Trung bình mỗi ngày, Bến xe Miền Đông cũ có hơn 12.000 lượt hành khách đến với 781 lượt xe xuất bến. Trong khi đó, Bến xe Miền Đông mới chỉ đón khoảng 47-65 khách mỗi ngày. Tần suất xe xuất bến “khiêm tốn” chưa quá 10 lượt.
Tình trạng trái ngược của 2 bến xe mới và cũ này tại TP.HCM đã diễn ra khoảng 2 năm trở lại, kể từ khi bến xe lớn nhất cả nước đi vào hoạt động hồi tháng 10/2020.
Vì sao bến xe mới ế ẩm?
Đại diện HTX Sài Gòn cho biết suốt một năm qua, số chuyến phục vụ của nhà xe này bị giảm 70% cùng 70% lượng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, việc dời một số tuyến xe từ bến cũ sang bến mới cũng khiến cự ly đi lại của người dân kéo dài thêm 20 km. Nhiều người vì ngại tốn thêm tiền đi taxi, xe buýt, xe ôm nên chọn đi xe ngoài bến hoặc chuyển qua bến xe khác.
Hệ thống hạ tầng kết nối quanh Bến xe Miền Đông mới chưa hoàn thiện.
Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng
Ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết đến hiện tại, 2 bến cũ và mới vẫn trong quá trình di dời (giai đoạn 1), bao gồm các tuyến từ Quảng Trị trở ra miền Bắc. Sau khi các tuyến ở giai đoạn 1 ổn định, đơn vị quản lý tiếp tục di dời các tuyến trong giai đoạn 2.
"Hiện nay, chúng tôi cương quyết không cho phép hoạt động đón khách trên các tuyến đã di dời, trực tiếp tại bến cũ như trước, trừ các trường hợp xe trung chuyển", lãnh đạo Bến xe Miền Đông nói.
Sảnh mua vé tại Bến xe Miền Đông mới đìu hiu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đánh giá tình hình hoạt động ảm đạm của bến xe mới, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Võ Khánh Hưng đề cập 3 nguyên nhân chính khiến Bến xe Miền Đông mới chưa đạt hiệu quả khai thác như kỳ vọng.
Một là do hệ thống hạ tầng kết nối quanh Bến xe Miền Đông mới chưa hoàn thiện. Các dự án hầu như đang trong quá trình triển khai, trong đó có metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM hiện đạt gần 91% tổng khối lượng và chuẩn bị vận hành thử nghiệm vào cuối năm nay. Kế đến là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội vẫn còn dang dở đoạn đi qua tỉnh Bình Dương, còn cầu vượt trước bến xe cũng chưa được xây dựng.
Khu vực bãi giữ xe của Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nguyên nhân thứ 2 là sau thời gian dịch kéo dài, ngành giao thông ghi nhận nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm. Bên cạnh đó, ngành vận tải hành khách đường bộ phải cạnh tranh với nhiều loại hình vận tải khác như đường sắt, hàng không giá rẻ thu hút một lượng khách đi các tuyến đường dài.
Thứ ba, tình trạng xe dù bến cóc vẫn chưa thể xử lý triệt để, phạm vi hoạt động của loại hình này trải dài từ khu vực bến xe cũ đến ngã tư Bình Phước.
Sớm di dời bến cũ
Theo lộ trình, ở giai đoạn 1, Bến xe Miền Đông mới vận hành 24 tuyến từ Quảng Trị trở ra miền Bắc. Giai đoạn kế, bến xe mới sẽ nới rộng phạm vi thêm 85 tuyến vận tải hành khách cố định từ Thừa Thiên - Huế trở vào.
Bến xe Miền Đông mới cần bổ sung sớm các dịch vụ phục vụ khách còn yếu và thiếu.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM Lê Trung Tính
Đến nay, hai bến xe cũ (quận Bình Thạnh) và mới (TP Thủ Đức) vẫn trong quá trình chuyển giao giai đoạn 1. Hiện tại, Bến xe Miền Đông mới có 20 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với 18 tuyến đường. Trung bình 9-10 lượt xe xuất bến hàng ngày, mỗi lượt xe chỉ có vài lượt hành khách.
Việc hoạt động kinh doanh ảm đạm kéo dài không chỉ khiến bến xe lớn nhất cả nước lãng phí tiền bạc, nhân lực, mà các doanh nghiệp vận tải tại đây cũng rơi vào tình trạng khó khăn.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia quy hoạch đô thị thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, nhìn nhận cần sớm di dời bến xe cũ về bến mới. Vì với khoảng cách hơn 15 km giữa hai bến xe, người dân vẫn sử dụng bến cũ là điều dễ hiểu.
“Người dân vẫn có thể đến bến cũ để đi thì tội gì họ phải đi xe buýt xa hơn để đến bến mới. Đây là tâm lý bình thường của người dân”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Hạ tầng giao thông kết nối Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa đồng bộ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ông, vấn đề của Bến xe Miền Đông mới hiện tại vẫn là phải sớm đồng bộ hạ tầng kết nối. Quan trọng nhất, khi bến cũ được di dời về bến mới, người dân sẽ dần chuyển sang đi xe buýt để đến bến này. Khi đó, mạng lưới xe buýt phải đáp ứng đủ nhu cầu cho hành khách từ nơi khác lẫn từ bến cũ đến bến mới.
Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho rằng đơn vị quản lý bến nên tổ chức tốt khâu tiếp chuyển khách từ bến xe mới về khu vực nội thành, trong đó kết hợp tất cả loại hình xe buýt, taxi, xe trung chuyển hàng hóa nếu có.
Để hạn chế tình trạng lãng phí cho bến xe đầu tư nghìn tỷ, ông cho rằng cần sớm di dời tất cả tuyến tại bến cũ ra bến mới, không nên kéo dài tình cảnh như hiện nay. “Vừa khó cho hành khách, vừa khó cho đơn vị vận tải”, ông Lê Trung Tính nói.
Theo ông Tính, trước tình trạng xe dù bến cóc hoạt động dày đặc, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông cần tăng cường tuần tra, xử lý những xe dù hoạt động trong nội thành. Riêng Bến xe Miền Đông mới cần xem xét bổ sung sớm các dịch vụ phục vụ khách còn yếu và thiếu, đáp ứng nhu cầu của hành khách.