Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Người dân tâm tư với đề xuất tính giá điện mới

Giá điện sinh hoạt dự kiến rút gọn còn 5 hoặc thậm chí 4 bậc thay vì 6 bậc như hiện hành. Theo cách tính mới, giá điện sẽ cao hơn nếu sử dụng trên 700 kWh/tháng.

tang gia dien anh 1

"Tính đi tính lại kiểu gì vẫn thấy tăng giá", chị Bùi Thị Hậu (49 tuổi, quận Cầu Giấy) thở dài khi biết thông tin đề xuất rút biểu giá bán điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc hoặc 4 bậc.

Người phụ nữ 49 tuổi tỏ ra hoang mang trước cách tính giá điện mới. "Nhìn vào biểu giá mới, tôi thấy nếu dùng trên 700 kWh/tháng trở lên thì phải đóng chênh tiền điện khá nhiều. Tôi cũng chỉ mong giá điện ổn định, phù hợp với sinh hoạt trong hộ gia đình", chị Hậu bày tỏ.

Trước đó ngày 5/10, Bộ Công thương đề xuất cách tính giá điện mới khi dự kiến rút gọn còn 5 hoặc 4 bậc. Trong đó, mức giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng và cao nhất là 3.356 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).

Theo đề án, sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Với phương án rút xuống 5 bậc, các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ dưới 270 kWh/tháng tăng thêm bình quân khoảng 2,32% (mức tăng tối đa là 4,47%) so với tiền điện hiện hành. Ngược lại, hộ sử dụng từ 280 kWh đến 1.100 kWh có mức giảm tiền điện bình quân khoảng 2,47% (mức giảm tối đa là 4,82%). Các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên có mức tăng tiền điện bình quân khoảng 3,87% (mức tăng tối đa là 4,63%).

BậcBiểu giá hiện hànhPhương án 5 bậcPhương án 4 bậc
Mức sử dụngGiá (đồng/kWh)Mức sử dụngGiá (đồng/kWh)Mức sử dụngGiá (đồng/kWh)
1kWh 0-501.678kWh 0-1001.678kWh 0-1001.678
2kWh 51-1001.734kWh 101-2002.014kWh 101-3002.163
3kWh 101-2002.014kWh 201-4002.536kWh 301-7002.927
4kWh 201-3002.536kWh 401-7003.020701 kWh trở lên3.076
5kWh 301-4002.834701 kWh trở lên3.356

6401 kWh trở lên2.927



Theo Bộ Công thương, giá điện cao hơn hẳn với phân khúc trên 711 kWh/tháng, chiếm tỷ lệ 2% số hộ gia đình đang sử dụng điện sinh hoạt hiện nay.

Trước thông tin dự kiến điều chỉnh giá điện mới từ Bộ Công thương, nhiều người dân không khỏi lo lắng, cho rằng dù tính theo cách nào thì khung giá mới cũng sẽ khiến tiền điện của mỗi hộ gia đình tăng lên.

Lo lắng

Cả hai vợ chồng chị Hậu thu nhập 17-20 triệu/tháng. Gia đình chị không kinh doanh, gồm 5 người lớn đều thường xuyên đi làm. Chị Hậu tỏ ra lo ngại khi biết nếu dùng trên 700 kWh sẽ phải đóng chênh lệch nhiều chi phí.

Với những tháng sử dụng tiết kiệm, gia đình chị đóng tiền điện khoảng 600.000-800.000 đồng, tương đương sử dụng 280-350 kWh dao động từng tháng. Chị tính toán nếu theo đề án mới, gia đình có thể tiết kiệm được 3.000 đến 15.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, đáng lo nhất khi vào mùa hè, gia đình phải sử dụng cùng lúc 2 điều hoà và nhiều thiết bị làm mát khác. "Hoá đơn tiền điện những tháng hè của gia đình tôi lên 1,4 đến 2,2 triệu đồng. Nếu tính theo cách mới sẽ bị tăng giá tiền khá nhiều. Nhưng trong thời tiết nắng nóng, gia đình tôi không thể tiết kiệm được hơn", người phụ nữ 49 tuổi tâm sự.

tang gia dien anh 2

Người dân lo ngại sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí nếu dùng biểu giá thang điện 4 bậc. Ảnh: Lê Hiếu.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Minh (26 tuổi, quận Thanh Xuân) cũng băn khoăn trước đề xuất cách tính giá điện mới của Bộ Công thương. Anh đang làm công việc văn phòng với mức lương 11 triệu/tháng.

Anh Minh thuê trọ cùng hai người bạn trong căn chung cư. Anh cảm thấy may mắn khi thuê được căn phòng tính tiền điện nước giá dân, thay vì giá kinh doanh. Mỗi tháng, anh đóng tiền điện cho chủ nhà khoảng 500.000-600.000 đồng nếu không dùng điều hoà quá nhiều.

"Tôi đang chờ xem liệu sẽ tính theo phương án biểu giá điện nào. Mỗi tháng nhà tôi dùng hết 200-300 kWh điện. Nếu tính theo thang 4 bậc sẽ bị tăng thêm 5.000 đến 12.000 đồng, nhưng nếu dùng theo thang 5 bậc không thay đổi đáng kể. Thu nhập không tăng nên tôi chỉ mong giá điện được giữ như bây giờ, đừng thay đổi nhiều quá", anh Minh kể, cho biết sẽ phải cắt giảm chi tiêu nếu diễn ra tình trạng giá điện tăng.

Anh cho rằng biểu giá tính điện mới sẽ giúp tiết kiệm cho những hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng. Tuy nhiên, với việc sử dụng nhiều thiết bị điện tử cùng lúc như máy giặt, nồi cơm điện, tủ lạnh, điều hoà... thì rất khó để chỉ sử dụng dưới 100 kWh.

Giá điện tăng

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, cho biết với đề xuất rút biểu giá điện sinh hoạt, sẽ có nhóm khách hàng chịu tăng giá hoặc giảm giá. Tuy nhiên theo như mức tính toán chung, nhiều người dân sẽ phải chịu thêm một phần chi phí phát sinh.

"Việc thay đổi bậc giá điện một phần đến từ áp lực phải cân đối chi phí sản xuất, do hơn một năm qua trên thế giới diễn ra tình trạng lạm phát tăng giá nhiêu liệu. Theo tôi, nếu giá điện tăng một chút cũng nên chấp nhận và chia sẻ, bởi việc tăng hay giảm tuân theo cơ chế thị trường. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ riêng với các đối tượng bị ảnh hưởng nặng do tăng giá điện", ông Việt chia sẻ.

TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng nên giảm sự độc quyền trong thị trường mua bán điện. Từ đó, giá điện bán bao nhiêu bậc sẽ tùy vào thoả thuận giữa bên mua và bên bán.

Ông Việt cho biết việc sản xuất điện ở Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu hoá thạch, nhập khẩu như than, khí đốt... Bên cạnh đó, việc tính toán và công bố giá đầu vào vẫn mang nặng yếu tố hành chính, rườm rà, gây thiệt hại cho chủ đầu tư và có thể tạo cơ hội cho các bên trục lợi tăng giá bán điện.

"Phải làm sao để cho các chủ đầu tư, chủ dự án điện được chủ động hơn trong khâu dự báo và thoả thuận giá nhiên liệu đầu vào. Đồng thời, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo để tránh bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng hoá thạch", ông Việt phân tích thêm.

tang gia dien anh 3

Theo Bộ Công thương, EVN phải chủ động giảm giá điện khi chi phí hạ. Ảnh: EVN.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền tăng giá điện khi chi phí tăng 1-5%.

Chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bản lẻ điện bình quân từ 5% trở lên, EVN lập hồ sơ báo cáo. Bộ Công thương chủ trì, cùng Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến, sau đó EVN được tăng giá điện.

Trường hợp tăng 10% trở lên so với giá bản lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.

Về vấn đề giảm giá điện, Bộ Công Thương cho biết khi kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào thì EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.

Bộ Công Thương cũng cho biết theo quy định trước đây, giá điện được xem xét điều chỉnh với thời gian tối thiểu là 6 tháng/lần. Song, dự thảo kéo dài chu kỳ tính toán lên một lần/năm. Theo đó, trước ngày 1/8 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân trong năm làm căn cứ xem xét chỉnh giá điện, áp dụng từ ngày 1/10 sau đó.

Giá điện khi áp dụng theo cách tính mới

Với hai phương án trong biểu giá điện mà Bộ Công Thương mới đề xuất, số tiền điện phải trả của người dân sẽ tăng hoặc giảm tùy mức sử dụng.

Vân Trang

Bạn có thể quan tâm