Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người ẩn mình sau những trang sách

Khi một tác phẩm được vinh danh, người ta nhớ tới tác giả, dịch giả. Ít người nghĩ tới biên tập viên, người đứng sau tổ chức các khâu để cuốn sách ra đời.

Bien tap vien anh 1

Thường khi nói đến một cuốn sách, ngoài nội dung, nhan đề, người ta thường nhắc đến tác giả, dịch giả. Trong các giải thưởng dành cho sách, người ta chỉ vinh danh những tác giả, dịch giả và cơ sở xuất bản (nhà xuất bản và công ty sách).

Trong khi đó, biên tập viên, người làm mọi công việc liên quan từ bản thảo thô, hoặc một ý tưởng chưa thành hình, đến khi sách được ấn hành, rất ít khi nào được nhắc tới. Nếu có vinh danh, đó chỉ là chuyện nội bộ của các cơ sở xuất bản mà thôi.

Nắm giữ vị trí quan trọng của quy trình xuất bản

Có thể nói, biên tập viên đang nắm giữ một trong các vị trí quan trọng nhất của quy trình xuất bản một cuốn sách. Biên tập viên là những người “ẩn mình sau lá”, ý này được nêu trong cuốn sách luận bàn về cốt tủy tinh thần Võ sĩ đạo có nhan đề Hagakure, vừa được xuất bản ở Việt Nam.

Khi nói đến biên tập viên (sách), thông thường, người ta nghĩ rằng đó là người trực tiếp xử lý bản thảo.

Để dễ hình dung, ta có thể lấy công việc của một biên tập viên (BTV) thuộc các công ty sách tư nhân để diễn giải; cũng có thể lấy mảng sách dịch để có thể hình dung cụ thể các đầu việc mà một BTV phải xử lý. Và thể loại sách nghiên cứu, khảo cứu, khoa học - xã hội và nhân văn làm ví dụ cho góc nhìn này.

Những mảng sách thiên về tranh ảnh, vẽ minh họa, văn chương, triết học… đều có những cái khó và cách xử lý văn bản theo cách riêng, xin phép chưa bàn tới.

Việc đầu tiên BTV phải làm là tìm dịch giả phù hợp, đàm phán giá dịch, lập hợp đồng dịch thuật để hai bên ký kết, thực thi.

Có dịch giả sẽ hoàn thành bản dịch và gửi một lần đúng theo thời hạn quy định trong hợp đồng. Có trường hợp dịch giả không giao bản thảo đúng hẹn, nên BTV cần phải sâu sát trong quá trình dịch, thúc ép, nài nỉ… để lấy được bản dịch sớm nhất có thể.

Có dịch giả làm việc cuốn chiếu, sẽ giao 1/3 hoặc từng chương bản dịch cho BTV biên tập song song. Có nhiều cách phối kết hợp, miễn sao hai bên tương tác với nhau một cách thoải mái và mang lại hiệu quả cao nhất có thể.

Bien tap vien anh 2
BTV có vị trí quan trọng trong một đơn vị xuất bản. Ảnh minh họa: Freepik.

Khi nhận được bản dịch đầy đủ, BTV phải xem nhanh qua để đánh giá và lập biên bản thẩm định, nghiệm thu (đạt hoặc không đạt), để căn cứ trên đó xử lý tiếp.

Nếu đạt, BTV làm đề xuất thanh toán tiền dịch theo cam kết trong hợp đồng; nếu chưa đạt thì phối hợp tiếp để xử lý cho đạt, khó hơn nữa phải tổ chức hiệu đính. Khi đó, BTV sẽ là người đứng giữa ba bên nhằm mang lại bản thảo có chất lượng tốt nhất.

Với bản dịch đạt, BTV tiến hành biên tập đối chiếu 1-1 trên file word với công cụ tracking để thảo luận với dịch giả về sau.

Việc này sẽ thuận lợi nếu đó là bản dịch tốt, dịch giả chỉn chu khi rà soát kỹ lưỡng, đọc lại bản dịch, kể cả chính tả và morasse trước khi đóng gói gửi file.

Cũng có khi không thuận lợi, nếu bản dịch không tốt, không chỉn chu, phải qua hiệu đính như vừa đề cập ở trên, phải tranh luận về thuật ngữ, chức danh, câu chữ, cách hành văn…

Có những BTV thích sửa văn của người khác vì thấy chưa hay theo ý mình, chưa nuột, chưa chuẩn, hoặc “tâm lý” quy tiếng Việt về thứ “ngôn ngữ trung tâm”.

Có những BTV tôn trọng cách hành văn, câu chữ, phong cách của dịch giả, miễn đọc lên thấy ổn, chỉ tập trung sửa lỗi dịch đúng, sai hoặc chưa sát nghĩa.

Có dịch giả thoải mái với đề xuất chỉnh sửa của BTV, cũng có dịch giả cảm thấy bị xúc phạm, cho rằng mình không được tôn trọng… Tranh cãi xảy ra, thậm chí là yêu cầu đổi BTV khác thay thế, dẫn đến chuyện giận dỗi và không cộng tác với nhau nữa.

Cũng có trường hợp BTV phải sửa văn bản cho phù hợp với thể loại sách đang làm, như sửa qua giọng văn biên khảo nếu dịch giả có hơi hướm dịch kiểu văn chương… Hoặc dịch giả dịch quá sát với bản gốc, khô khan khó đọc, khi đó BTV sẽ cố gắng làm mềm câu chữ trên tinh thần không làm sai lạc ý nghĩa của nguyên bản.

Biên tập viên đôi khi là người hiệu đính vô thừa nhận, căn cứ trên khối lượng công việc họ phải xử lý trên bản thảo, thế nhưng họ vẫn chỉ được biết đến là người sửa văn bản, bản in.

Bien tap vien anh 3

BTV là những người thầm lặng làm việc sau những trang sách. Ảnh: Artfuleditor.

Công việc của biên tập viên

Mối quan hệ dịch giả và biên tập viên rất khăng khít nhưng cũng khá phức tạp trong nhiều tình huống. Thành tín, sòng phẳng với nhau là điều kiện cần, BTV sửa gì trên bản thảo đều phải để lại dấu vết cho dịch giả thấy, cho dù là sửa một dấu phẩy. Tuy nhiên, mối quan hệ đó chưa phải là điều kiện đủ để mọi thứ sau đó trở nên thuận lợi.

Khi bản thảo được thông qua, hai bên đồng ý chốt văn bản cuối thì BTV tiến hành biên tập lần thứ hai. Khi đó, bên cạnh việc đọc morasse, sửa chính tả còn sót thì BTV phải tiến hành các thao tác tra cứu địa danh, nhân danh, sử liệu… và các tài liệu liên quan để bổ khuyết khi cần.

Trong một số trường hợp, dịch giả chịu khó tra cứu, bổ sung cước chú rất công phu để độc giả dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn, tuy nhiên không nhiều. Các BTV phải làm việc này.

Tức là, BTV phải đi lại con đường của tác giả và có thể cả dịch giả đã đi, một cách vội vã, "cưỡi ngựa xem hoa" vì có quá ít thời gian cho họ, vì deadline thúc ép, vì kế hoạch xin giấy phép, thời hạn chuyển in phục vụ mục tiêu truyền thông, kinh doanh…

Để làm tốt được công việc đó, BTV phải có kiến thức nền tương đối về chuỗi đề tài đang theo, sở hữu nhiều nguồn tài liệu tham khảo (sách giấy hoặc tài liệu số hóa) và phải có khoảng thời gian đủ lớn để xử lý các đầu việc.

Thông thường, BTV có đủ năng lực để biên tập đối chiếu trên một ngoại ngữ nào đó (Anh - Việt, Pháp - Việt, Nhật - Việt…), thực tế lại có nhiều cuốn sách liên quan đến hơn một ngôn ngữ khác nhau và chuyên ngành khác nhau, BTV sẽ gặp khó. Khi đó, BTV phải cậy nhờ đồng nghiệp, hoặc mời cộng tác viên khác tham gia hỗ trợ.

Về lý thuyết, BTV biết đến thư mục tham khảo (ở cuối sách) mà tác giả dùng, nhưng trên thực tế thì BTV phải tự xoay xở tìm nguồn tài liệu đó, một công việc khá đơn độc và chỉ tiếp cận được một phần nào đó. Khi đó, với BTV, tài liệu số hóa là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của họ.

Ví dụ, khi đụng hệ thống cước chú của sách phương Tây đánh số trang là “271ff” hoặc “cf”, vậy “ff” và “cf” được hiểu ra sao? BTV phải tự tìm hiểu, tra cứu và bổ chú cho người đọc biết.

Đối với các nguồn dẫn là sách/báo hiếm, việc dịch hệ thống chức danh Việt Nam trong các tài liệu tiếng Pháp... BTV cũng gặp những khó khăn nhất định.

Về lý thuyết, một số BTV hiểu vấn đề, hướng xử lý bản thảo theo tinh thần truy nguyên. Tuy nhiên, phần đa là BTV không thể xử lý triệt để, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khi đó, BTV đành phải chấp nhận phương án dịch ngược, không còn cách nào khác.

Sau khi biên tập lần thứ hai xong, BTV chuyển file cho bộ phận chế bản dàn trang. Trong một số trường hợp, BTV phải bổ sung hình ảnh cho cuốn sách phong phú, tự tìm hình, truy nguồn và dịch các chú thích hình cho đúng. Nhận được file, BTV sẽ chuyển cho thư ký xuất bản xin giấy phép xuất bản.

Có khi BTV kiêm luôn việc sửa bông trên phần mềm chuyên dụng InDesign, cũng có trường hợp BTV cùng ngồi với người phụ trách chế bản sửa từng lỗi văn bản. Nguyên tắc, BTV không được phép tin tưởng hoàn toàn vào người chế bản và nghi ngờ mọi thứ.

Đôi khi, BTV phải thảo luận, trao đổi và thống nhất với BTV nhà xuất bản để xử lý một số nội dung hoặc chi tiết cho phù hợp.

Song song đó, BTV phải làm việc với bộ phận thiết kế để lên ý tưởng cho bìa, cung cấp thông tin tác giả, nội dung bìa 4, nội dung tay gập…

Về lý thuyết, việc đọc bông (bon) sau lần biên tập thứ 2 sẽ do một người khác đọc, gọi là đọc chéo nội bộ, để hạn chế những sai sót do lỗi “điểm mù văn bản” mà một người làm từ đầu đến cuối thường gặp phải.

Tuy nhiên, không phải cơ sở xuất bản nào cũng đủ nhân lực để tổ chức như vậy. Cho nên, phần đa là BTV cũng là người đọc bông cuối, sửa lỗi theo yêu cầu của nhà xuất bản cấp phép, gửi lên cho trưởng ban duyệt file và chỉnh sửa theo yêu cầu (nếu có), gửi lại file cuối cho nhà xuất bản duyệt, trước khi đóng gói chuyển in.

BTV cũng là người lập phiếu định giá bìa và đề xuất số lượng in, để cấp trên có thông số và thông tin cần thiết, chi tiết ra quyết định cuối cùng.

Ngoài ra, BTV phải nhắm trước việc mời ai đó viết lời giới thiệu, hoặc là người trực tiếp viết lời ngỏ đầu sách. Viết cũng là một kỹ năng mà BTV cần phải trau dồi. Và BTV cũng là người chịu trách nhiệm làm thư mục tham khảo (Index) cuối sách.

Sau khi chuyển in, BTV phải viết Book Information (BI) để cung cấp thông tin cho bộ phận truyền thông kinh doanh. Và cùng với bộ phận truyền thông xử lý một số vấn đề phát sinh nếu có khi sách được phát hành rộng rãi trên thị trường.

Hội Xuất bản bàn cách phát triển thị trường sách

Hai trong số những mục tiêu quan trọng mà Hội Xuất bản Việt Nam hướng tới là phát triển thị trường sách và văn hóa đọc.

Diệp Ẩn

Bạn có thể quan tâm