11/2021, Ngoại trưởng Liz Truss trong bộ quân phục chụp ảnh trên tháp pháo của một chiếc xe tăng.
Các nhà bình luận cho rằng ngoại trưởng đang học theo phong cách của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher, trong bối cảnh có những đồn đoán bà Truss có thể là một lựa chọn thay thế Thủ tướng Johnson sau này.
Nếu gạt những động cơ chính trị nội bộ sang một bên, có những lý do cả về lịch sử lẫn chiến lược để Anh tỏ thái độ cứng rắn với Nga.
Quan hệ giữa London và Moscow đã xấu đi trầm trọng sau vụ một cựu điệp viên Nga và con gái bị ám sát ở Salisbury bằng chất độc thần kinh Novichok năm 2018. Giới chức Anh cáo buộc tình báo quân đội Nga đứng sau vụ việc, sau đó London đáp trả bằng cách trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga.
Thủ tướng Johnson đến nay vẫn chưa lên tiếng mạnh mẽ như Bộ trưởng Quốc phòng Wallace. Hôm 20/1, ông Johnson nói "bất cứ hành vi xâm phạm" nào của Nga "sẽ trở thành thảm họa, không chỉ cho Ukraine hay Nga, mà cho cả thế giới".
Tham vọng toàn cầu
Hành động của Anh lúc này được các nhà phân tích đánh giá là "cố tình gây hấn", cho thấy sự thất vọng của giới chức quân sự bởi từ trước đến nay, chính sách của London dường như chỉ mang tính phản ứng sau hàng loạt hành động khiêu khích của Nga.
Đại sứ Anh tại Mỹ Pierce tuyên bố London duy trì chính sách đối ngoại độc lập ngay cả khi còn là thành viên EU. Tuy vậy sau Brexit, Anh đã không tham gia các biện pháp trừng phạt tập thể như nước này từng làm khi còn là thành viên của khối.
Giới chức Anh cho biết đây là lý do chính phủ cần đưa ra luật mới cho phép trừng phạt các cá nhân, tổ chức Nga mà London thấy cần hành động.
Những động thái quyết liệt với Nga cũng cho thấy Anh muốn khẳng định giá trị của mình hậu Brexit.
Vũ khí chống tăng được Anh chuyển giao cho Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Kim Darroch, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Thủ tướng David Cameron, nói London từng từ chối vũ trang cho Ukraine bởi lo sợ vũ khí sẽ rơi vào tay những lực lượng nguy hiểm khác. Nhưng giờ, lo ngại này đã chìm nghỉm trước nhu cầu phải hành động độc lập và mạnh mẽ hơn.
"Tôi nghĩ đây là một phần trong nỗ lực thể hiện chúng ta không bị ràng buộc với EU, khối dẫn dắt bởi Đức vốn có quan điểm mâu thuẫn trong quan hệ với Nga", ông Darroch nói.
Đức và nhiều nước EU phụ thuộc nặng nề vào nguồn khí đốt từ Nga. Năng lượng là lý do Đức chấp nhận mâu thuẫn với Mỹ để thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 với Nga.
Tuần trước, trên đường đưa vũ khí viện trợ tới Ukraine, máy bay của Không quân Anh đã tránh bay qua không phận Đức, thay vào đó đi vòng qua vùng trời Đan Mạch. Một quan chức Anh nói London không tham vấn Berlin việc chuyển giao vũ khí bởi Đức nhiều khả năng sẽ trì hoãn kế hoạch này.
Tuần qua, Ngoại trưởng Truss cũng không tham dự cuộc họp ở Berlin để thảo luận về tình hình Ukraine với các đồng cấp Mỹ, Đức, Pháp, mà chỉ cử cấp phó. Thay vào đó, bà Truss tới Australia để xúc tiến kế hoạch đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Quyết định của Ngoại trưởng Truss tưởng như kỳ lạ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang nóng bỏng ở Đông Âu, nhưng nó cho thấy cam kết của Anh với khu vực châu Á - một trong các ưu tiên của London hậu Brexit.
Xa hơn nữa, Anh thể hiện mong muốn tái lập vị thế cường quốc toàn cầu, xóa bỏ ấn tượng London luôn đứng dưới cái bóng và đi theo sau Washington trong chính sách đối ngoại.