Từ đêm 13 đến trưa 14/2, nhiều giờ trước khi lễ viếng bắt đầu, hàng trăm người dân Đà Nẵng đã tìm về tư gia ông Nguyễn Bá Thanh. Có những người vẫn chưa thể tin ông đã ra đi. Có những người không kìm được nước mắt, bật khóc nức nở, tiếc thương cho vị lãnh đạo đã góp công lớn thay đổi thành phố.
Là một trong những người có mặt sớm nhất tại lễ viếng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ trong sổ tang: "Tháng trước ra thăm Bá Thanh, vẫn còn hy vọng. Thế mà hôm nay Thanh đã ra đi để lại bao nỗi tiếc thương, đau xót cho anh em, đồng chí. Bên ngoài, nhân dân, bạn bè đến viếng Bá Thanh đông lắm, Thanh có biết không? Có ai biết, trong đau thương lại có tự hào? Vĩnh biệt Thanh, người đồng chí, người bạn, người em thân thương".
Còn ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức trung ương không nén nổi tiếc thương, bởi ông Thanh mất đi "là tổn thất rất lớn không chỉ của gia đình, mà còn là tổn thất không gì bù đắp được của bạn bè, đồng đội".
Thay mặt những người con quê hương, ông Trần Thọ viết những dòng từ biệt người đồng chí: "Đồng chí, một người con của quê hương, luôn tận tâm, tận tụy với công việc, một người đồng chí lãnh đạo cương trực, năng động, sáng tạo, quyết đoán, vì dân, vì nước. Kính mong anh yên nghỉ nơi chốn vĩnh hằng"...
Dòng người lần lượt nối dài, chỉ trong vài giờ đã có 200 đoàn cùng hàng nghìn người vào viếng. Đến tối, những vòng hoa trắng, những đoàn người vẫn tìm về số nhà 189 đường Cách mạng Tháng Tám (phường Khuê Trung, huyện Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), xếp dài hàng chục mét.
Thân nhân vị Trưởng ban Nội chính cho hay, để đáp lại tấm lòng, gia đình mở cửa tới khuya để mọi người tới viếng.
-
Đúng 14h ngày 14/2, lễ viếng ông Nguyễn Bá Thanh bắt đầu tại tư gia đường Cách Mạng Tháng 8 (TP Đà Nẵng). Trước đó hàng trăm người dân tập trung trước nhà ông Thanh để tỏ lòng thành kính. Ảnh: Anh Tuấn.
-
Ông Nguyễn Bá Thanh (sinh ngày 8/4/1953) ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng; tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội và có học vị tiến sĩ.
Ông Thanh từng là Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn, Phó bí thư Huyện ủy Hòa Vang, Giám đốc Nông trường Chè Quyết Thắng, sau đó là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng.
Năm 1996, ông được cử giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đầu tiên sau khi chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng và giữ chức vụ này trong 7 năm. Năm 2003, ông Thanh giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Tháng 12/2012, Bộ Chính trị phân công ông giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ông Thanh lâm bệnh nặng vào tháng 9/2014 và được đưa sang Mỹ điều trị. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của gia đình, ông được đưa về quê hương để tiếp tục điều trị. Đêm 9/1, chuyên cơ y tế đã đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ về bệnh viện Đà Nẵng. Ông được chẩn đoán mắc căn bệnh rối loạn sinh tủy.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 13/2 tại Đà Nẵng, sau nửa năm chữa bệnh ở trong và ngoài nước.
-
Rất nhiều vòng hoa chia buồn của các cơ quan ban ngành, người dân thành kính phân ưu với gia đình. Ảnh: Anh Tuấn
-
14h35, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có mặt lễ viếng. Ảnh: Anh Tuấn.
-
Khuya 13/2, hàng trăm người tập trung trước nhà ông Thanh để tỏ lòng thành kính và chia buồn cùng gia đình. Nhiều người không cầm được nước mắt trước sự ra đi của một lãnh đạo được người dân quý mến. Ảnh: Anh Tuấn
-
Bạn Đặng Văn Thịnh viết: "Năm 2003 khi mới đặt chân đến Đà Nẵng để học tập, một lần ông cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng tham dự cuộc hội thảo về hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Một chị sinh ra tại Đà Nẵng du học xong được nhiều công ty nước ngoài mời về làm việc nhưng chị lại muốn về quê hương nhưng điều kiện gặp nhiều khó khăn. Hiểu được điều đó ông Thanh nói nếu cháu về bác sẽ tạo điều kiện hết sức, TP rất cần những người có tài, tâm huyết để xây dựng và phát triển. TP Đà Nẵng được như ngày hôm nay công sức của ông là không thể đếm hết. Là người con của đất Quảng yêu thương, tôi tự hào về ông. Mong ông được yên nghỉ, vĩnh biệt ông".
-
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB MTTQ VN - đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Đoàn Nguyên
-
-
Theo phóng viên Đoàn Nguyên, hiện phía trước đường Cách Mạng Tháng Tám và các ngã đường vào nhà ông Nguyễn Bá Thanh đã chật cứng người. Hàng trăm đoàn đến từ khắp nơi xếp hàng chờ đến lượt vào viếng ông Thanh.
-
Bạn đọc Thanh Hà chia sẻ: "Mình là người sinh ra và lớn lên ở Hải Dương đã có dịp vào Đà Nẵng công tác. Khi nghe tin bác mất mà bàng hoàng, không nghĩ bác lại ra đi. Đọc những bài báo viết về bác mà nước mắt cứ rơi. Thực sự khi thấy người dân như thế này mới thấy rằng những gì bác làm cho mảnh đất Đà Nẵng quá nhiều. Bác yên nghỉ nhé bác".
-
Ông Đặng Văn Long (73 tuổi, trú Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đem vòng hoa đến trước cổng nhà riêng ông Thanh từ trưa để chờ vào thắp hương. "Nghe tin ông Thanh mất, chúng tôi như đứt từng khúc ruột. Không những tôi mà rất nhiều người dân Hòa Xuân đều rất xót thương trước sự ra đi này. Thôi thì, sinh lão bệnh tử vốn là quy luật, cầu cho ông Thanh ra đi thanh thản", ông Long xúc động nói.
-
Theo quan sát của phóng viên Zing.vn, nhiều vị lãnh đạo cấp cao như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Nguyễn Thị Kim Ngân... đã gửi vòng hoa tới chia buồn cùng gia quyến. Lúc này, người dân đã có thể bắt đầu xếp hàng vào viếng.
-
Nhiều phóng viên nước ngoài cũng đã có mặt tại Đà Nẵng để đưa tin lễ viếng Trưởng ban Nội chính Trung ương. Nhà báo Dadvid Wicson (đến từ Hồng Kong) có mặt từ trưa 13/2. Anh tâm sự: "Ông Nguyễn Bá Thanh là một nhà lãnh đạo tài ba được nhiều người trên thế giới biết đến. Do đó, tôi đến đây để ghi nhận những tình cảm của người dân Đà Nẵng đối với vị lãnh đạo này. Tôi mong Việt Nam sẽ luôn có nhiều lãnh đạo xuất chúng như ông". Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Đến 15h10, khu vực trước cổng nhà ông Thanh đã chật kín người dân và đại diện các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi vòng hoa đến viếng.
-
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đến viếng Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Anh Tuấn
-
Theo phóng viên Đoàn Nguyên, có nhiều người làm nghề xe ôm, bán vé số cũng bỏ việc đến đây với hy vọng được thắp cho ông Thanh nén hương tiễn biệt. Anh Trân Văn Nam (41 tuổi, trú Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết từ khi nghe tin ông Thanh mất, anh cùng với hàng chục người làm nghề xe ôm ở bến xe đã nghỉ chạy để đến nhà riêng ông Thanh tỏ lòng kính trọng.
"Ông Thanh ra đi là sự mất mát lớn đối với nhân dân Đà Nẵng. Từ ngày ông ấy làm Chủ tịch rồi Bí thư, Đà Nẵng phát triển không ngừng. Trước đây, chúng tôi ở nhà chồ thì giờ đã có nhà mới khang trang hơn. Thậm chí, ngay cả chiếc xe máy chúng tôi làm nghề cũng do ông ấy tặng", anh tâm sự.
-
Chương trình “Năm không, ba có”: Không có hộ đói; Không có người mù chữ; Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; Không có giết người để cướp của. Có nhà ở; Có việc làm và Có lối sống văn minh đô thị xuất phát từ ý tưởng của ông Nguyễn Bá Thanh đã và đang trở thành hiện thực sinh động ở Đà Nẵng.
-
Công an Đà Nẵng cho biết do lượng người dân mỗi lúc đến viếng một đông nên đơn vị đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ để đảm bảo an ninh trật tự. Trong vòng bán kính 2 km khu vực nhà ông Thanh, lực lượng CSGT sẽ chốt chặn để đảm bảo lưu thông. Theo công an Đà Nẵng mặc dù số lượng người đỗ về đường Cách Mạng Tháng Tám mỗi lúc một nhiều nhưng tình hình giao thông trên tuyến này vẫn được đảm bảo.
-
Cụ Đặng Văn Long (ở Hoà Xuân, Cẩm Lệ) mang vòng hoa và bài thơ viết về ông Thanh đến viếng. Ảnh: Anh Tuấn
-
Trong khi xếp hàng vào viếng ông Thanh, một cụ già ôm mặt khóc nức nở. Ảnh: Anh Tuấn
-
Dòng người đổ về nhà ông Thanh mỗi lúc một đông. Ảnh: Anh Tuấn
-
Ông Phan Đình Trạc - Phó trưởng ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Tuổi trẻ.
-
Hãng tin AFP nhận định, ông Nguyễn Bá Thanh đã có công đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch, đầu tư và công nghệ lớn của Việt Nam.
-
-
Bế đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi ngồi bên phía đường, chị Dương Thị Huệ (47 tuổi, trú khu chung cư liền kề Hòa Minh, quận Liên Chiểu) khóc và kể chị sinh ra trong một gia đình nghèo lại không may mắn trong chuyện tình cảm.
Năm 2007, chị bị người yêu phụ bạc bỏ rơi nên không có nơi tương tựa. Nhờ sự giới thiệu của Hội phụ nữ TP Đà Nẵng, ông Thanh đã biết được hoàn cảnh của chị nên chỉ đạo chính quyền địa phương cấp cho chị căn hộ ở khu chung cư. Nhờ đó, chị đã có chốn nương thân.
"Sau khi có nhà mới, tôi kết hôn với ông xã và sinh con. Dù vẫn còn bộn bề gian khó nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn. Hôm nay, tôi bế con đến đây để thắp cho bác Thanh một nén nhang và gửi lời tri ân đến bác ấy", chị Huệ nói và cho biết sẽ đợi đến khi nào được vào trong thắp hương mới về.
-
Bạn đọc Phạm Thị Quỳnh chia sẻ trên Zing.vn:
"Đường hoa Đã Nẵng thôi khoe sắc
Nắng nhạt hồn buông ngấn lệ sầu
Sông Hàn gục đầu, thương kiếp bạc
Tiễn người tài đức đến nơi xa
Mãi khắc ghi công lao trời biển
Người Đà Nẵng kề vai sát cánh
Xây kì tích phác họa bác Thanh ơi!". -
Một bạn trẻ lau nước mắt sau khi thắp nhang cho ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Anh Tuấn
-
Bạn đọc Anh Vinh chia sẻ: “Tôi là người Hà Nội và đã nhiều lần đi công tác hoặc du lịch tới TP Đà Nẵng nên tôi có tình cảm yêu mến thành phố này. Phải nói thật, Đà Nẵng được như ngày hôm nay là có đóng góp rất lớn của bác Thanh. Người dân có thể không nhớ đầy đủ chức vụ của bác, nhưng tôi tin chắc chắn rằng nhân dân TP Đà Nẵng và nhân dân mọi miền của Tổ Quốc sẽ nhớ mãi những cống hiến to lớn của bác. Thành tâm thắp nén hương cầu mong linh hồn bác siêu thoát”.
-
Ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức trung ương ghi vào sổ tang rằng, ông Nguyễn Bá Thanh là đảng viên sâu sát cơ sở, thấu hiểu tâm trí, nguyện vọng của nhân dân, dám nghĩ dám làm. "Anh mất đi là tổn thất rất lớn không chỉ của gia đình, mà còn là tổn thất không gì bù đắp được của bạn bè, đồng đội", ông Tô Huy Rứa viết - Theo Tuổi trẻ.
-
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ghi vào sổ tang: "Xin vĩnh biệt chú Nguyễn Bá Thanh, người đồng chí, người anh em thân thiết của tôi. Nguyễn Bá Thanh là con người của công việc, hết lòng lo cho dân cho nước; con người năng động, sáng tạo trong chủ trương và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng, luôn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao phó. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh vĩnh biệt chúng ta, nhưng những thành tựu làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt thành phố Đà Nẵng ngày càng hiện đại, khang trang, văn minh sẽ được nhân dân tôn vinh qua nhiều thế hệ".
-
Cháu Lê Ngọc Quyên (6 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) theo cậu đến trước nhà riêng ông Thanh từ trưa, nhưng do còn quá nhỏ nên không được vào bên trong. Thấy vậy, Quyên khóc nức nở và tâm sự: "Cháu nghe bố mẹ và cô giáo nói ông Thanh là người tốt. Cháu đến đây để thắp hương nhưng mọi người không cho vô". Ảnh: Đoàn Nguyên
-
Vào thời điểm này, ở Đà Nẵng trời bắt đầu bớt nắng. Dòng người vẫn đổ về nhà ông Thanh trên đường Cách Mạng Thang Tám. Trong hàng ngàn người đó có cả những cụ già ngồi xe lăn, chị bán vé số, người chạy xe ôm...
-
Cụ Đinh Thị Biên (80 tuổi, hàng xóm của ông Thanh) xếp hàng 30 phút mới đến lượt vào viếng. Cụ được gia đình mang ghế ra mời ngồi chờ. Ảnh: Anh Tuấn.
-
Cụ Võ Tấn Ích, cựu chiến binh Đoàn tàu không số, cùng đồng đội chiến đấu từ năm 1961 tới viếng ông Bá Thanh. Ảnh: Anh Tuấn.
-
Cụ Ích kể, ngày còn sống ông Bá Thanh luôn quan tâm thăm hỏi các cựu chiến sĩ tàu không số sinh sống tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Các cựu chiến binh tỏ lòng tiếc thương một tấm gương lớn, một nhân cách vĩ đại... Ảnh: Anh Tuấn.
-
Độc giả Đặng Quốc Thành bày tỏ cảm xúc: “Tôi là người Hà Tĩnh chưa bao giờ được gặp bác Thanh. Nhưng những gì bác đã để lại cho nhân dân Đà Nẵng thực sự vĩ đại. Tôi đọc bài viết này mà nước mắt cứ tuôn rơi, sự ra đi của bác là mất mát quá lớn. Chúc bác an giấc ngàn thu”.
-
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ mô tả ông Nguyễn Bá Thanh là "kiến trúc sư trưởng sau sự chuyển mình của Đà Nẵng, giúp Đà Nẵng trở thành thành phố dễ làm ăn nhất Việt Nam trong những năm gần đây và có cơ sở vật chất tốt nhất trong cả nước".
-
Dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh gắn liền với những công trình giao thông, phúc lợi xã hội góp phần giúp Đà Nẵng mở rộng 5 lần diện tích cũ, nâng cao đời sống người dân. Cầu Sông Hàn khánh thành vào năm 2000 là biểu tưởng mới cho hình ảnh Đà Nẵng; cầu Cẩm Lệ nối liền quốc lộ 1A và quốc lộ 1B, đánh thức sự phát triển của cả một vùng đất phía Tây Nam TP Đà Nẵng; cầu Rồng khánh thành năm 2013 được công nhận là cây cầu có kiến trúc độc đáo nhất thế giới; Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo khánh thành năm 2013…
-
Lúc 17h, ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an, vào viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Đoàn Nguyên
-
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang viết trong sổ tang: "Đảng ủy Công an Trung ương Bộ Công an vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, người Đảng viên ưu tú, có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho sự nghiệp phát triển thịnh vượng của TP Đà Nẵng. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, Chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng".
-
“Từ nhà bác về mà lòng đau thắt. Hàng trăm người đứng ngóng mong được thăm bác là hàng trăm người cầu mong đó là không phải là sự thật. Ai cũng mong bác đang nằm dưỡng bệnh trong đó. Những em nhỏ không biết bác là ai cũng đứng chờ. Người già thì lệ lăn trên má. Những người dân khác thì thi nhau kể về bác như kể truyện cổ tích đời thực. Tất cả mọi người đều cầu mong bác bình an mà giờ bác đã đi xa mãi mãi. Mong bác an nghỉ nơi suối vàng!”, độc giả Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
-
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết trong sổ tang: "Tháng trước ra thăm Bá Thanh, vẫn còn hy vọng. Thế mà hôm nay Thanh đã ra đi để lại bao nỗi tiếc thương, đau xót cho anh em, đồng chí. Bên ngoài, nhân dân, bạn bè đến viếng Bá Thanh đông lắm, Thanh có biết không? Có ai biết, trong đau thương lại có tự hào?
Vĩnh biệt Thanh, người đồng chí, người bạn, người em thân thương".
-
Ảnh: Anh Tuấn.
-
“13h ngày 13/2 mấy đứa làm báo ngồi tụm với nhau ngày cuối năm. Trong câu chuyện công việc, chúng tôi nói đến anh Thanh, người mà cánh làm báo có rất nhiều kỷ niệm mỗi khi vào công tác ở Đà Nẵng. Cũng đúng lúc ấy, tại ngôi nhà riêng của anh ở Đà Nẵng, anh trút hơi thở cuối cùng ra đi. Mấy phút sau theo dõi mạng thấy tin anh qua đời. Tất cả bọn ngồi im lặng, trong lòng ai cũng thấy nghẹn ngào, đau xót quá. Anh đã không chỉ để lại cho thành phố Đà Nẵng những dấu ấn lớn, mà anh còn để lại trong lòng đồng chí, bè bạn gần xa nhiều lắm nỗi nhớ thương. Chiều nay, Đà Nẵng thay mặt mọi người đến viếng anh. Không thể vào được để thắp nén nhang tiễn biệt anh tôi thấy buồn. Nhưng với tôi, giọng nói và nhất là cái cười hồn nhiên, chân tình mà sảng khoái trên khuôn mặt anh ngày nào thì còn sống mãi mãi”, độc giả Bai Minh chia sẻ.
-
Chia sẻ trên Tuổi trẻ, nguyên Phó trưởng Ban Nội chính Trần Đại Hưng nói: “Dù mới ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, anh Nguyễn Bá Thanh vào cuộc nhanh, kiên quyết, năng nổ, nhiệt tình xốc vác, có bản lĩnh".
Theo ông, công tác phòng, chống tham nhũng còn phải làm nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa mới có thể đáp ứng được sự chờ đợi, kỳ vọng của người dân. Tuy nhiên, bước đầu những “đường nét” công việc mà tập thể Ban Nội chính Trung ương và Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh đã tạo lập là cơ sở quan trọng cho lĩnh vực này đạt được những kết quả mới trong thời gian tới. Ảnh: Tuổi trẻ.
-
"Một trong những đặc điểm đáng nhớ của ông Thanh là khả năng nói rất dài, có thể lên tới 3 giờ, nhưng rất tự nhiên, thuyết phục và vui vẻ. Khả năng đó khiến những diễn văn của ông trở nên ngoạn mục. Người dân Việt Nam trên khắp cả nước sẽ nhớ mãi ông", AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Việt Nam Jonathan London.
-
18h20, trời bắt đầu tối, dòng người tới viếng vẫn kéo dài hàng chục mét ngoài cổng. Ảnh: Anh Tuấn.
-
"Sáng ra trên đường về lại thành phố, Bí thư Lân nói với nhà báo Đinh Văn Mãnh ngồi cùng xe: "Cái cậu Bá Thanh này là người huyên thuyên, một tấc đến trời".
- Thưa anh, không hẳn như vậy, Bá Thanh là một người hành động - nhà báo đáp lại. Rồi anh kể cho Bí thư Lân nghe anh đã nhiều lần gặp Nguyễn Bá Thanh từ những ngày còn chủ nhiệm hợp tác xã, giám đốc nông trường, phó chủ tịch huyện, anh biết đây là một con người không bao giờ nói mà không làm. Nếu đặt anh đúng chỗ sẽ có thành quả ngay" - trích Những chuyện chưa từng công bố về ông Nguyễn Bá Thanh - Thái Bá Lợi (Báo Tuổi trẻ).
-
Đến 18h30, Đà Nẵng sẩm tối, gió biển mang theo những cơn gió lạnh thổi vào nhưng hàng trăm người dân, quan khách trong và ngoài nước vẫn tìm đến tư gia ông Nguyễn Bá Thanh. Gia đình vị cựu Bí thư Đà Nẵng cho hay, tính đến lúc này, gần 200 đoàn khách với hàng nghìn người đã đến viếng.
Người thân của ông khẳng định, gia đình sẽ mở cửa đến khuya để mọi người tới viếng. Ảnh: Anh Tuấn - Đoàn Nguyên.
-
"Chỉ biết bác qua từng trang báo, qua lời kể của thầy cô, nhưng cháu rất kính trọng, biết ơn và vô cùng tự hào về bác. Bác để lại cho thế hệ trẻ niềm tin, tự hào và lòng kiêu hãnh. Mấy hôm nay cứ đọc tin tức về bác là nước mắt cháu lại rơi. Bác đã đi thật rồi", độc giả Liễu Nguyễn không giấu được cảm xúc.