Hôm 20/7, 134 thành viên Quốc hội Sri Lanka đã bỏ phiếu bầu ông Ranil Wickremesinghe làm tân tổng thống, vượt qua đối thủ là cựu Bộ trưởng Dullas Alahapperuma - người nhận được 82 phiếu bầu.
Ông Wickremesinghe, 73 tuổi, là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm trong các vấn đề ngoại giao và quốc tế, từng 6 lần giữ chức thủ tướng của Sri Lanka.
Ông đã chủ trì các cuộc đàm phán quan trọng về gói cứu trợ kinh tế với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và được các thành viên của liên minh cầm quyền ủng hộ.
Tuy nhiên, ông Wickremesinghe không được lòng các cử tri. Họ coi ông là người níu giữ quyền lực cho chính phủ của cựu Tổng thống Rajapaksa.
Ông Wickremesinghe từng 6 lần giữ chức thủ tướng của Sri Lanka. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đó, vào ngày 17/7, nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh bất ổn xã hội và khủng hoảng kinh tế.
“Việc bảo vệ trật tự công cộng và duy trì nguồn cung cấp hàng hóa cùng dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của người dân rất cần thiết, vì lợi ích của công chúng”, Straits Times dẫn thông báo của chính phủ Sri Lanka.
Đây là lần thứ tư trong hơn 3 tháng trở lại đây quốc gia Nam Á phải dùng quyền hạn khẩn cấp.
Lần gần nhất là ngày 13/7, trên cương vị quyền tổng thống, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, sau khi cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn sang Maldives.
Cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã trốn ra nước ngoài sau các cuộc biểu tình, từng nói rằng ông đã làm "mọi thứ có thể" để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế đang nhấn chìm quốc đảo này.
Việc từ chức của ông Rajapaksa đã được quốc hội chấp nhận vào cuối tuần trước.
Quốc hội Sri Lanka đã họp ngày 16/7 để bắt đầu quá trình bầu tổng thống mới. Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết sẽ tiến hành bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 sau khi tiếp nhận các đề cử trong ngày 19/7.
Ông Wickremesinghe sẽ tiếp tục nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Rajapaksa cho đến năm 2024.
Thông thường, các tổng thống ở Sri Lanka do người dân bỏ phiếu bầu. Tuy nhiên, khi chức vụ tổng thống bị bỏ trống trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ bỏ phiếu để bổ nhiệm người thay thế.
Điều này chỉ xảy ra một lần trước đây ở Sri Lanka khi Thủ tướng Dingiri Banda Wijetunga được Quốc hội bổ nhiệm vào năm 1993, sau khi cựu Tổng thống Ranasinghe Premadasa, cha của nhà lãnh đạo phe đối lập hiện tại, bị ám sát.