Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngày 7/10, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM gửi các đơn vị liên quan về công tác di dời giai đoạn 2 từ Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sang Bến xe Miền Đông mới (phường Long Bình, TP Thủ Đức).
Theo đó, từ ngày 11/10, TPHCM sẽ di dời thêm 79 tuyến xe khách với gần 1.700 xe khách cố định liên tỉnh (trừ các tuyến có hành trình chạy xe qua Quốc lộ 13) sang Bến xe Miền Đông mới từ ngày 11/10.
Để thực hiện công tác, Sở GTVT yêu cầu công ty TNHH MTV Cơ khí Giao thông vận tải (SAMCO) tăng cường tuyên truyền đến các đơn vị vận tải, hành khách việc di dời. Đồng thời, công ty bổ sung thêm quầy vé để phục vụ yêu cầu của đơn vị vận tải, xem xét giảm giá dịch vụ, tổ chức xe trung chuyển giữa hai bến.
Sở GTVT TP.HCM đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông cộng cộng rà soát, nghiên cứu đề xuất triển khai các tuyến xe buýt mở mới hoặc điều chỉnh vào khu vực Bến xe Miền Đông mới. Việc này nhằm từng bước hình thành đầu mối kết nối giữa nội tỉnh và liên tỉnh khu vực cửa ngõ phía đông TP.HCM.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thực hiện nghiệm thu hạng mục cầu vượt số 3 và đường chui trước cổng Bến xe Miền Đông để đưa vào sử dụng. Đồng thời, đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan tại khu vực bến xe mới.
Từ 11/10, 79 tuyến xe khách từ TP.HCM đi tỉnh được dời về Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện hệ thống chiếu sáng trước khu vực Bến xe Miền Đông mới.
Liên quan tình trạng "xe dù, bến cóc", Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra và phối hợp CSGT TP.HCM và công an địa phương tổ chức các đợt thanh, kiểm tra xử lý loại hình này.
Đồng thời, Sở GTVT đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý theo quy định đối với các hoạt động dừng, đỗ đón, trả khách sai quy định, không đảm bảo an toàn giao thông.
Sở GTVT đề nghị UBND quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức chỉ đạo lực lượng giám sát hoạt động tại các bến xe, điểm đón, trả khách theo thẩm quyền quản lý. Song song đó, cơ quan chức năng rà soát mục đích sử dụng đất và kiên quyết chấm dứt hoạt động đới với các vị trí, bến bãi hoạt động không đúng quy định.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 10/2020. Đây là bến xe được đầu tư quy mô, hiện đại với diện tích 16 ha, nằm trên địa phận thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương.
Tuy nhiên, trong 2 năm đi vào khai thác, bến xe này luôn rơi vào tình trạng vắng khách kéo dài do vị trí cách trung tâm hơn 20 km, thiếu phương tiện kết nối, bến cũ ở nội đô vẫn còn...Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, mỗi ngày, bến xe này chỉ phục vụ 47 hành khách, giảm 93% so với thời điểm trước dịch.
3 bước di dời về Bến xe Miền Đông mới
Ngày 10/10/2020, TP.HCM đã di dời 29 tuyến từ Bến xe Miền Đông cũ hiện hữu (quận Bình Thạnh) về Bến xe Miền Đông mới. Các tuyến này có lộ trình từ TP.HCM đổ ra tỉnh Quảng Trị, tới các tỉnh phía Bắc.
Tiếp theo, dự kiến ngày 11/10 này, TP.HCM sẽ chuyển 79 tuyến xe khách từ Bến xe Miền Đông hiện hữu sang Bến xe Miền Đông mới, trừ các tuyến có hành trình đi qua quốc lộ 14.
Cuối cùng, khi bến mới hoạt động ổn định, tình hình trật tự vận tải kết nối giao thông được đảm bảo thì sẽ di dời các tuyến còn lại.
Vị trí Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Google Maps. |