Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ngôi làng sống cùng tàu khổng lồ mắc kẹt trên kênh đào Suez

Nhiều người dân ở làng Manshiyet Rugola, Ai Cập túc trực trên mái nhà suốt nhiều ngày qua để dõi theo con tàu container khổng lồ Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 1

Con tàu container khổng lồ chặn ngang kênh đào Suez, “phong tỏa” tuyến đường thương mại huyết mạch của thế giới, đã đứng lù lù phía trước ngôi nhà gạch bụi bặm của bà Umm Gaafar suốt hơn 5 ngày qua, với tiếng động cơ ù ù.

Ngồi bên con đường nhỏ ở làng Manshiyet Rugola, bà Gaafar nhìn về phía Ever Given đang bị mắc kẹt và tự nghĩ trong đầu rằng không biết con tàu dài hơn 400 m này có thể chở những gì. Tivi màn hình phẳng? Những chiếc tủ lạnh siêu lớn, máy rửa bát, hay quạt trần?

Cả bà Gaafar hay những người hàng xóm ở ngôi làng Manshiyet Rugola với dân số khoảng 5.000 người đều không có những thứ như vậy trong nhà.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 2

Góc nhìn tàu Ever Given từ phía ngôi làng Manshiyet Rugola, Ai Cập dọc kênh đào Suez hôm 27/3. Ảnh: New York Times.

“Tại sao họ không dỡ những đồ dùng đó trong container”, bà Umm Gaafar, 65 tuổi, nói đùa. “Có thể có gì đó tốt trên tàu. Có thể nó giúp ích cho ngôi làng này”.

Cơ hội tốt nhất để giải thoát Ever Given có thể đến vào ngày 29/3

Con tàu Ever Given thuộc sở hữu của một doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 300 tàu hàng đang chờ đợi mòn mỏi để lưu thông qua kênh đào Suez, một trong những huyết mạch vận chuyển quan trọng nhất của thế giới. Số hàng hóa trên những con tàu mắc kẹt ở đây nếu có bốc dỡ xuống và cung cấp cho những ngôi nhà trong làng Manshiyet Rugola thì sợ rằng mỗi nhà có gồng mình cũng chẳng đủ sức tiêu thụ hết.

Ôtô, dầu mỏ, gia súc, máy tính xách tay, nhiên liệu phản lực, sắt vụn, ngũ cốc, áo len, giày chơi quần vợt, thiết bị máy móc, giấy vệ sinh, đồ chơi, thiết bị y tế và nhiều mặt hàng khác nữa được cho là đang trên đường đi cung cấp cho cả thế giới. Và kênh đào này lẽ ra là con đường nhanh nhất để đi từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu và bờ biển phía đông của Mỹ.

Giới chức trách của kênh đào hôm 27/3 nói rằng các tàu nạo vét đã tìm cách đào phần sau của con tàu suốt đêm 26/3, giải phóng bánh lái của tàu và đến chiều 27/3, họ đã nạo vét 18 m xuống bờ phía đông của con kênh, nơi mũi tàu bị kẹt cứng. Tuy nhiên, sau khi một đội trục vớt thất bại một lần nữa trong việc kéo bật con tàu khổng lồ dài bằng bốn sân bóng đá khỏi bờ cát, nơi nó mắc cạn hôm 23/3, chặn tất cả hoạt động giao thông vận tải qua kênh, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã tiến gần hơn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 3

Ảnh vệ tinh của CNES.

Các nhà phân tích vận tải biển ước tính vụ tắc đường tốn kém nhất trong lịch sử này đang chặn đường gần 10 tỷ USD giao thương mỗi ngày.

Alan Murphy, người sáng lập Sea-Intelligence, một công ty phân tích và dữ liệu hàng hải cho biết: “Tất cả dòng chảy thương mại bán lẻ toàn cầu đang nằm trong các container đó, hoặc 90% trong số đó. Vì vậy, mọi thứ đều bị tác động. Hãy đọc tên bất kỳ thương hiệu nào, và không khó để tìm thấy chúng ở một trong những chiếc container trên con tàu”.

Việc giải tỏa nút thắt cổ chai phụ thuộc vào khả năng của lực lượng cứu hộ có thể dọn sạch cát, bùn và đá ở nơi Ever Given bị mắc kẹt và làm nhẹ tải trọng của con tàu đủ để giúp nó nổi trở lại, trong khi tàu lai dắt cố gắng đẩy và kéo nó. Các nhà phân tích và đại lý vận chuyển cho biết cơ hội tốt nhất của họ có thể đến vào ngày 29/3, khi thủy triều lên sẽ nâng mực nước của kênh lên khoảng 45 cm.

Công ty giám sát hoạt động của con tàu và thủy thủ đoàn, Bernhard Schulte Shipmanagement, cho biết 11 tàu kéo tham gia trợ giúp giải cứu con tàu, và thêm 2 chiếc nữa gia nhập vào ngày 28/3. Công ty cho biết một số tàu nạo vét, bao gồm cả tàu hút bùn chuyên dụng có thể hút 2.000 m3 vật liệu mỗi giờ, đang đào xung quanh mũi tàu.

Rơi vào vòng xoáy của Định luật Murphy

Từ trên boong của một chiếc tàu kéo, nơi giới chức trách Ai Cập cho phép các nhà báo quan sát hoạt động nạo vét lần đầu tiên vào tối 27/3, có thể nhìn thấy một số chiếc tàu đang tham gia chiến dịch “giải cứu” thậm chí không cao tới nửa mạn tàu Ever Given, hướng lên phía con tàu để giữ cho nó ổn định. Vì chênh lệch về kích thước, tàu nạo vét và thiết bị hạng nặng đứng như đồ chơi dưới ánh đèn pha bên mũi tàu Ever Given.

Một tàu kéo nằm gần đuôi tàu, chờ đợi nỗ lực kéo nổi Ever Given tiếp theo. Nhưng đợt thủy triều được gửi gắm nhiều kỳ vọng đã dâng vào khoảng 22h30 đêm 27/3, và nỗ lực giải cứu con tàu vẫn chưa thành công như mong mỏi của hãng sở hữu con tàu cũng như của tất cả ánh mắt dõi theo cuộc khủng hoảng này từ khắp thế giới.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 4

Xe cần cẩu làm việc để giải thoát con tàu container dài khoảng 400 m và nặng 200.000 tấn tại kênh đào Suez. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, phần lớn công việc đang diễn ra một cách thầm lặng. Đội giải cứu gồm 8 chuyên gia cứu hộ và chuyên gia hải quân người Hà Lan giám sát chiến dịch. Họ sẽ cần khảo sát con tàu và đáy biển và tạo ra một mô hình máy tính giúp thực hiện chiến dịch giải thoát xung quanh con tàu mà không gây hư hại, đại úy Nick Sloane, một chuyên gia người Nam Phi chuyên về trục vớt cho biết. Ông là người dẫn đầu chiến dịch xử lý khủng hoảng Costa Concordia, con tàu du lịch bị lật vào năm 2012 ngoài khơi bờ biển Italy.

Họ sẽ cần phải đưa các tàu khác khỏi khu vực, nhiệm vụ đòi hỏi một nỗ lực phối hợp khổng lồ. Và họ sẽ phải tính đến khả năng sự cố mắc kẹt của Ever Given đã tác động tới đáy biển, khiến các tàu khác khó đi qua khu vực hơn ngay cả khi con tàu container khổng lồ đã được “giải thoát”, đại úy Paul Foran, một nhà tư vấn hàng hải từng tham gia các sứ mệnh giải cứu khác, cho hay.

Trong lúc đó, họ phải hy vọng Ever Given vẫn còn nguyên vẹn.

Theo cả hai vị chuyên gia trên, việc con tàu bị võng ở giữa, mũi và đuôi tàu bị kẹt, khiến thân tàu dễ bị căng và nứt.

Ông Mohammed Mosselhy, chủ sở hữu của First Suez International, một công ty hậu cần hàng hải tại kênh đào Suez, cho biết các đội thợ lặn đã kiểm tra thân tàu và chưa phát hiện dấu vết nào như vậy. Thế nhưng, ở hầu hết khía cạnh khác, Ever Given đã bị Định luật Murphy khuất phục. Đó là một định luật về vận xui được đưa ra năm 1949 theo tên của Edward Murphy - một kỹ sư trong lực lượng Không quân Mỹ - nói rằng: Nếu một điều tồi tệ có thể xảy ra thì nó sẽ xảy ra. Và Ever Given đã mang nguy cơ làm bạn với rắc rối ngay từ đầu, từ kích cỡ của nó khi là con tàu lớn bậc nhất thế giới.

“Đó là con tàu lớn nhất, và cuối cùng nó lại ở nơi tồi tệ nhất của kênh đào Suez”, ông Sloane nói. "Và điều đó thực sự xui xẻo".

Kịch bản tiếp theo

Nếu tàu kéo, tàu nạo vét và máy bơm không thể hoàn thành chiến dịch giải cứu, sẽ có thêm một lực lượng “xung trận” với hàng loạt các tàu và máy chuyên dụng, đòi hỏi sự vận hành của trăm nhân lực: Các tàu chở dầu nhỏ hút hết nhiên liệu của tàu; Cần cẩu cao nhất thế giới dỡ từng container trên tàu; Và, nếu không có cần trục nào đủ cao hoặc đủ gần, các máy bay trực thăng hạng nặng có thể bốc dỡ các container lên đến 20 tấn - mặc dù chưa ai cho biết hàng hóa sẽ đi đâu. (Một container cao 12 m có thể nặng tới 40 tấn).

Gọi con tàu container Ever Given là “quái vật mắc kẹt trên kênh đào Suez”, trung tướng Osama Rabie, người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 27/3 rằng ông hy vọng "chúng ta không rơi vào kịch bản đó". Trong khi đó, các nhà chức trách đã huy động các tàu có cần cẩu để chuyển một số container.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 5

Trung tướng Osama Rabie, người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez, tại cuộc họp báo hôm 27/3. Ảnh: New York Times.

Mặc dù các nhà phân tích và giới chức trách kênh đào có vẻ lạc quan rằng Suez sẽ sớm được khơi thông, đại úy Sloane ước tính rằng hoạt động này sẽ mất ít nhất một tuần. Khi một con tàu có kích thước tương tự, CSCL Indian Ocean, mắc cạn gần cảng Hamburg vào năm 2016, phải mất gần 6 ngày để khơi thông sông Elbe.

Richard Meade, tổng biên tập của Lloyd’s List, một ấn phẩm tình báo hàng hải có trụ sở tại London, nói rằng nguyên nhân đơn giản đây là một con tàu lớn và vấn đề rất lớn.

Các nhà phân tích cho biết nếu con tàu được giải thoát ngày 29/3, ngành vận tải biển có thể chịu đựng được, nhưng vượt qua giới hạn này, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng có thể bắt đầu thấm thía những gián đoạn lớn.

Một số tàu đã quyết định không chờ đợi thêm được nữa, và quay ngược khỏi kênh đào Suez để đi một chặng đường dài hơn nhiều quanh mũi phía nam của châu Phi, một hành trình có thể kéo dài thêm hàng tuần và tốn thêm 26.000 USD mỗi ngày cho chi phí nhiên liệu.

Hôm 27/3, tướng Rabie đã cố gắng nêu lên những con số để bảo vệ kỷ lục an toàn của kênh đào: 18.840 tàu lưu thông vào năm 2020, và không xảy ra bất cứ tai nạn nào.

“Những gì đang diễn ra từng xảy đến trên khắp thế giới, và nó sẽ xảy ra một lần nữa” ông nói. “Kênh đào Suez, là một lối đi, không liên quan gì đến vụ việc”.

Phải đưa con "quái vật" ra khỏi kênh đào Suez

Ở làng Manshiyet Rugola, cái tên có nghĩa là “Ngôi làng nhỏ của những người can đảm”, chuyện tắc đường dù dưới bất cứ hình thức nào cũng là điều khó tưởng ở những lúc bình thường.

Cảnh tượng thường thấy trên con đường chính trong làng - nằm giữa một bên là những ngôi nhà gạch thấp và một bên là những cánh đồng xanh mướt với những cây cọ - là những chiếc xe lừa chất đầy cỏ ba lá. Một cậu bé bán kem đi môtô. Những chú gà trống đua nhau gáy vào ban trưa, báo hiệu giờ cầu nguyện. Trước khi tàu Ever Given xuất hiện và “chôn chân” trên kênh đào từ hôm 23/3, các tháp của nhà thờ trong làng là nơi cao nhất.

“Các anh có muốn thấy con tàu không”, một chàng trai trẻ tuổi hỏi hai phóng viên tới đưa tin về sự việc.

Kể từ khi tiếng ồn rầm trời như động đất của con tàu mắc cạn khiến nhiều người thức giấc vào khoảng 7h sáng 23/3, tàu Ever Given trở thành chủ đề được quan tâm duy nhất trong làng.

“Cả làng đều đang dõi theo”, Youssef Ghareeb, 19 tuổi, một công nhân nhà máy, nói với New York Times. “Chúng tôi quen với việc con tàu nằm đó, bởi chúng tôi đã sống trên mái nhà của mình và chỉ quan sát con tàu trong suốt nhiều ngày”.

Cư dân trong làng đều thừa nhận rằng cảnh tượng thậm chí còn ấn tượng hơn vào ban đêm, khi con tàu mở đèn.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 6

Cư dân ở làng Manshiyet Rugola nói rằng cảnh tượng con tàu vào ban đêm khi lên đèn khiến họ choáng ngợp. Ảnh: New York Times.

“Khi đèn thắp sáng con tàu vào ban đêm, nó như Titanic”, Nadia - một người hàng xóm của Umm Gaafar - nói với New York Times. Cô Nadia từ chối tiết lộ tên đầy đủ của mình vì không muốn lực lượng an ninh trong khu vực để mắt tới.

“Những gì còn thiếu là chiếc vòng cổ quý giá trong phim”, cô Nadia cho biết thêm.

Ngay cả Umm Gaafar cũng chỉ là biệt danh bởi người phụ nữ này cũng không muốn gặp phiền toái với các nhân viên an ninh của chính quyền - những người đã ghé qua các ngôi nhà trong làng và khuyến cáo người dân không chụp ảnh con kênh, và nói chung là không lan truyền hình ảnh ở hiện trường. Nadia cho biết cô không dám chụp ảnh con tàu vào ban đêm, mặc dù cô rất muốn.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 7

Vị trí của tàu Ever Given bị mắc cạn trên kênh Suez. Đồ họa: Guardian.

Dân làng và các nhà phân tích vận tải có cùng câu hỏi về Ever Given. Những người điều hành con tàu đã khẳng định rằng con tàu mắc cạn vì gió lớn từ bão cát, các container xếp chồng lên nhau hoạt động giống như một cánh buồm khổng lồ. Có điều, trong cùng thời điểm, các tàu khác đã đi qua mà không xảy ra sự cố. Những con tàu trong các cơn bão trước đó cũng vậy, dân làng thắc mắc.

“Chúng tôi đã thấy những trận gió tồi tệ hơn, nhưng chưa từng có điều gì như thế này xảy ra trước đây”, Ahmad al-Sayed, 19 tuổi, một nhân viên bảo vệ, cho biết.

Đại úy Foran, chuyên gia tư vấn hàng hải, cho biết hai hoa tiêu từ kênh đào Suez thường lên những con tàu lớn đi qua kênh để giúp điều hướng tàu đi qua.

Các chuyên gia vận tải biển và giới chức chính phủ cho biết gió có thể là một yếu tố làm trầm trọng thêm các tác động vật lý khác, nhưng họ cho rằng có thể có lỗi của con người trong vụ việc.

“Một sự cố nghiêm trọng như thế này thường là kết quả của nhiều lý do: Thời tiết là một lý do, nhưng có thể do lỗi kỹ thuật, hoặc lỗi của con người”, tướng Rabie cho biết hôm 27/3.

Đại úy Foran cũng có quan điểm tương tự.

“Tôi rất thắc mắc, tại sao nó lại là chiếc duy nhất mắc cạn?”, ông Foran nói. “Nhưng điều này hãy để bàn luận sau. Điều quan trọng lúc này là phải đưa con quái vật ra khỏi kênh đào Suez”.

Điều gì đã xảy ra?

Dự báo thời tiết hôm 23/3 cho thấy một cơn gió có vận tốc 64 km/h kèm bão cát sẽ càn quét qua phía bắc Ai Cập. Kiểu thời tiết như vậy xảy ra thường xuyên ở sa mạc Sinai vào thời điểm này trong năm, theo Bloomberg.

Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường thủy trọng yếu của thế giới, vẫn hoạt động. Các con tàu vẫn nối đuôi thành đoàn kể cả khi gió giật mạnh. Ever Given - một trong những tàu chở container lớn nhất thế giới đã mắc kẹt vào khoảng 7h40, theo giờ địa phương.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 8

Siêu tàu chở container Ever Given đã chặn dòng lưu thông hàng hóa trên kênh đào Suez. Ảnh: Bloomberg.

Dựa trên dữ liệu theo dõi và phân tích của những người trong ngành, siêu tàu chở hàng có kích thước bằng tháp Eiffel vẫn đi qua con kênh rộng 300 m cho dù đã có con tàu khác tạm dừng lại do gió lớn cản trở.

Sự cố diễn ra rất phức tạp. Khi di chuyển về phía bãi cát, con tàu tăng tốc, có lẽ để chỉnh hướng và suýt va vào bờ biển. Điều đó khiến cho phần thân thép của tàu va chạm sâu hơn vào thành kênh. Những cơn gió giật cũng khiến các thuyền trưởng phải tập trung cao độ điều khiển khi đi qua một trong những tuyến đường khó khăn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, ít nhất đã một con tàu đã quyết định hoãn chuyến đi qua kênh đào. Một ngày trước khi Ever Given khởi hành, tàu Rasheeda chuyên chở khí tự nhiên hóa lỏng từ Qatar, nằm trong số những con tàu tiến đến kênh đào từ đầu phía nam. Nhận thức được sự nguy hiểm sắp tới, thuyền trưởng quyết định không vào kênh sau khi thảo luận với các quan chức khác tại công ty quản lý con tàu Royal Dutch Shell.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết việc thiếu tầm nhìn trong thời tiết bất lợi đã dẫn đến việc con tàu mất lái và trôi dạt. Evergreen Line - công ty vận hành Ever Given cho rằng tàu đã chệch hướng do có gió mạnh đột ngột.

Đơn vị quản lý của con tàu là Benhard Schulte Shipmanagement cho biết vụ tai nạn này là do gió mạnh.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 9

Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đã khiến la liệt những con tàu chở hàng khác phải chờ để được đi qua. Ảnh: Bloomberg.

Là con đường chiếm 12% tỷ lệ giao thương của thế giới, trung bình có 50 con tàu đi qua kênh đào Suez mỗi ngày nối dài xuất phát từ sáng sớm. Ever Given bắt đầu cuộc hành trình ngay sau bình minh và đón hai hoa tiêu địa phương từ Cơ quan Kênh đào Suez để giám sát việc thực hiện hành trình.

Thuyền trưởng của Ever Given từng thực hiện hành trình qua kênh Suez nhiều lần trước đó và biết cách ứng phó với thiên tai. Các công ty vận tải biển nói rằng họ chỉ sử dụng thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm đi qua kênh Suez vì tính phức tạp của chuyến đi. Nhưng sự cố đã khiến số hàng hóa trị giá 10 tỷ USD cùng hơn 300 con tàu chở hàng của nhiều ngành công nghiệp tắc nghẽn.

Tau mac ket,  tac nghen luu thong,  10 ty USD anh 10

Khi di chuyển qua kênh Suez, tàu Ever Given đã không sử dụng tàu kéo để hỗ trợ. Ảnh: Bloomberg.

Tàu Ever Given mất phương hướng và chệch sang phải khoảng 8 km vào miệng kênh. Sau đó, con tàu nặng 200.000 tấn nghiêng sang trái rồi bất ngờ rẽ ngang và mắc cạn giữa sông. Phần mũi tàu hình quả lê màu đỏ, có chức năng rẽ nước giúp con tàu dễ di chuyển hơn đã bị vùi sâu vào bờ cát.

Đi quá tốc độ cho phép

Theo Bloomberg, những dữ liệu thu thập được cho thấy nguyên nhân gây ra vụ tai nạn chắc chắn là do tốc độ. Tốc độ cuối cùng ghi được của con tàu là 13,5 hải lý/giờ (khoảng 25 km/h) vào lúc 7h28, 12 phút trước khi tai nạn. Theo quy định, tốc độ tối đa được phép đi trên kênh Suez chỉ là 7,6-8,6 hải lý/giờ. Còn các thuyền trưởng cho rằng họ được phép tăng tốc khi đối mặt với gió mạnh để điều hướng tàu tốt hơn.

Chris Gillard, cựu thuyền trưởng của một con tàu container dài 300 m băng qua Suez lâu năm, cho biết họ chỉ được phép tăng tốc đến một mức độ nhất định. “Nếu quá tốc độ cho phép, nó sẽ phản tác dụng vì mũi tàu sẽ bị hút sâu xuống nước. Vì vậy, việc tăng tốc độ quá nhanh sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình”, ông nhấn mạnh.

Cũng theo dữ liệu của Bloomberg, con tàu Maersk Denver dài 300 m di chuyển phía sau tàu Ever Given cũng đi quá tốc độ là 10,6 hải lý/giờ (19,6km/h) lúc 7h28.

Khoảng 20 phút sau khi sự cố xảy ra, một trong hai tàu kéo đi cùng các tàu phía trước Ever Given đã quay lại để kéo mạn trái của tàu ra. Sau đó, 8 tàu kéo được điều đến để đẩy nhưng vô ích.

Các chuyên gia nhận định tai nạn này sẽ là một cơ hội học cách thích nghi của ngành hàng hải thế giới. “Sẽ có những con tàu lớn hơn này sẽ đi qua Suez và xảy ra những sự cố khác tồi tệ hơn nếu chúng ta không biết thay đổi", ông Kinsey, cựu thuyền trưởng đã thực hiện chuyến đi cuối cùng của mình qua Suez vào năm 2006, nhận định.

'Làm sao giải cứu con tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez? Hãy gọi Godzilla!' Kênh CNN đã nhờ một số phụ huynh hỏi con cái họ làm cách nào để đưa con tàu Ever Given đang mắc cạn di chuyển trở lại và khai thông kênh đào Suez.

Tàu container kẹt ở kênh Suez - vụ ‘tắc đường’ tốn kém nhất lịch sử

Những xe Kia mới, các thùng bia Heineken, động vật sống, hàng tỷ USD dầu thô và các hàng hóa khác vẫn kẹt ở kênh Suez ngày 27/3. Đây có lẽ là vụ “tắc đường” tốn kém nhất lịch sử.

Ảnh vệ tinh cho thấy hàng trăm con tàu đang đợi kênh Suez được thông

Trong khi giới chức cố gắng giải cứu con tàu Ever Given mắc cạn, hơn 320 tàu đang chờ ở hai đầu kênh đào Suez, đợi tuyến đường biển này hoạt động lại.

Bảo Châu

Theo New York Times, Bloomberg

Bạn có thể quan tâm