Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Địa ngục trần gian trên đảo Nô lệ ở Sri Lanka

“Giờ đây, rất khó để sống. Ngay cả một ổ bánh mì cũng trở thành thứ đắt đỏ”, ông Pereira nói bên ngoài ngôi nhà nhỏ ở đảo Nô lệ (Slave) - vùng đất nghèo tại thủ đô Colombo.

Tóc Milton Pereira được chải gọn gàng nhưng hai má ông đã hóp lại, trong khi thân hình gầy guộc nổi rõ những đường gân. Giống như nhiều người Sri Lanka khác, ông Milton Pereira và gia đình không đủ tiền mua thức ăn. Họ đang đối mặt với nguy cơ chết đói.

Trong bối cảnh Sri Lanka xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, người dân đang mua sắm ít hơn, ăn ít hơn và làm việc ít hơn.

Các cuộc biểu tình - về lạm phát, cắt điện hàng ngày, giá nhiên liệu tăng và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhu yếu phẩm - đã nổ ra từ tháng 3 nhưng đến này vẫn có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt.

“Giờ đây, rất khó để sống. Ngay cả một ổ bánh mì cũng trở thành thứ đắt đỏ”, ông Pereira nói với AFP bên ngoài ngôi nhà nhỏ của mình ở đảo Nô lệ (đảo Slave) - vùng đất nghèo của thủ đô Colombo.

“Chúng tôi ở trong tình cảnh ăn một bữa thì phải bỏ một bữa”, ông cho biết thêm.

gia luong thuc tang o Sri Lanka anh 1

Ông Milton Pereira và gia đình là một trong số rất nhiều người Sri Lanka không đủ khả năng mua đủ thực phẩm. Ảnh: AFP.

Giá tăng mỗi ngày

Với 6 trẻ em trong gia đình, người đàn ông 74 tuổi cho biết những gì tốt nhất mà họ có thể mua được trong tuần gần đây là cá.

“Nhưng vì không có nhiều tiền nên thỉnh thoảng chúng tôi mới cho trẻ con cá ăn” và phải cắt thành từng miếng nhỏ, ông nói. Trong khi đó, người lớn "chỉ ăn nước thịt", ông cho biết.

Nhiều chuyên gia cho biết sau khi chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các vấn đề của kinh tế của Sri Lanka ngày càng trở nên trầm trọng hơn do sự quản lý yếu kém của chính phủ.

Bất chấp một loạt biện pháp kiểm soát khủng hoảng mà chính phủ đưa ra, tình hình vẫn còn tuyệt vọng đối với hàng triệu người trên khắp đất nước.

Con trai của ông Peirera, BG Rajitkumar, là một công nhân điện nhưng đã thất nghiệp trong nhiều tháng nay.

"Giá thực phẩm tăng lên mỗi ngày", anh nói. "Việc giá tăng theo cấp số nhân như vậy là điều khủng khiếp nhất mà tôi từng phải đối mặt".

Tại một cửa hàng rau gần đó, người dân đang phải trả 1.000 rupee (tương đương 2,80 USD) cho một kg bầu, cao gấp đôi so với ba tháng trước. Chủ cửa hàng Mohamad Faizal cho biết một số khách hàng của ông hiện chỉ có thể mua 100 gram một lần.

"Giá đã tăng", ông nói. "Lý do chính là không có cách nào để vận chuyển những mặt hàng đó vì thiếu nhiên liệu".

gia luong thuc tang o Sri Lanka anh 2

Chủ cửa hàng Mohamad Faizal ở khu phố đảo Nô lệ tại Colombo vào ngày 17/7. Ảnh: AFP.

Không có dự trữ ngoại hối trong khi vỡ nợ nước ngoài đến 51 tỷ USD, Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và thuốc men và các nhu yếu phẩm khác một cách nghiêm trọng.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), gần 5 triệu người - tương đương 22% dân số Sri Lanka - cần viện trợ lương thực.

Trong báo cáo đánh giá mới nhất, WFP cho biết do giá thực phẩm tăng vọt, hơn 83% hộ gia đình ở nước này phải bỏ bữa, cắt giảm khẩu phần ăn hoặc mua thực phẩm kém chất lượng hơn.

Tình hình trầm trọng hơn

Theo AFP, vấn đề chính vẫn là khả năng chi trả. Với giới nhà giàu thiểu số, cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ gây một chút khó chịu chứ không cản trở cuộc sống của họ.

Chợ rau bán buôn chính của thành phố New Manning vẫn nhộn nhịp vào ngày 17/7 khi người mua, kẻ bán và nhân công khuân vác chen lấn với các bao tải nông sản.

Tuy nhiên, các thương nhân cho biết hoạt động kinh doanh đã giảm hơn một nửa kể từ tháng 3.

"Giá của mọi mặt hàng đã tăng hơn gấp đôi", thương nhân MM Mufeed cho biết. "Một số loại rau không bán được chỉ còn cách bỏ đi và nhiều người nghèo sẽ đến lấy chúng mỗi ngày sau khi chợ đóng cửa".

MM Mufeed nói thêm rằng doanh số bán hàng của ông đã giảm 70%.

"Đôi khi tôi bán cho người nghèo với giá ít hơn nhiều để tránh lãng phí thức ăn và bù đắp phần nào chi phí", ông cho biết.

Mặc dù nhiều người Sri Lanka nói rằng họ không có gì để ăn, Ashley Jennycloss, người kinh doanh xuất nhập khẩu, cho biết khoai tây, hành tây và tỏi vẫn tiếp tục được nhập khẩu từ Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.

“Nguồn cung cấp thực phẩm không phải là vấn đề, nhưng vì nhiên liệu khan hiếm gây khó khăn (trong việc vận chuyển) và mọi thứ trở nên đắt đỏ”, Jeeva, một thương nhân khác, cho biết.

Một số người đã phải đi bộ quãng đường dài đến chợ New Manning vào sáng sớm để mua một ít rau cho gia đình.

"Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi bộ 10 km đến khu chợ này vì thực phẩm ở đây rẻ hơn so với các cửa hàng bán lẻ gần nhà", Howzy, 50 tuổi, cho biết.

Trong khi đó, những người biểu tình chống lại cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã dựng lều tại Galle Face Green, điểm biểu tình chính. Cựu nhân viên chính phủ Theodore Rajapakse thậm chí dạy mọi người cách trồng rau nhanh trên những mảnh đất nhỏ.

gia luong thuc tang o Sri Lanka anh 3

Anh Theodore Rajapakse đang chăm sóc vườn rau của mình tại địa điểm biểu tình Galle Face ở Colombo vào ngày 17/7. Ảnh: AFP.

"Đất nước tôi đang gặp khó khăn", anh nói và cho biết thêm anh đã dạy cho khoảng 3.000 người kể từ khi tham gia biểu tình.

“Chúng tôi có thể trồng 100 kg bí ngô chỉ trên một khu đất rộng 0,9 m x 0,9 m", anh cho hay.

Ông Rajapaksa có thể đã ra đi và từ chức theo yêu cầu của người dân, nhưng Sri Lanka vẫn đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Triển vọng cải thiện tình hình đất nước vẫn còn là tương lai xa vời khi người kế nhiệm - quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe - cũng bị những người biểu tình coi là đồng minh của ông Rajapaksa và ra sức phản đối.

Tại đảo Nô lệ - khu vực từng là nơi mà người Bồ Đào Nha sử dụng để giữ nô lệ từ châu Phi trong thời kỳ thuộc địa - ông Pereira đã mất hết hy vọng.

“(Cựu tổng thống) Gota đã rời đi, nhưng không có một ứng cử viên nào dẫn dắt chúng tôi thoát khỏi tình trạng tồi tệ này”, ông nói.

"Các chính trị gia đang bị chia rẽ. Vì vậy, tình cảnh sẽ trở nên tồi tệ hơn, điều gì khác sẽ xảy ra tiếp đây?", ông cho hay.

100 ngày biểu tình rung chuyển Sri Lanka Từ các cuộc biểu tình đầu tháng 4, phong trào phản đối ở Sri Lanka dần lớn mạnh và đã buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Mũi nhọn đang được chĩa vào quyền tổng thống.

Sri Lanka lại ban bố tình trạng khẩn cấp

Theo thông báo của chính phủ Sri Lanka vào ngày 17/7, quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh bất ổn xã hội và khủng hoảng kinh tế.

Tổng thống ​​Sri Lanka từ chức

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka ngày 15/7 cho biết đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã được chấp nhận.

Sau khi tháo chạy, tổng thống Sri Lanka gọi điện cho chủ tịch quốc hội

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ngày 13/7 đã gọi điện cho chủ tịch quốc hội và nói rằng đơn từ chức của ông sẽ được gửi vào cuối ngày hôm nay.

Minh An

Bạn có thể quan tâm