Phát triển thị trường xuất bản, phát triển văn hóa đọc là hai vấn đề trọng tâm được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Hội Xuất bản Việt Nam (Hội).
Hội nghị diễn ra hôm 20/1 tại văn phòng Hội (số 10 Đường Thành, Hà Nội). Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chủ trì hội nghị.
Bạn đọc tham gia Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Nỗ lực phát triển thị trường
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - đề xuất năm 2021 cần tập trung vào thị trường sách và phát triển văn hóa đọc.
Năm 2020, khi làm chuyên đề nghiên cứu thực trạng xuất bản, Công ty Đường sách TP.HCM thấy điểm bất hợp lý trong thị trường sách.
“Trong 6 năm qua, thị trường xuất bản không phát triển tốt, từ đó ảnh hưởng sức đọc, sức mua của người dân, tác động tới hoạt động của nhà xuất bản, công ty sách. Lĩnh vực phát hành ghi nhận nỗ lực của các đơn vị như Fahasa và Phương Nam. Nhưng nếu không có những chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, nỗ lực của những đơn vị này khó phát huy tác dụng trong thị trường”, ông Lê Hoàng nhận định.
Sản lượng sách tiêu thụ không cao. Sức đọc và thói quen đọc sách của từng người đọc không nhiều. Điều này làm cho ngành phát hành chưa phát triển thuận lợi. “Chúng ta cần hướng đến phát triển thị trường, phát triển thói quen đọc sách, coi đó là mục tiêu cần tập trung chỉ đạo, có giải pháp, nỗ lực. Nếu không tập trung phát triển, đầu ra của xuất bản sẽ rơi vào khó khăn”, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Lê Hoàng nói.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng cần có chính sách bảo vệ thị trường. “Không có luật về giá sách sẽ không có cơ chế bảo vệ nhà sách, nhà xuất bản, bảo vệ sự đa dạng của thị trường xuất bản”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Nhấn mạnh mục tiêu phát triển thị trường, ông Hoàng Vĩnh Bảo nói các ban trong Hội Xuất bản cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, doanh nghiệp, công ty phát hành để đưa ra mục tiêu hướng đến trong thị trường.
Mọi đề xuất, giải pháp đều phải cụ thể: Nếu cần sửa đổi bổ sung chính sách cũng phải đề xuất cụ thể đó là chính sách nào, nếu sửa luật, thì liên quan luật, nghị định thông tư nào…
Nhà văn Anh Khang giao lưu với bạn đọc. Mỗi tác phẩm của nhà văn trẻ này luôn được đông đảo bạn đọc đón nhận. Ảnh: Bá Ngọc. |
Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc
Các ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất giải pháp phát triển văn hóa đọc. Trong đó, việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được coi là rất quan trọng.
Hiện nay, trong điều lệ trường tiểu học, trường THCS, THPT đều có điểm quy định về phát triển văn hóa đọc. Hội Xuất bản đã kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa tiết đọc sách vào khung giờ học chính thức.
Ngày nay, các môn âm nhạc, hội họa, thể thao đều được đưa vào giờ học, vì vậy, việc đọc sách cũng nên được đưa vào như một tiết học chính trong thời khóa biểu.
Ông Nguyễn Nguyên cho rằng xã hội đã quan tâm nhiều tới sách, vì vậy người làm sách cần nắm bắt thời cơ. Theo ông Nguyên, cần đề xuất luật khuyến đọc, đặc biệt công tác khuyến đọc tập trung lứa tuổi trẻ em, giúp hình thành thói quen đọc sách.
Ba nhiệm vụ mà Hội Xuất bản hướng tới là: Tiếp tục phát triển thị trường, phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh bảo vệ bản quyền.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo
Một trong các giải pháp được nêu ra tại cuộc họp đó là chú trọng công tác truyền thông. Công tác truyền thông ở đây vừa tập trung quảng bá cho văn hóa đọc, đồng thời quảng bá cho sách, góp phần thúc đẩy thị trường.
Ông Phạm Minh Thuận - đại diện Fahasa - cho rằng ngày nay, công tác truyền thông sách nên làm theo góc tiếp cận của giới trẻ.
“Sách kinh điển và tiếp thị theo kiểu cổ điển bán rất khó. Nhưng tác giả trẻ xuất bản sách với 10.000 bản là khiêm tốn, sách của họ có thể phát hành 20.000, 30.000 bản. Cách họ xuất bản, phát hành sách hoàn toàn hiện đại: Họ đăng một phần trên mạng, lấy ý kiến tương tác, sau đó mới in sách…”, đại diện Fahasa nêu ví dụ.
Từ đó có thể thấy, nếu làm tốt công tác truyền thông, các hoạt động phát triển văn hóa đọc, phát triển thị trường mới đạt hiệu quả lớn.
“Trước đây 10 năm, chúng tôi mới thay đổi cách đánh giá thị trường, sau đó là 5 năm, giờ chỉ 3 năm là xu hướng đã thay đổi hoàn toàn rồi. Ta cần đánh giá thị trường, xu hướng giới trẻ trong việc xuất bản, tiếp nhận sách”, ông Thuận nói. Dựa vào những đánh giá đó, có thể xây dựng kế hoạch truyền thông sát với thực tế.
Hội Xuất bản đã thành lập ban chuyên trách truyền thông. Ông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng ban chuyên trách cần phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, chi tiết.
Ông gợi ý cần chọn nội dung truyền thông phù hợp với báo chí, mạng xã hội… Trong đó có những tuyến bài chuyên sâu về sách, hoạt động xuất bản, có tiếng nói của các đơn vị làm sách, kinh nghiệm của nước ngoài, ý kiến chuyên gia, phản hồi của xã hội.