Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người đứng sau những bộ sách thiếu nhi nổi tiếng

Năm 1992-1995, nhà văn Lê Phương Liên là người biên tập chính bộ truyện tranh "Đôrêmon" phiên bản tiếng Việt đầu tiên và viết giới thiệu các nhân vật của bộ truyện.

Nhà văn Lê Phương Liên.

Nhà văn Lê Phương Liên là người đã dành 50 năm để viết, để biên tập sách và gieo những hạt giống thiện lành cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam.

“Xuất bản sách cho trẻ em là tương lai của xuất bản thế giới”

Trước khi là một thành viên của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà văn Lê Phương Liên là một cô giáo dạy môn Toán - Lý. Kể về bước ngoặt này, bà bồi hồi nhớ lại: “Trong quãng thời gian là một cô giáo, tôi đương nhiên rất yêu nghề dạy học, đặc biệt là tôi thích làm việc với trẻ em và đó cũng là điều mà tôi theo đuổi suốt đời. Thế nhưng tôi cũng muốn hiểu biết về ngành xuất bản và do đó tôi chọn chuyển việc, dù sau quyết định này tôi phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều để đứng vững trên con đường mới”.

Tại Nhà xuất bản Kim Đồng, bà đã làm việc qua nhiều bộ phận như Công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Ban biên tập sách lịch sử, Ban tranh truyện. Bà đã giữ vai trò biên tập chính cho những cuốn sách mà hiếm có độc giả nào ở Việt Nam lại không biết đến.

Năm 1992-1995 nhà văn Lê Phương Liên là người biên tập chính bộ truyện tranh Đôrêmon (Doraemon) phiên bản tiếng Việt đầu tiên, bà cũng viết phần giới thiệu các nhân vật của bộ truyện, phần mà ở một số phiên bản khác không có.

Để đưa Đôrêmon đến với độc giả Việt Nam là một hành trình có tính lịch sử với Nhà xuất bản Kim Đồng, nó đánh dấu một Kim Đồng vững vàng hơn trong thời kỳ đổi mới. Quyết định làm bộ sách này được ông Nguyễn Thắng Vu (cố giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng) đưa ra sau khi ông nhận thấy vai trò quan trọng của một loại sách rất gần với “văn hóa nghe nhìn” đó là tranh truyện, đặc biệt là mảng tranh truyện hài hước liên hoàn mà thế giới gọi là truyện tranh comics.

Dưới sự chèo lái tài tình của vị thuyền trưởng ấy, nhà văn Lê Phương Liên đã cùng những đồng nghiệp của mình mang tác phẩm của họa sĩ Fujiko F. Fujio tạo nên những “cơn sốt” trong cả nước, gặt hái liên tiếp những thành công. Với những đóng góp đó, bà đã vinh dự trở thành Giám đốc Quỹ học bổng Đôrêmon của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Sau thành công của bộ truyện tranh Đôrêmon nhà văn lê Phương Liên dành tâm huyết nhiều hơn đến văn học thiếu nhi trong nước. Bà đã chuyển sang Ban biên tập sách văn học để làm “Tủ sách vàng”. Trong “Tủ sách vàng” có một bộ sách đặc biệt của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Kính vạn hoa - một bộ sách gắn bó với tuổi thơ của biết bao người.

Nói về công việc biên tập bộ sách này, bà tâm sự: "Kính vạn hoa là cuộc chạy marathon 7 năm (1995-2002) với tôi và anh Nguyễn Nhật Ánh”.

Nha van Le Phuong Lien anh 1

Nhà văn Lê Phương Liên (thứ hai từ trái sang) tại Lễ kỷ niệm 25 năm ra mắt tập đầu tiên Kính vạn hoa.

Bên cạnh những bộ truyện nổi tiếng kể trên, nhà văn Lê Phương Liên còn đóng góp công sức của mình trong nhiều tác phẩm của nhà văn Hà Ân, cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng hay bộ truyện tranh Từ làng sen kể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo nhà văn lê Phương Liên, tố chất cần có của một biên tập viên là phải biết đặt cái tôi xuống, phải biết cảm nhận rộng hơn, phải hiểu tác giả khác, hiểu những phong cách riêng của họ. “Mình phải có một cảm quan, thẩm thấu thẩm mỹ văn học rộng, nếu hẹp mình sẽ gạt rất nhiều bản thảo của các người viết ra ngoài” – nhà văn chia sẻ.

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng không chỉ có nghề viết, mà còn có nghề đọc và trong quá trình làm biên tập sách bà đã rèn luyện được cái nghề đọc đó. Theo bà phải đọc và hiểu được cái hay cái đẹp của người khác chứ không thể chỉ nghĩ tới cái hay, cái đẹp của mình. Đây là một trong những yếu tố đã giúp bà nhận được sự tin tưởng và trở thành Trưởng ban Tiểu ban Sách thiếu nhi của Giải thưởng sách Quốc gia.

Sách dành cho thiếu nhi - Những cuốn sách không biên giới

Khi trở thành Biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà văn Lê Phương Liên đã được gặp gỡ với nhiều nhân vật, các chuyên gia ngành xuất bản quốc tế, có điều kiện được học hỏi, mở rộng tầm nhìn ra các nền xuất bản sách trẻ em của thế giới. Bà đồng tình với ý kiến của rất nhiều người làm sách cho trẻ em với quan điểm “xuất bản sách cho trẻ em là tương lai của xuất bản thế giới”.

Theo bà, trẻ em có đọc sách thì nền xuất bản thế giới mới đứng vững được trong tương lai, trẻ em có thói quen đọc sách, có văn hóa đọc từ nhỏ thì lớn lên mới tiếp tục gìn giữ cái thói quen đó.

Nha van Le Phuong Lien anh 2

Nhà văn Lê Phương Liên trò chuyện với các em thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu.

Nhắc tới trẻ nhỏ, đôi mắt bà lấp lánh hẳn lên, bà chia sẻ:

"Với tôi, yêu mến trẻ em như là một điều bẩm sinh tự nhiên, tôi là con một nhà giáo, ngay từ nhỏ tôi đã quen với việc gắn bó với trẻ thơ, cũng như mẹ tôi, bản thân là một giáo viên, tôi yêu thích học sinh của mình và tôi thường bênh vực những em nghịch ngợm”.

Nhà văn Lê Phương Liên đặc biệt cảm thông với tâm lý trẻ em, theo bà, với những em nghịch ngợm, cá biệt thì chúng ta cần yêu thương và phải hiểu tâm lý và luôn nghĩ đến những cái tốt của em đó là điều quan trọng nhất. Với bà, không có trẻ em hư mà mọi trẻ em đều sẽ thành người lương thiện nếu như chúng ta tạo cho em ấy một khát khao để trở thành người chân thiện.

Đối với những em đặc biệt, mắc khuyết điểm, theo bà, chúng ta không nên có định kiến rằng chúng đã quá xấu, đã hư hỏng mà chúng ta phải tìm cách, để mà biến đổi cái cá tính còn thô, còn hung hãn, còn ích kỷ đó thành những thái độ sống tử tế biết chia sẻ và yêu thương mọi người.

Từ sự cảm thông, thấu hiểu với trẻ em như thế, nhà văn Lê Phương Liên đã luôn đưa những tâm niệm đó vào các sáng tác của mình. Bà chia sẻ: “Tôi không viết trong quyển sách của mình những điều xấu xa, quá quắt, tăm tối vì tôi muốn trong trang văn của mình là những cái đẹp, cái thiện lành”.

“Trẻ em trên thế giới đều giống nhau” - là một điều bà rút ra được sau một chuyến công tác tại Lào. Câu chuyện xảy ra khi bà đi trên một đường phố, bà nghe thấy tiếng khóc rưng rức như bị ai bắt nạt của một em bé người Lào. Bà nhận ra rằng tiếng khóc đó cũng giống như tiếng khóc của trẻ em Việt Nam. Và bà cũng nhận ra, tiếng cười của trẻ em ở khắp nơi trên thế giới cũng đều giống nhau như vậy.

Và từ đây, nhà văn Lê Phương Liên đã đúc rút ra một kinh nghiệm để làm sách cho thiếu nhi: “Trẻ em trên thế giới này đều khóc và đều cười như nhau, do đó nếu như tác phẩm nào làm cho các em cười, làm cho các em khóc thì những tác phẩm đó không có biên giới”. Bà nhắn nhủ: “Hãy viết làm sao để có thể chạm vào trái tim của con trẻ”.

Cuốn tiểu thuyết dã sử về tài nữ Đoàn Thị Điểm

Những câu chuyện xoay quanh đề tài người nữ sĩ trong sử Việt được chia sẻ trong buổi giao lưu ra mắt sách “Nữ sĩ thời gió bụi” diễn ra tại Thư viện Quốc gia chiều ngày 16/4.

Khơi nguồn tri thức cho thiếu nhi

Với hơn 16.000 đầu sách cùng nhiều chương trình hấp dẫn, Hội sách Thiếu nhi TP.HCM được thực hiện nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho thiếu nhi trong hè này.

https://arttimes.vn/van-tho/nha-van-le-phuong-lien-nguoi-dung-sau-nhung-bo-sach-thieu-nhi-noi-tieng-c55a13998.html

Huyền Thương / Thời báo Văn học Nghệ thuật

Bạn có thể quan tâm